(Baonghean) - Đảm nhiệm vị trí  bí  thư, xóm trưởng thôn xóm là công việc khá vất vả và được xem là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng hiện nay, có rất nhiều địa phương đã mạnh dạn giao vai  trò “thủ lĩnh” ở thôn xóm cho phụ nữ gánh vác. Nhẹ nhàng nhưng không kém phần nhiệt huyết, kiên quyết và bản lĩnh, các chị đã hoàn thành tốt việc làng lẫn việc nhà, khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ nông thôn trong cuộc sống hiện đại.

Chị Nguyễn Thị Nam, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận xóm 5, xã Hưng Nhân (Hưng  Nguyên) được dân yêu mến, đảng tín nhiệm không chỉ vì là người năng động, giỏi làm kinh tế, mà luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động ở địa phương. Trưởng thành từ  việc tham gia phong trào phụ nữ ở xóm, khi được  chi bộ giao nhiệm làm bí thư chi bộ, chị Nam rất lo vì xét về tuổi đời, tuổi đảng mình đều thua nhiều đảng viên khác trong chi bộ, lại chưa có kinh nghiệm về công tác đảng không biết có đảm đương tốt vai trò của mình không.
 
Được sự giúp đỡ của các đảng viên giàu kinh nghiệm trong chi bộ, sự ủng hộ của ban cán sự xóm, các chi hội đoàn thể và bản thân tự nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi cộng với sự hướng dẫn của đảng ủy cấp trên, chị Nam đã dần tự tin trong lãnh đạo, chỉ đạo mọi phong trào ở thôn xóm. Chị tâm sự:  “Làm người đứng đầu thôn xóm bận như có con mọn. Toàn việc không tên đòi hỏi mình phải có mặt từ tang gia, hiếu hỉ, hòa giải đến việc kiểm tra tình hình sâu bệnh ngoài đồng ruộng, kiểm tra tình hình bão lụt, công tác vệ sinh môi trường rồi giám sát làm đường giao thông… Nếu không có sức khỏe, sự tận tâm thì khó mà có thể đảm đương, gánh vác hết việc”. 
 
image_2227002.jpgChị Nguyễn Thị Nam, Bí thư Chi bộ xóm 5, xã Hưng Nhân tiên phong trong mô hình trồng rau cho thu nhập cao.
Trong quá trình điều hành chỉ đạo, Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Nam luôn xác định phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” và “lấy dân làm gốc”, mọi công việc đều phải “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, công khai, dân chủ, công bằng trong tuyên truyền vận động thì phải kiên trì, nhẫn nại, tùy đối tượng để “cương nhu kết hợp”. Với nữ bí thư chi bộ này, bất cứ việc gì có ích cho bản thân và cộng đồng chị chẳng ngần ngại tham gia. Thế nên mọi chủ trương, nghị quyết của chi bộ đi vào cuộc sống được nhân dân đồng tình ủng hộ. Xóm 5 là đơn vị đi đầu trong sản xuất, đặc biệt là trồng rau ngót và chăn nuôi trâu, bò với khoảng 350 - 400 con.
 
Riêng Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Nam ngoài 5 sào ruộng, còn làm 8 sào ngô, 1 mẫu lạc, chăn nuôi 3 con bò. Lúc nào chị cũng tiên phong đi trước để làm mẫu cho xóm. Nhờ vậy, đời  sống người dân ổn định, bộ mặt thôn xóm ngày càng khởi sắc, xóm có 125 hộ thì có 60% hộ khá, thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng/ năm/người. Bận rộn với việc  xóm nhưng chị vẫn chu toàn việc nhà. Gia đình chị cũng là điển hình gia đình hiếu học của xóm với 3 người con học đại học, có việc làm ổn định.
 
Đồng chí Trần Công Hoan, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hưng Nhân cho biết: “Xã có 9 xóm, 3 xóm có cán bộ nữ làm bí thư, xóm trưởng. Họ đều là những người “nói được, làm được” thực sự có uy tín trong nhân dân. Như chị Nguyễn Thị Nam nhiều năm được tín nhiệm và dẫn dắt phong trào xóm đi lên, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh nhiều năm liền. Hay như chị Trần Thị Hoan - Xóm trưởng xóm 9 đã cùng với cấp ủy, ban cán sự và các đoàn thể thực hiện tốt mô hình “4 không” (Không tai nạn giao thông, không rượu chè, không TNXH, không có người sinh con thứ 3) hai lần được Huyện ủy tặng giấy khen về công tác dân vận khéo”. Theo đồng chí Hoan khi phụ nữ gánh vác vị trí đứng đầu thôn xóm họ có khó khăn vì công việc gia đình, gánh nặng mưu sinh chi phối, hạn chế về sức khỏe, tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn bám rễ lâu đời các vùng quê nhưng bù lại họ kiên trì, nhẹ nhàng nhưng cũng rất kiên quyết trong giải quyết vấn đề, tận tâm, tận lực với công việc, có cương, nhu kết hợp nên có sức thuyết phục cao  trong tuyên truyền vận động. 
 
