(Baonghean) - Trong dịp lễ tưởng niệm 13 năm sự kiện 11/9/2001 ở Mỹ, thế giới quan tâm đến một sự kiện lớn diễn ra ở Mỹ, đó là Quốc hội Mỹ trao toàn quyền cho Tổng thống Obama trong việc hoạch định và triển khai chiến lược chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS). Về vấn đề này có rất nhiều ý kiến, nhận định và bình luận khác nhau. Để nắm làm rõ những vấn đề bạn đọc quan tâm, báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với PGS, TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược khoa học - Bộ Công an.

Phóng viên:Thưa Thiếu tướng Lê Văn Cương, Thiếu tướng có nhận xét gì về việc Quốc hội Mỹ trao toàn quyền hoạch định và triển khai chiến lược chống tổ chức IS?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Tôi nghĩ rằng, trong chính trường Mỹ, giữa Quốc hội và Nhà trắng thông thường có những mâu thuẫn với nhau. Nếu như chính quyền thuộc phe Đảng Dân chủ nắm quyền như hiện nay, thì Đảng Cộng hòa lại nắm Thượng viện hoặc Hạ viện. Mâu thuẫn giữa cơ quan lập pháp và hành pháp thường xuyên diễn ra trên chính trường Mỹ. Trong trường hợp này, Quốc hội đã trao toàn quyền cho Obama, thể hiện sự thống nhất hiếm hoi giữa Cơ quan lập pháp và Cơ quan hành pháp Hoa Kỳ. Tại sao lại có sự thống nhất cao như vậy? Tôi cho rằng, lý do chủ yếu là đến nay tổ chức IS đã trực tiếp trở thành mối đe dọa của quốc gia Mỹ, công dân Mỹ. Mỹ không còn chỗ lùi nữa. Khi đứng trước một mối đe dọa trực tiếp và nguy hiểm như vậy, muốn hay không thì giữa Quốc hội và Tổng thống phải có biện pháp để bảo vệ an toàn cho người dân. Cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy, gần 50% người Mỹ cảm thấy lo lắng và mất an ninh hơn. Như vậy là con số này tăng gấp đôi so với năm 2013. Càng chống khủng bố, người Mỹ càng cảm thấy mất an toàn. Điều này thể hiện trong quyết tâm của Quốc hội và Chính quyền Mỹ. Cả nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ hiển hiện, đe dọa tính mạng công dân và an ninh quốc gia.
images1046464_images1046363_3_buoc_de_my_tieu_diet_nha_nuoc_hoi_giao_is_b275c7.jpgTổng thống Obama họp bàn với lãnh đạo lưỡng viện quốc hội để trình bày kế hoạch chống IS tại Nhà Trắng ngày 9/9. Ảnh Internet
Phóng viên:Thiếu tướng có thể khái quát những nội dung cơ bản trong chiến lược chống tổ chức IS của Tổng thống Obama?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nội dung khái quát của chiến lược chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS của ông Obama có 4 điểm lớn như sau:
 
Thứ nhất, Chính quyền Obama xác định tổ chức IS là kẻ thù nguy hiểm nhất đe dọa đến quyền sống của người Mỹ. Không những thế, đó còn là kẻ thù của cộng đồng quốc tế và tiến bộ xã hội.
 
Thứ hai, mục tiêu của chính quyền Obama là phải truy đuổi đến cùng, phải tiêu diệt tổ chức này. Nhà nước Hồi giáo IS này là một nhà nước khủng bố lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Nó khác với al - Qaeda ở 2 điểm: Tính khát máu của IS lớn hơn hàng trăm lần. Kẻ cầm đầu của IS còn phê phán, mỉa mai al - Qaeda là quá nhu nhược, quá trí thức. Những khu vực mà IS chiếm được là khoảng 85.000 - 90.000 km2 (gấp khoảng 6 lần diện tích tỉnh Nghệ An). Người dân chỉ còn 2 cách lựa chọn, hoặc là theo IS, hoặc là chết. Hai là, đây là một lực lượng khủng bố có tổ chức thành Nhà nước của người Sunni, thống trị toàn bộ, xem tất cả những người ngoại đạo là kẻ thù và họ có quyền tiêu diệt. Nội dung của Obama nói rõ là Mỹ bằng mọi cách, mọi phương tiện xóa bỏ IS.
 
Thứ ba, về phương thức thực hiện, Tổng thống Obama huy động một mặt trận liên minh lớn trên toàn thế giới.
 
