(Baonghean) - Đổi mới và nâng cao chất lượng  dạy học ngoại ngữ  là một trong những mục tiêu quan trọng được ngành giáo dục Nghệ An đưa ra từ năm 2010 – 2011.
 
Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, việc dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn.
 
Ngoại ngữ đã trở thành môn học chính trong hệ thống các trường phổ thông. Khoảng 10 năm trở lại đây, Ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc tại các kỳ thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia. Ở Nghệ An, chỉ riêng kỳ thi vào lớp 10 THPT, liên tục trong nhiều năm môn tự chọn thứ 3 luôn là môn Ngoại ngữ. Kết quả tuyển sinh qua các năm cũng thấy, nếu như ở các vùng trung tâm như Thành phố Vinh, các thị xã, thị trấn...
 
Ngoại ngữ là môn thí sinh hào hứng. Ngược lại ở các huyện miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Ngoại ngữ lại là môn khó khăn nhất. Đơn cử như tại kỳ thi THPT quốc gia năm học 2014 – 2015 vừa rồi, toàn tỉnh có hơn 30.000 thí sinh dự thi. Thế nhưng, tỷ lệ thí sinh có điểm trung bình từ  5 điểm trở lên chỉ chiếm hơn 11%. Bên cạnh đó, trong số hơn 1.000 thí sinh bị trượt tốt nghiệp, chiếm hơn một nửa bị trượt là do điểm chết môn Ngoại ngữ. 
 
 
images1401731_unnamed__3_.jpgTiết học tiếng Anh ở Trường THCS Quang Trung (TP. Vinh).
 
Tìm hiểu lý do này tại Trường THPT Tương Dương, trường chỉ có chưa đến 60% thí sinh đậu tốt nghiệp (thấp nhất tỉnh), cô giáo Lê Thị Lộc, Tổ trưởng tổ ngoại ngữ của nhà trường chia sẻ: Học sinh ở các huyện miền núi hầu hết là người dân tộc ít người nên khả năng học của các em về Ngoại ngữ so với vùng xuôi gặp nhiều khó khăn hơn. Hơn thế, vì đầu vào của học sinh rất thấp (chỉ cần 0,25 điểm là đậu) nên năng lực học tập nói chung của các em có nhiều hạn chế.
 
Bên cạnh đó, hiện Bộ và Sở đang có nhiều thay đổi trong việc dạy học tích cực, hướng đến sự chủ động của học sinh trong cách tiếp nhận. Nhưng cách dạy này khi áp dụng với học sinh miền núi rất khó thực hiện vì học sinh vẫn quen với hình thức cô dạy – trò chép, cô nói – trò nghe. Giáo viên nếu vẫn duy trì theo cách dạy truyền thống thì lại không theo kịp với chương trình, với cách ra đề hiện nay.
 
Ngay ở Hưng Nguyên, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ dù không quá xa thành phố nhưng việc dạy ngoại ngữ cũng không thuận tiện. Ban giám hiệu nhà trường cũng hết sức băn khoăn khi tại kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi trường có 252 học sinh lớp 12 dự thi nhưng chỉ có 7 em có từ điểm 5 trở lên. Số còn lại, điểm trung bình chỉ khoảng 3 điểm. Tìm hiểu được biết, trường hiện có 4 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó có 2 thạc sỹ. Tuy vậy, hiện chỉ mới có 1 giáo viên đạt chuẩn B1, 1 giáo viên đạt chuẩn B2, trong khi đó theo quy định của Bộ Giáo dục, giáo viên dạy tiếng Anh bậc THPT tối thiểu phải có giáo viên đạt chuẩn C1 (khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu).
 
Cơ sở vật chất dạy tiếng Anh hiện cũng chưa đảm bảo vì trường chưa có phòng học tiếng, học sinh nghe – nói chủ yếu chỉ mới thông qua đài catsét do giáo viên tự chuẩn bị. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều việc đến việc dạy tiếng Anh của nhà trường. Thầy giáo Trần Đình Hoàng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi có kết quả tốt nghiệp nhà trường cũng đã phân tích nguyên nhân. Ngoài những lý do khách quan như đề thi năm nay có tính phân loại cao, học sinh được làm quen với ma trận đề thi khá muộn thì còn có nguyên nhân chủ quan. Đó là do học sinh bị hổng kiến thức từ cấp II khá nhiều,  thế nên khi lên cấp III phải học theo chương trình 7 năm nên các em khó theo kịp. Học sinh không mặn mà với môn tiếng Anh, trường nằm ở vùng khó khăn nên học sinh không có nhiều điều kiện để mua sắm sách tham khảo, học thêm...
 
