(Baonghean.vn) - Khi công tác trồng rừng được đẩy mạnh, những đồi núi miền Tây được bao phủ bởi những rừng keo nguyên liệu bạt ngàn, thì nghề đốn keo rừng, thu hoạch lâm sản cũng được hình thành. Đây là một trong những nghề vất vả, lao động khó nhọc và tiềm ẩn không ít hiểm nguy.

images1730949_1.1.jpgNgười làm nghề đốn keo đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai, vì công việc nặng, lại thức khuya dậy sớm. Hàng ngày, từ 5h sáng, khi chưa rõ mặt người, họ đã làm việc trên đồi để tránh nắng to giữa đồi trọc.
Những người đốn keo thường làm theo nhóm, nhận khai thác “trọn gói” cho một chủ mua keo nào đó. Mỗi nhóm trên dưới 10 người (có thể khác hoặc cùng xã) đủ cả nam, nữ để phân chia công việc, như: phát sảy, bóc vỏ, bốc vác… Mỗi nhóm thường có 1 người mang máy để cắt cây.
Đốn keo, năng suất hay không, dễ hay khó, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: nhân lực, phương tiện, địa hình, mật độ của cây... Trong đó, điều mà mọi người quan tâm hàng đầu là địa hình nơi khai thác, núi cao hay đồi thoải. Nếu đồi thoải, có đường sá thuận tiện, công việc đốn keo sẽ dễ dàng hơn. Trong ảnh: Cột dây ở ngọn cây cao trước khi chặt.
Nhiều khi, muốn cây đổ cho đúng hướng, cũng tốn khá nhiều công sức.
Cây sau khi đốn ngã, phải cắt thành đoạn dài chừng 2,5 - 3m, yêu cầu bóc vỏ sạch trước khi bốc xếp lên xe. Nếu cây to, có thể bóc vỏ trước khi đốn cây. Việc bóc vỏ keo tốn rất nhiều thời gian, cây càng nhỏ, bóc càng khó.
Ngày trước người đốn keo thường dùng xà beng, dao để bóc vỏ cây, bây giờ thì họ dùng chiếc móc bằng thép bẻ cong rất thuận tiện.
Tuy công việc vất vả, nặng nhọc, nhiều khi còn nguy hiểm (bị cây kẹp bầm dập, gãy chân tay; ong đốt sưng mặt mũi; dao, rìu chặt nhằm thân thể…) nhưng người làm keo vẫn vui tươi. Nói như một phụ nữ quê xã Thanh Thủy (Thanh Chương): “Có khổ cũng làm vì không biết làm việc chi hơn, nên cứ lạc quan cho mau xong việc”.
Vận chuyển keo là công việc nặng nhọc nhất, phải qua nhiều “hịch”, nhiều đoạn đường khó đi, lắm vật cản. Lúc chuyển keo, phụ nữ vác trên vai những khúc cây 45 - 50 kg là chuyện thường tình. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại, áo quần ướt đẫm.
Nếu khai thác trên đỉnh núi, họ có thể sắp xếp cây thành những khối lớn, nặng khoảng 1,5 - 2 tấn, cột dây, quay chặt rồi cùng nhau đẩy, lăn cho khối cây rơi xuống núi.
Đi làm xa, người đi đốn keo thường mang theo thức ăn, nước uống để tranh thủ ăn giữa buổi lấy sức. Trên đỉnh núi, bữa ăn lấy cây rừng làm đũa, cơm vắt cũng thấy ngon.
Nếu chỗ khai thác, ô tô không vào chở keo được, thì mọi người phải dùng xe trâu để tăng bo từng chuyến khó nhọc ra đường lớn.
Những nơi chỉ ô tô trọng tải nhỏ mới vào được, cũng phải sắp xếp keo 2 lần, từ nơi khai thác lên xe nhỏ, rồi từ xe nhỏ sang xe lớn. Sắp xếp ngăn nắp, trọng lượng lớn thì càng lợi cho người làm công. Mỗi tấn cây keo, chủ buôn sẽ trả công đốn keo là 150 nghìn đồng. Chị Lê Thị Sen (29 tuổi) quê ở xóm 11, xã Thanh Long, khai thác keo tại xã Thanh Thủy chia sẻ: “Tui đã có 10 năm trong nghề đốn keo. Nghề ni đi sớm về khuya, có khi 12 giờ đêm lỡ hàng vẫn chưa về, nhưng tiền công cũng chỉ kiếm được 150 - 250 nghìn đồng/ngày, rất vất vả”.

                                                       Huy Thư

TIN LIÊN QUAN