Thứ tư, Hoa Kỳ không đưa lực lượng bộ binh vào Iraq mà dùng không quân, máy bay, tên lửa để tiêu diệt những mục tiêu của IS.
 
Phóng viên:Là một nhà nghiên cứu, Thiếu tướng có thể so sánh mối quan hệ giữa chiến lược chống khủng bố của Goerger Bush và chiến lược chống khủng bố của Obama?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về sự giống nhau và khác nhau của chiến lược chống khủng bố của Bush và Obama, tôi cho rằng có sự khác nhau ở 3 điểm cơ bản:
 
Thứ nhất, đó là hai chiến lược chống khủng bố xuất hiện trong bối cảnh tình hình quốc tế hoàn toàn khác nhau. Bối cảnh quan hệ quốc tế năm 2014 có những thay đổi cơ bản so với năm 2003. Vào thời điểm các năm 2001-2003, trên các khu vực chiến lược trọng điểm của Hoa Kỳ, từ châu Âu, Đại Tây Dương, đến Thái Bình Dương... đều khá ổn định. Sân sau của Mỹ - châu Mỹ La tinh năm 2001-2003 về cơ bản Mỹ còn khả năng chi phối. Tại Trung Đông và Nam Á lúc đấy chưa có vấn đề gì lớn. Còn bây giờ khác hoàn toàn. Năm 2014, tại 4 mặt trận của Mỹ: Châu Âu – Đại Tây Dương nổi lên Ukraina, Ở châu Á – Thái Bình Dương gặp phải sự trỗi dậy của Trung Quốc; Ở Mỹ -Latinh hiện nay đã bắt đầu thoát khỏi vòng cương tỏa của Hoa Kỳ, bắt tay với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ; tại Trung Đông cũng thế. Vậy là, hiện nay cũng hoàn toàn bất lợi cho Hoa Kỳ. 
 
Điểm khác biệt thứ hai là tiềm lực quốc gia của Mỹ 2001-2003 khác xa so với năm 2014. Giai đoạn 2001-2003, giữa hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton, nền kinh tế của Mỹ đã khôi phục và lên đến đỉnh cao vào năm 2000. Thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 đã đưa Mỹ đến đỉnh cao của sức mạnh so với tương quan còn lại của thế giới. Năm 2001, Mỹ chiếm 26% GDP của thế giới, nay Mỹ chỉ chiếm 19% GDP thế giới. Kinh tế Mỹ chưa thực sự thoát ra khỏi khủng hoảng và vẫn còn gặp không ít khó khăn, bế tắc, chưa có điều kiện phát triển vững chắc. Về mặt quân sự, Mỹ sa lầy trong 2 cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.  Rõ ràng Mỹ đang căng sức mạnh để đối phó cả phía Đông và phía Tây, cả Trung Đông và Nam Á. Năm 2014, sức mạnh Mỹ đã suy yếu rất nhiều.
 
Điểm thứ ba là phương thức tiến hành chống khủng bố của Obama khác với 2003. Tổng thống Bush lựa chọn phương thức đơn phương hành động, đánh đòn phủ đầu. Còn Obama lựa chọn phương thức tập hợp mặt trận thống nhất rộng rãi, tập hợp mọi lực lượng trên toàn thế giới hướng vào tiêu diệt, loại bỏ Nhà nước Hồi giáo IS. Chiến lược của Obama khác hẳn chiến lược của Bush.
 
Xét về tổng thể, chiến lược của Obama là chiến lược thu dọn hậu quả do Bush để lại. Chính Bush phát động chiến tranh Afghanistan 2001 và Iraq 2003, đẩy Trung Đông từ một vùng tương đối ổn định thành một vùng hơn một thập kỷ liên tục trong trạng thái xung đột đẫm máu, nồi da nấu thịt. Đây là chiến lược khắc phục hậu quả do người tiền nhiệm để lại.
 
Phóng viên:Tổ chức IS không chỉ là kẻ thù của Mỹ, mà còn là kẻ thù chung của Iran, Syria, liệu trong cuộc chiến chống IS này, Mỹ giải quyết mối quan hệ với Iran, Syria như thế nào? Và có diễn ra sự hợp tác giữa Mỹ và Iran, Syria?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nhà nước Hồi giáo IS không chỉ là kẻ thù của riêng Mỹ, mà còn kẻ thù của Cộng hòa Hồi giáo Iran, thánh địa trung tâm của người Hồi giáo Shitte (SI). Nhà nước Hồi giáo Iran và Mỹ mặc mặc nhiên có một kẻ thù chung là Nhà nước Hồi giáo IS. Còn Nhà nước Hồi giáo IS cũng xem Nhà nước Hồi giáo Iran là kẻ thù không đội trời chung. Trong các năm qua, lực lượng IS cũng đã có 3 năm được Mỹ hỗ trợ về tài chính, vũ khí, thông tin tình báo để chống Tổng thống Bashar al - Assad. Hiện nay, thế giới đang nghiên cứu hiện tượng phức tạp là Mỹ đang tập trung cùng Nhà nước Hồi giáo Iran chống Nhà nước Hồi giáo IS. Vậy bây giờ ông Obama giải quyết mối quan hệ này thế nào? Với Nhà nước Iran, giữa Iran và Mỹ sau 35 năm xem nhau là kẻ thù, (từ cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 đến nay), trong gần một năm lại đây, họ gặp nhau cởi mở, bàn luận để đi đến giải pháp thỏa đáng về chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của Iran. Điển hình là ngày 21/11/2013, nhóm P5+1 trong đó có Mỹ đã ký thỏa thuận với Nhà nước Iran để giải quyết vấn đề nói trên.
 
Trong tuyên bố công khai của Obama ngày 10/9, Ông cho rằng Mỹ không có khả năng hợp tác với chính quyền Tehran trong cuộc chiến để loại bỏ IS. Tôi cho rằng, Mỹ không thể đóng sập của với Iran. Vì Mỹ không thể tiêu diệt IS bằng tên lửa, ném bom... muốn hay không cũng cần bộ binh và lục quân đánh trên bộ. Vì vậy, Mỹ cần dựa vào lựa lượng quân đội của lực lượng Bagdad. Dưới 8 năm cầm quyền của Maliki, được Mỹ hỗ trợ về mọi mặt, chính quyền Maliki đã làm suy yếu sức mạnh của Nhà nước Iraq. Trong 5 tháng gần đây, Mỹ đã hỗ trợ mọi mặt cho lực người Kurd ở Bắc Iraq và Syria, người Kurd có một đội quân thiện chiến. Vệ binh Cộng hòa Iran cũng thiện chiến, họ nắm rất chắc địa bàn, điều kiện hoạt động và đặc điểm của Nhà nước IS. Nếu muốn tiến công nhanh, dứt khoát, Mỹ cần Vệ binh Cộng hòa Iran. Mặc dù Obama tuyên bố không liên minh với Iran, chẳng qua là xuất phát từ việc làm vừa lòng nội tình nước Mỹ và các đồng minh, còn để tiêu diệt Nhà nước IS, nếu không liên minh với Iran thì khó lòng thực hiện được. Có thể không công khai, không chính thức, nhưng sớm muộn cũng có những hợp tác, thỏa thuận không chính thức, bí mật giữa Mỹ và Iran để mở rộng khả năng tác chiến.
 
Phóng viên:Gần đây, Ngoại trưởng Nga Lavrop cho rằng, Mỹ lợi dụng việc chống Nhà nước Hồi giáo Iraq để tấn công Syria, loại bỏ chính quyền của Tổng thống Bashar al - Assad, ý kiến của Thiếu tướng về vấn đề này như thế nào? 
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong thời gian vừa rồi, ngày 10/9, Ngoại trưởng Nga Lavrop đã nói rằng, có thể lần này Mỹ sẽ núp dưới chiêu bài tấn công IS để  tấn công Syria, loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al Assad. Cùng chung ý kiến này, dư luận thế giới, bản thân tôi cũng chia sẻ ý kiến của Ngoại trưởng Nga nói rằng, lần này Mỹ núp dưới chiêu bài này để tấn công Syria, tôi cho đây là ý kiến có cơ sở. Lịch sử mách bảo chúng ta rằng, trước đây 11 năm, Mỹ đã vu cáo chính quyền Tổng thống Saddam Husen là sở hữu vũ khí giết người hàng loạt, ông tổng thống này có quan hệ với tổ chức khủng bố quốc tế al - Qaeda. Từ chuyện không có, cả thế giới và Mỹ không tìm thấy dấu vết nào về các chứng cớ mà Mỹ dựng chuyện nói trên.
 