Nhìn rộng ra toàn tỉnh, mặc dù từ năm học 2011 – 2012, tỉnh ta đã phê duyệt “kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 – 2020” với mục đích tăng cường và nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ một cách toàn diện. Mặc dù vậy, trong gần 4 năm đầu thực hiện kết quả đạt được còn hết sức khiêm tốn. Cụ thể, ở bậc tiểu học, sau khi đặt mục tiêu từ năm học 2011 – 2012, sẽ mở rộng quy mô các trường dạy theo chương trình mới (chương trình Tiếng Anh 10 năm từ lớp 3), hiện đã có 378/542 trường thực hiện. Tuy vậy, theo thầy giáo Trần Thế Sơn, Trưởng phòng tiểu học, Sở GD-ĐT hiện chỉ có khoảng 200 trường đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, số còn lại dù đã huy động xã hội hóa nhưng điều kiện, trang thiết bị dạy học còn rất sơ sài. Riêng với những trường thuộc các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa rất khó để triển khai vì hiện tại còn nhiều trường chưa áp dụng dạy học 2 buổi/ngày, giáo viên chưa đạt chuẩn và trang thiết bị không đảm bảo. 
 
Ở bậc THCS, THPT tỉnh khuyến khích các trường dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm. Vậy nhưng, đến thời điểm này, chỉ có vài địa phương tham gia thí điểm là thực hiện được với số lượng rất nhỏ chưa đến 100 trường. Nguyên nhân chính là bởi hiện tại số lượng giáo viên đạt chuẩn năng lực để dạy sách GK thí điểm còn thấp, đặc  biệt là cấp THPT. Trong đó, hiện chỉ mới có 122/1.399 giáo viên bậc THCS đạt chuẩn B2 và 18/580 giáo viên bậc THPT đạt chuẩn C1 theo như quy định.
 
Quá trình thực hiện có những bất cập như sách cung cấp chậm so với biên chế năm học nên những tiết Tiếng Anh đầu năm học, giáo viên  và học sinh lớp thí điểm vẫn phải dạy - học theo chương trình bình thường. Cho đến nay, trên thị trường chưa thấy xuất hiện các loại sách tham khảo bổ trợ cho riêng chương trình thí điểm. Vì kinh phí hạn hẹp nên số trường được trang bị cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Đơn cử như ở huyện Nam Đàn, mặc dù  toàn huyện có 27 trường THCS nhưng trong năm học này chỉ có 3 trường mạnh dạn áp dụng dạy theo chương trình mới là  THCS Nam Giang, THCS Tân Dân và Trường THCS Đặng Chánh Kỷ. Để mở rộng ra các trường, thầy giáo Lê Trung Sơn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nam Đàn cho rằng cần một thời gian dài vì hiện tại đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa có thể đáp ứng, chất lượng học sinh cũng chưa đảm bảo:  Hiện, những trường áp dụng theo chương trình mới là những trường được thụ hưởng dự án còn với những trường bình thường muốn huy động xã hội hóa để đầu tư một phòng học tiếng hơn 100 triệu đồng là hết sức khó khăn.
 
Chia sẻ thêm về những khó khăn hiện nay, thầy giáo Võ Văn Mai, trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Ở nhiều trường, các thiết bị tối thiểu cho việc học tiếng như đài, băng, đĩa CD, các thiết bị nghe nhìn khác còn chưa đủ hoặc cũ, hỏng, không đảm bảo chất lượng, chưa được mua sắm, bổ sung kịp thời. Hầu hết các trường chưa có phòng học ngoại ngữ riêng; các thiết bị hiện đại như máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể… còn ít. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở các trường trong tỉnh đã đủ về số lượng với 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo nhưng hạn chế là giáo viên được đào tạo từ các nguồn khác nhau; năng lực Ngoại ngữ và năng lực giảng dạy của một bộ phận lớn giáo viên còn hạn chế. Qua các đợt khảo sát, đánh giá năng lực Ngoại ngữ, tỷ lệ giáo viên chưa đạt trình độ năng lực theo yêu cầu còn chiếm tỷ lệ cao ở cả 3 cấp tiểu học, THCS, THPT.
 
Như vậy, để nâng cao chất lượng ngoại ngữ một cách toàn diện thì chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn. Trước thực tế này, để tiếp tục triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đòi hỏi cần rất nhiều nỗ lực của ngành, của trường, của các địa phương và của từ ý thức và trách nhiệm của mỗi giáo viên. Trong đó, các cơ sở giáo dục, các địa phương cần ưu tiên tập trung nguồn lực, tạo điều kiện cho tất cả giáo viên tận tụy với nghề có được cơ hội để được tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo mới, đáp ứng được yêu cầu mới về chuẩn năng lực Ngoại ngữ. Quá trình tuyển dụng giáo viên mới cần phải đạt những chứng chỉ cần thiết.
 
Tăng cường tổ chức chuyên đề, hội thảo về chuyên môn để giáo viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, cập nhật các kỹ thuật dạy học tích cực; tạo điều kiện để giáo viên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao; khuyến khích giáo viên tham gia các khoá tập huấn trong nước và nước ngoài, được cấp chứng chỉ quốc tế. Khuyến khích các trường vận động xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm  tạo thêm môi trường học ngoại ngữ tích cực. Khuyến khích đầu tư, hợp tác nước ngoài đa dạng hóa hình thức dạy ngoại ngữ trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận giữa người dạy và người học nhằm tạo nhiều cơ hội học ngoại ngữ, thực hành ngoại ngữ cho học sinh...
 
Bài, ảnh:Mỹ Hà