TINH GỌN, HIỆU QUẢ

Ngày 28/6/2018, thực hiện Kế hoạch số 144-KH/TU ngày 25/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Minh Hạnh - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đô Lương nhận quyết định đảm nhiệm thêm vai Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị (BDCT) huyện Đô Lương (đồng chí Giám đốc cũ thôi giữ chức, được điều về làm Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy).

Đến nay, theo đánh giá của đồng chí Hạnh, về cơ bản, công việc chuyên môn đã đi vào nề nếp, quy củ. Công tác giáo dục chính trị năm 2019 tại Đô Lương, kế hoạch tổ chức 70 lớp cho 10.000 lượt học viên, phân công giáo viên, giảng viên, phân công nhiệm vụ cụ thể, trong 6 tháng đầu năm đã hoàn thành 40 lớp, dự kiến tháng 11 sẽ “về đích” kế hoạch của năm.

Công tác tổ chức cũng được sắp xếp hợp lý, Huyện ủy nhất trí với đề xuất sáp nhập Chi bộ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị vào Chi bộ Ban Tuyên giáo, giải thể Công đoàn trung tâm, giới thiệu đoàn viên tham gia sinh hoạt tại tổ Công đoàn Ban Tuyên giáo.

bna_image_5325009_572019.jpgTrao quyết định phân công trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị tại huyện Con Cuông. Ảnh: T.G

Tại thị xã Hoàng Mai, chủ trương trên đi vào thực tiễn bước đầu chứng minh tính hiệu quả, giảm đầu mối trung gian nhưng vẫn đảm bảo việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Từ ngày 22/6/2018, tổ chức bộ máy trung tâm gồm có, Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm BDCT thị xã; 2 phó giám đốc và 2 cán bộ hành chính. Đến năm 2020, căn cứ quy định hiện hành và điều kiện thực tế của thị xã, sẽ sắp xếp, bố trí trung tâm chỉ có 1 phó giám đốc.

Theo đánh giá của Thị ủy Hoàng Mai, quá trình thực hiện Kế hoạch số 144-KH/TU đã góp phần quan trọng trong việc phát huy tốt vai trò, chức trách của người đứng đầu, công tác phối hợp giữa Trung tâm BDCT với Ban Tuyên giáo Thị ủy có nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn, chất lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng kết nạp Đảng, đảng viên mới được nâng cao rõ rệt; việc thăm lớp, dự giờ, nâng cao chất lượng giảng viên kiêm chức được chú trọng hơn...

Đáng chú ý, từ tháng 12/2018, Trung tâm BDCT thị xã đã xây dựng được trang thông tin điện tử phục vụ có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thu hút trên 150.000 người truy cập, theo dõi.

Đồng chí Nguyễn Anh Văn - Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Hoàng Mai (trái) tìm hiểu thực tế tại cơ sở. Ảnh tư liệu

Tại Hội nghị sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, nhiều ý kiến phát biểu của các đồng chí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm BDCT các huyện, thành, thị khác trên địa bàn tỉnh như TP. Vinh, các huyện Anh Sơn, Quế Phong, Yên Thành... đều ghi nhận hiệu quả bước đầu hết sức rõ nét mà chủ trương chung đem lại.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng nhận xét, việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa 2 chức danh trên sau 1 năm gặt hái thuận lợi nhiều hơn so với khó khăn, vướng mắc. 

"Thực hiện chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm BDCT cấp huyện giảm được 1 khâu trung gian, các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đối với trung tâm sát thực hơn, bám sát nhiệm vụ chính trị hơn.

Đồng thời, giảm được biên chế và nâng cao được trách nhiệm của đồng chí ủy viên ban thường vụ phụ trách công tác tư tưởng gắn với công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn được rõ hơn”.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

CHIA SẺ KINH NGHIỆM, THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Tuy vậy, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện chủ trương chung của tỉnh, vấn đề quan trọng cần lưu ý là cách thức điều hành và phân chia thời gian thực hiện công việc của trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm BDCT, cũng như nâng cao chất lượng giảng viên, phát huy vai trò giảng viên kiêm chức.

Thực tế cho thấy, sau khi thực hiện chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm BDCT ở cấp huyện, số giảng viên chuyên trách tại trung tâm giảm, dẫn tới việc chủ yếu phải sử dụng giảng viên kiêm chức. 

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm BDCT Đô Lương Nguyễn Minh Hạnh chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm. Ảnh: Thu Giang

Trong khi đó, công tác bố trí, sử dụng, quản lý và chế độ cho đội ngũ giảng viên còn hạn chế. Như trao đổi của đồng chí Nguyễn Minh Hạnh (Đô Lương), sau khi nhất thể hóa, Trung tâm BDCT của Đô Lương chỉ còn “2 người rưỡi, công việc vẫn chạy, nhưng anh em rất vất vả”, số giảng viên chuyên trách từ 3 nay chỉ còn 2, là một trong những thực tế khiến địa phương này đề xuất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiến nghị Trung ương xem xét lại kết cấu của trung tâm cho phù hợp với mô hình, đảm bảo chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Còn tại thị xã Hoàng Mai, đội ngũ giảng viên tại Trung tâm BDCT thị xã đa số là kiêm nhiệm, một số chưa qua chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định; một số giảng viên kỹ năng giáo dục lý luận chính trị, phương pháp giảng dạy còn nặng về phương pháp thuyết trình, trao đổi, thảo luận chưa nhiều… Đây là những “nút thắt” được các địa phương trăn trở, quan tâm bàn thảo để tìm hướng gỡ rối.

Chia sẻ kinh nghiệm sau 1 năm đảm nhiệm thêm chức Giám đốc Trung tâm BDCT TP. Vinh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Ngô Thị Hường cho biết, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, thu hút thêm giảng viên kiêm nhiệm tham gia truyền đạt các nội dung tại trung tâm, đơn vị đã đề xuất nâng mức chế độ bồi dưỡng cho giảng viên, từ 400.000 /buổi lên 600.000 - 900.000 đồng/buổi, kiện toàn lại đội ngũ giảng viên kiêm chức, mời các ủy viên ban thường vụ, trưởng, phó các ban Đảng tham gia, phân công lịch dạy cụ thể, rõ ràng.

Đồng thời, để đảm bảo công việc của cả ban tuyên giáo lẫn trung tâm BDCT, cơ chế phân công, phân nhiệm, ủy quyền được đồng chí Hường linh hoạt áp dụng, vừa nâng cao trách nhiệm đội ngũ, vừa hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc TTBDCT thị xã Thái Hòa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh: Thu Giang

Những nội dung khác liên quan đến chế độ, chính sách cho trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm BDCT cấp huyện; sắp xếp tổ chức Đảng, công đoàn ở trung tâm BDCT cấp huyện… cũng đã được những “người trong cuộc” đề cập sôi nổi tại Hội nghị sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm.

Theo chia sẻ của đồng chí Trần Quốc Khánh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhìn chung Nghệ An đã triển khai kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả chủ trương đúng đắn của Trung ương, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương này được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp, tiếp thu, nghiên cứu kiến nghị lên cấp trên, đồng thời khuyến khích các đơn vị chia sẻ, nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay.

“Hiệu quả bước đầu trong thực hiện chủ trương này là cơ sở để các địa phương, đơn vị tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”

Đồng chí Trần Quốc Khánh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy