“Cầu nối”bảo vệ quyền và lợi ích của công dân
Ông Nguyễn Văn N ở khối Tân Diện, phường Nghi Hòa (TX. Cửa Lò) có con gái là Nguyễn Thị H (SN 1988) đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) không may bị tai nạn giao thông mất ở Phúc Kiến (Trung Quốc). Ngày 18/7/2017, ông N đã làm đơn gửi Sở Ngoại vụ Nghệ An đề nghị “tạo điều kiện giúp đỡ gia đình tôi đưa thi thể cháu về quê sớm nhất”.
Khó khăn là ông N và người thân trong gia đình chưa có hộ chiếu, vì vậy, sau khi nhận được đơn của ông N và nhận được thông tin xác minh từ đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Sở Ngoại vụ đã có văn bản đề nghị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) giúp đỡ ông N cùng hai người thân khác trong gia đình sang Trung Quốc mang tro cốt chị H về quê an táng.
Trên thực tế, những trường hợp được hỗ trợ và giúp đỡ kịp thời như gia đình ông N không phải là hiếm. Ví như ngày 10/10/2017, Sở Ngoại vụ nhận được công văn của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) về việc xác minh thân nhân của 4 công dân nữ nghi bị lừa bán sang Trung Quốc.
Theo đó ngày 28/9/2017, 4 công dân nữ (quê ở xã Tam Đình và xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) đã bị một đối tượng tên Hùng quen biết qua mạng hứa tìm giúp việc làm và đưa lên Cửa khẩu Móng Cái giao cho một người đàn ông Trung Quốc không rõ danh tính. Các nạn nhân sau đó đã bỏ trốn được ra ngoài và nhờ người thông báo cho Tổng lãnh sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Cả 4 người đều không có tiền nong hay giấy tờ tùy thân.
Nhận được thông tin, để sớm giải quyết đưa công dân về nước, Sở Ngoại vụ đã có công văn gửi UBND huyện Tương Dương đề nghị kết nối thông báo với gia đình 4 công dân trên, hướng dẫn gia đình nộp tiền đặt cọc vào Quỹ Bảo hộ công dân để hoàn tất các thủ tục.
Hay mới đây (ngày 25/01/2018), Sở Ngoại vụ Nghệ An nhận được công văn của Cục Lãnh Sự về việc giúp xác minh thân nhân của công dân Việt Nam Võ Văn P, sinh năm 1994, quê quán Nghi Long, Nghi Lộc tử vong chưa rõ nguyên nhân ở thành phố Phúc Châu, Phúc Kiến (Trung Quốc), Sở Ngoại vụ đã thông báo với gia đình nạn nhân, hướng dẫn liên hệ với Cục Lãnh sự để làm các thủ tục cần thiết đưa nạn nhân về nước.
Theo ông Võ Văn Cường -Trưởng Phòng Lãnh sự - Người Việt Nam ở nước ngoài (Sở Ngoại vụ): Trong năm 2017, Sở Ngoại vụ đã phối hợp với các ban, ngành liên quan giải quyết 21 vụ việc/56 đối tượng là người Nghệ An ở nước ngoài. Chủ yếu là các trường hợp vi phạm pháp luật xuất nhập cảnh, cư trú tại Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Belarus... bị tử vong do tai nạn giao thông, đắm thuyền, bị bán ra nước ngoài. Sở đã hỗ trợ giúp đỡ liên hệ với chính quyền địa phương, gia đình các đối tượng để thông báo tình hình, hướng dẫn thân nhân liên hệ với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để tiến hành các thủ tục cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
“Có trường hợp thân nhân đi XKLĐ mười mấy năm gia đình mất liên lạc, người nhà cũng đến Sở Ngoại vụ nhờ kết nối với các cơ quan liên quan tìm kiếm giúp, rất may là gia đình đã kết nối được liên lạc và người đi XKLĐ đã trở về nước”, ông Cường cho hay.
Khó bảo hộ đối với lao động bất hợp pháp
Tuy nhiên, công tác bảo hộ đối với công dân trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài không theo hình thức hợp pháp, lao động “chui” còn nhiều khó khăn. Các đối tượng này chẳng những không được đảm bảo các chế độ bảo hiểm, chính sách, quyền lợi người lao động theo đúng như quy định của pháp luật mà khi xảy ra trường hợp công dân gặp rủi ro, hoạn nạn tại nước ngoài (bị giết hại, bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, mất do ốm đau, bệnh tật...), việc xác minh nhân thân, can thiệp để đưa thi thể về quê gặp rất nhiều khó khăn.