Chuyện thứ hai, vào tháng 3/2011, khi cuộc xung đột ở Libya phát triển đến mức độ cao, phát hiện không có phương pháp nào để tháo ngòi nổ, tháng 3/2011, Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc (Nghị quyết mà Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng) ra Nghị quyết 1972 cho phép NATO thiết lập lệnh cấm bay trên bầu trời Libya, không cho phép máy bay của ông Gadafi cất cánh để bắn tên lửa, bỏ bom, ngăn cản sự đổ máu. Nhưng Mỹ và NATO lại dùng hải quân, bắn tên lửa, dùng máy bay ném bom, nhả đạn vào những cơ sở quan trọng nhất của ông Gadafi. Mỹ và NATO đã lạm dụng Nghị quyết 1972 để can thiệp vào một quốc gia có chủ quyền để loại bỏ chính quyền của ông Gadafi. Mỹ đã có quá trình bất chấp luật pháp quốc tế vì quyền lợi của mình. Vào tháng 8, tháng 9/2013, Nga đã đặt sự tiến công Syria lên bàn hội nghị, nhưng rồi, với sáng kiến đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình của Nga mà chặn lại được. Vì vậy, ý kiến của ông Lavrop là ý kiến đáng chú ý.
 
Phóng viên:Theo thiếu tướng, việc thực hiện chiến lược loại bỏ Nhà nước khủng bố IS của ông Obama gặp những thách thức như thế nào? Thiếu tướng có thể dự báo như thế nào về việc thực hiện chiến lược này?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về những khó khăn, thách thức đang đặt ra và khả năng thực hiện chiến lược loại bỏ Nhà nước IS.
 
Tôi cho rằng, khó khăn rất lớn. Hoàn cảnh, tiềm lực của Mỹ đã khác trước. Năm nay, đến mức Mỹ đã cắt chi tiêu quốc phòng 100 tỷ trong 10 năm tới trong khi phải kéo căng cả các mặt trận: châu Âu - Đại Tây Dương; châu Á - Thái Bình Dương; chỉ còn hai tháng nữa chính quyền Obama phải rút khỏi Afghanistan. Trước đây, Mỹ rút ra khỏi Iraq, phát sinh một Iraq hỗn loạn và tạo ra thế lực Nhà nước Hồi giáo IS chống Mỹ quyết liệt như hiện nay. Vậy với Afghanistan Mỹ phải làm gì để không lặp lại hậu quả như với Iraq? Xét về khả năng liên kết để chống khủng bố, vị trí của Mỹ đã suy giảm. Ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng không hẳn đã sẵn sàng tham gia cùng Mỹ để chống khủng bố đến cùng. Mỹ không dễ dàng để tập hợp lực lượng như trước.
 
Điều thứ ba, Nhà nước Hồi giáo IS khác xa với al - Qaeda, IS có tiềm lực mạnh, có đội quân thiện chiến, không chỉ ở Iraq và Syria, mà nên nhớ rằng, thậm chí có 100 công dân Mỹ – quốc tịch Mỹ có trong đội quân IS, ở châu Âu, cả Anh, Pháp, Đức, Ý... có khoảng 600 người nằm trong lực lượng Hồi giáo IS. Lực lượng này sớm hay muộn sẽ trở về quốc gia của mình để gây khủng bố.
 
Vì vậy, khả năng có đạt được kết quả như Obama nói là Mỹ sẽ tập hợp liên minh để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo IS là có nhiều khó khăn. Mục tiêu mà ông Obama đưa ra có đạt kết quả được hay không, theo tôi phụ thuộc vào 3 vấn đề: Khả năng tập hợp lực lượng của Mỹ trong cuộc chiến tiêu diệt IS;  chiến lược, chiến thuật sử dụng trong cuộc chiến tiêu diệt IS; thứ ba là phụ thuộc việc giải quyết quan hệ của Mỹ với các nước khác, các điểm xung đột khác. Nhà nước Hồi giáo IS là kẻ thù của cộng đồng thế giới. Nhưng Mỹ đang “dính” vào rất nhiều điểm nóng trên thế giới. Vì vậy, nếu Mỹ giải quyết ổn thỏa các mối quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Iran, Mỹ - Syria thì sẽ giải quyết được mục tiêu đặt ra. Theo tôi, việc này ít ra cũng phải 4 năm nữa mới thực hiện được, trong khi ông Obama chỉ còn 2 năm nữa trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của mình.
 
Phóng viên: Cảm ơn Thiếu tướng!
 
P.V (Thực hiện)