(Baonghean)- Lâu nay, phần lớn người tiêu dùng vẫn cho rằng, mua hàng ở siêu thị là đảm bảo an toàn. Nhưng thời gian qua, việc các phương tiện truyền thông phản ánh về nem, giò chả, thịt, cá, thạch, bánh kẹo... có chứa chất phụ gia gây nguy hiểm đến sức khoẻ người tiêu dùng, các sản phẩm hết hạn sử dụng, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn tồn tại đã khiến khách hàng không khỏi băn khoăn, lo ngại.

Những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế được nâng lên, nhu cầu mua sắm hàng hoá ở siêu thị ngày càng tăng. Sự xuất hiện của các thương hiệu siêu thị lớn như Big C, Metro, Intimex... trên địa bàn TP. Vinh đã làm cho người dân thú vị với kênh phân phối sản phẩm tiện ích này. Ưu điểm của siêu thị là đến một nơi khách hàng có thể mua được tất cả các loại hàng hoá theo nhu cầu. Hơn nữa, siêu thị là kênh bán hàng hiện đại, cách bố trí hàng hoá và không gian khá đẹp với đa dạng chủng loại từ hàng tươi sống cho đến thực phấm chế biến tại chỗ, hàng gia dụng...

Siêu thị Big C vào những ngày cuối tuần luôn đông khách, mặc dù siêu thị đã bố trí hàng chục điểm thanh toán, nhưng khách hàng luôn trong tình trạng xếp hàng chờ đến lượt mình. Chị An - xã Nghi Phú, chia sẻ: "Do đặc thù của công việc nên tôi rất ít thời gian để đi chợ. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, tôi lên siêu thị mua đầy đủ thực phẩm cho gia đình dùng trong cả tuần. Tôi nghĩ hàng ở siêu thị có thể an tâm về an toàn thực phẩm hơn hàng ngoài chợ, giá cả cũng phù hợp".

773125_small_71412.jpg

Hãy là người tiêu dùng thông thái.


Trưa ngày 14/2, trên đường đi làm về, tôi ghé vào một siêu thị lớn ở TP.Vinh để mua thực phẩm, trong đó có "xúc xích hong khói" loại 200g với giá 36.000 đồng/gói 4 chiếc, trên bao bì ghi rõ hạn sử dụng 17/2/2012. Vậy là chỉ còn 3 ngày nữa sản phẩm này hết hạn sử dụng và hiện tại nó đã được bán hạ giá 30%. Trên kệ đang còn khá nhiều sản phẩm này, và tại một tủ kính cạnh đó bày bán một số hàng thực phẩm đã được chế biến sẵn như thịt gà, thịt lợn, cá, canh... đã nấu chín, khách hàng có thể mua và ăn ngay tại chỗ. Điều thấy rõ nhất là tại tủ kính này cũng có bán xúc xích hong khói nhưng đã được bóc ra, không còn nguyên trong bao bì của nhà sản xuất, và được tái đóng gói trong một đĩa xốp bọc bao ni lông, đương nhiên là không có nhãn mác, hạn sử dụng. Khi tôi hỏi mua thì nhân viên bán hàng ở đây cho biết: Gói 10 chiếc xúc xích hong khói này giá ban đầu là 85.000 đồng, nay hạ giá 50% còn 45.000 đồng.

Tôi phân vân hỏi: Ở đây không có nhãn mác, liệu sản phẩm này còn hạn sử dụng không? Thoáng lúng túng, cô nhân viên trả lời: "Chúng em bóc ra khi nó gần hết hạn sử dụng, chị yên tâm đi, bởi sản phẩm còn ngon và đảm bảo. Chúng em phải bán hạ giá để thu hồi vốn". Liệu lời nói của nhân viên bán hàng có đáng tin không, khi mà sản phẩm gần hết hạn sử dụng được bóc ra, chuyển sang hình thức tiêu thụ mới dưới danh nghĩa "hạ giá"?

Đó mới chỉ là mặt hàng xúc xích. Còn biết bao sản phẩm khác như thịt gà, lợn, cá, tôm, chả... đều có thể được tái chế theo cách tương tự trên, khi mà hàng tươi sống tiêu thụ chậm, lại được một số siêu thị đưa vào chế biến đồ ăn sΩn bằng cách nấu chín với các loại gia vị thơm lừng để bán cho khách hàng. Lúc này chẳng có cơ sở nào để biết được hàng hoá có còn hạn sử dụng hay không. Chưa kể đến các loại giò, chả, nem... đều có thể tái chế bằng nhãn mác mới sau khi đã hết hạn sử dụng. Cách đây không lâu, dư luận bức xúc khi sản phẩm thịt nguội nhập khẩu từ nước ngoài về tại một siêu thị lớn, sau một thời gian dài tiêu thụ ế ẩm, hết hạn sử dụng, siêu thị này đã bóc gói và cắt nhỏ sản phẩm đưa vào đóng gói mới và tiếp tục gắn một vòng đời mới cho sản phẩm này. Hậu quả người tiêu dùng phải gánh chịu.


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Tài Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: "Đối với loại hàng hoá đã được bóc nhãn mác, đưa vào "tái chế" quả là không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Với hàng ngàn sản phẩm kinh doanh tại siêu thị, trong đó có hàng trăm sản phẩm thực phẩm cần kiểm tra, kiểm định thường xuyên là rất khó thực hiện. Chính vì vậy, cách thức kiểm tra chất lượng sản phẩm của các siêu thị trên địa bàn là thông qua các văn bản quy định trách nhiệm của bên cung cấp hàng hoá với nhà bán lẻ là siêu thị theo pháp luật".


Bên cạnh đó, chính sự bất cập trong chính sách khiến cho các siêu thị "lách" luật thuận lợi. Do chưa có quy định bắt buộc, nhiều mặt hàng thực phẩm, rau quả tươi đóng gói ngay tại siêu thị không cần dán nhãn ngày sản xuất, đóng gói, thậm chí là hạn sử dụng. Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa tại Mục 2, Điều 5 nêu rõ: "Hàng hoá không bắt buộc phải ghi nhãn hàng hoá là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng". Mặc dù bất cập thấy rõ nhưng cơ quan chức năng không làm gì được !


Ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Trên địa bàn TP. Vinh hiện có 5 siêu thị kinh doanh hàng thực phẩm. Mỗi năm đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra 3 đợt định kỳ, ngoài ra có kiểm tra đột xuất về truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Vào giữa năm 2011, có thông tin từ Chi cục ATVSTP Trung ương yêu cầu Chi cục giám sát thu hồi và tiêu hủy đối với sản phẩm thạch rau câu Taro của Công ty Newchoice có chứa chất dehp tạo đục, đây là chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Trên thị trường TP. Vinh, Chi cục đã thu hồi và tiêu hủy hơn 2 tạ thạch rau câu Taro bán tại các siêu thị và đại lý lớn.

Còn đối với các loại rau, củ bán ở siêu thị, Chi cục chỉ kiểm tra được ở mức độ siêu thị mua rau củ của gia đình A, B nào đó chứ không thể biết được nguồn gốc rau của gia đình ấy có đảm bảo không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hay không. Tốt nhất, khi cơ quan chức năng chưa kịp vào cuộc thì người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình, không nên mua những sản phẩm không ghi hạn sử dụng hay hạn dùng bị mờ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...


Quỳnh Lan