Do người lao động không thực hiện việc đăng ký công dân với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nên khi có tai nạn, rủi ro, để có thể giúp đỡ, bảo hộ cho họ, cơ quan đại diện phải mất một thời gian nhất định để tiến hành xác minh kể từ khi nhận được thông tin.
Chẳng hạn như ngày 11/01/2018, Sở Ngoại vụ nhận được công văn của Cục Lãnh sự về việc xác minh thân nhân công dân Nghệ An bị bắt tại Ecuador là Nguyễn Tâm A, quê ở Nghi Lộc, Nghệ An. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê (kiêm nhiệm Ecuador), đương sự cùng hai người khác bay từ Ecuador đến Madrid (Tây Ban Nha) nhưng bị các cơ quan chức năng Tây Ban Nha từ chối cho nhập cảnh vì giấy tờ xác nhận thân nhân không hợp lệ và bị đẩy lại Ecuador ngày 25/12/2017.
Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê đã phỏng vấn qua điện thoại và đương sự khai được một người tên Huy ở Việt Nam hướng dẫn sang Tây Ban Nha qua đường Việt Nam - Dubai - Argentina - Ecuador - Tây Ban Nha (tuy nhiên theo cơ quan chức năng của Ecuador đương sự nhập cảnh vào nước này từ Colombia). Đối với trường hợp này, Sở Ngoại vụ đã phải gửi công văn đến Công an tỉnh đề nghị giúp đỡ xác minh chi tiết thân nhân. Và theo xác minh của Công an tỉnh thì đương sự trú quán ở thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc. Tâm A sau đó đã được tổ chức di trú quốc tế tại Ecoador tạm ứng trước vé máy bay về nước.
Bên cạnh đó, đối với những người lao động bất hợp pháp, nhập cảnh nước bạn trái phép, ngoài bị phạt tù, còn bị trục xuất, phải tìm nguồn tài chính để chi phí và mua vé máy bay về nước vì nguồn chi của Quỹ Bảo hộ công dân chủ yếu là trên nguyên tắc tạm ứng hoặc có bảo lãnh, đặt cọc. Đa số lao động đều có gia cảnh khó khăn nên khi có yêu cầu thân nhân nộp tiền để mua vé máy bay và nộp phạt, nhiều gia đình xoay xở không ra hoặc nộp thiếu nên thời gian người lao động bị tạm giữ tại nước ngoài kéo dài.
Trong năm 2017, Sở Ngoại vụ Nghệ An đã nhận được khá nhiều công văn của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) về các trường hợp tương tự, trong đó nhiều nhất là ở Cộng hòa Belarus (khoảng hơn 20 trường hợp). Ví dụ như trường hợp công dân Hoàng Văn D, Lê Minh Q, đều quê Nghệ An vi phạm xuất nhập cảnh tại Belarus và được mãn hạn tù ngày 02/02/2018. Theo thông báo từ Đại sứ quán Việt Nam tại Belarus, khoản chi mua vé về nước cho một người là 1.000 USD và tiền nộp phạt (do bị bắt giữ lần 2 và thụ án tù 02 tháng, chi phí chuyên chở công dân từ nơi giam giữ đến sân bay là 200 USD, tổng cộng số tiền phải đóng là 1.200 USD (tương đương 27.300.000 đồng/ người).
Từ thực trạng trên, bên cạnh các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động, cần đa dạng hóa hình thức tập huấn, phổ biến, triển khai các văn bản pháp luật, các điều ước, thỏa thuận quốc tế liên quan đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đến cán bộ, công chức, viên chức và công dân; Tăng cường cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong và ngoài nước phục vụ công tác bảo hộ công dân kịp thời; Gắn chất lượng lao động với công tác đào tạo, nâng cao ý thức kỷ luật, sự hiểu biết về pháp luật, phong tục, tập quán, văn hóa của nước sở tại cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên cảnh báo các nguy hiểm, rủi ro khi đi XKLĐ tại một số thị trường để người lao động biết và chủ động phòng tránh.