Nhiều chị khi được tổ chức và nhân dân tin tưởng, mạnh dạn giao phó vị trí người đứng đầu thôn xóm đã tỏ ra không thua kém gì nam giới, xốc vác, linh hoạt trong giải quyết vấn đề, không ngại va chạm, thường xuyên có mặt tại những điểm nóng về an ninh, trật tự an toàn xã hội và nhất là những vụ việc liên quan trực tiếp đến người dân. Điển hình như chị Trịnh Thị Vân, đại biểu HĐND xã, xóm Trưởng xóm 8, xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên) vừa làm ruộng vừa buôn bán, vừa gánh vác việc làng, việc xã. Là chủ nhiệm Câu lạc bộ phòng, chống ma túy của xóm, nghe ở đâu có dấu hiệu của tệ nạn xã hội là chị cùng với cấp ủy, ban cán sự xóm đến xác minh nhắc nhở ngay để đề phòng từ trước. Nhờ đó 10 năm nay, xóm 8 không có người nào dính ma túy. Trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của nữ xóm trưởng năng động Trịnh Thị Vân.
 
Huyện Nghi Lộc cũng có rất nhiều nữ “thủ lĩnh” giỏi việc xóm làng, đảm đang việc nhà. Từ những  nông dân chân lấm tay bùn, dù đã có gia đình nhưng họ vẫn nhiệt tình tham gia hoạt động thôn xóm, phấn đấu trở thành đảng viên rồi được cấp ủy đảng tin tưởng giao phó, nhân dân tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ. Điển hình như chị Ngô Thị Hồng ở xóm 6, xã Nghi Lâm, sau hơn 10 năm làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ, 5 năm làm ủy viên BCH Hội Phụ nữ xã, chị được giao đảm nhiệm cương vị Bí thư Chi bộ xóm 6. Với đặc thù số lượng đảng viên đông (27 đồng chí), trong đó có 2/3 là cán bộ nghỉ hưu và thương, bệnh binh, toàn chi bộ có 20/27 đồng chí đã từng qua vị trí bí thư chi bộ nên áp lực đối với nữ Bí thư chi bộ Ngô Thị Hồng lại càng lớn.
 
Biết vậy nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, lắng nghe ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên; chịu khó đọc, nghiên cứu sách, báo của Đảng, trang thông tin nội bộ của huyện, của tỉnh để chắt lọc những thông tin bổ ích phục vụ sinh hoạt chi bộ. Chị tâm sự: “Làm gì thì cũng phải xuất phát từ cái tâm của mình với công việc, với mọi người thì mới hiệu quả…”. Vừa hoàn thành tốt vai trò bí thư chi bộ, vừa là điển hình kinh tế giỏi lại nuôi dạy hai con tốt nghiệp đại học có việc làm ổn định, chị Hồng được nhiều người yêu mến, nể phục. Trên cương vị của mình, chị đã cùng tập thể chi bộ, ban cán sự, ban mặt trận xóm dành nhiều thời gian định hướng cho người dân cách thức phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn, phát huy danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh với tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85%. Đây cũng là xóm dẫn đầu toàn xã về phong trào hiếu học với mô hình “Tiếng kẻng học bài” được duy trì nề nếp. 
 
Va chạm nhiều nhưng bằng sự kiên trì, nhẫn nại nhưng không thiếu đi chất “lửa” trong giải quyết các vụ việc  vừa thấu tình lại đạt lý, chị Nguyễn Thị Lê Na, Bí thư chi bộ xóm Xuân Tiến, xã Nghi Thạch, người giành giải Nhất trong Hội thi Bí thư chi bộ giỏi huyện Nghi Lộc năm 2013 được nhân dân yêu quí. Chị tâm sự: “Phụ nữ đảm nhiệm vai trò người đứng đầu thôn xóm vất vả lắm. Vì nhiều người tính “ngang”, họ thấy mất mặt khi bị phụ nữ lãnh đạo, chỉ đạo nên cố tình không chấp hành hoặc tìm cách để phá ngang, những lúc ấy  đòi hỏi nữ “thủ lĩnh” phải thật sự bản lĩnh, phải chứng tỏ được năng lực của mình để họ “tâm phục, khẩu phục”. Bí quyết của chị là phải luôn gương mẫu “nói đi đôi với làm”. Đơn cử như trong vận động nhân dân góp công, góp sức làm đường giao thông nông thôn, gia đình chị là một trong những hộ đi tiên phong hiến 24m bờ rào với 70m2 đất ở, từ đó nhân dân trong xóm tự giác làm theo. 
 
Còn chị Nguyễn Thị Hường, giáo dân, sinh năm 1963 ở xóm 4, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn với tâm nguyện “sống tốt đời đẹp đạo”, đã tích cực tham gia công tác xã hội, được nhân dân tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng hội phụ nữ, rồi bầu làm xóm trưởng xóm 4 năm 2011. Trách nhiệm của chị nặng hơn khi  gánh trên vai cả việc đời và việc đạo, một vai  là Trưởng Ban Giáo lý và Trưởng ca đoàn giáo họ Trung Nghĩa (Giáo xứ Nghĩa Thành) một vai là xóm trưởng một xóm còn nhiều khó khăn nhưng chị đã làm tròn nhiệm vụ của mình. Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị của huyện Nghĩa Đàn, chị Hường được biểu dương là tấm gương giáo dân tiêu biểu cho tinh thần kính Chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, xây dựng khối đoàn kết lương giáo.
 
Có thể thấy, điểm chung của những nữ bí thư, xóm trưởng, trưởng thành từ phong trào ở cơ sở mà chúng tôi đã gặp là sự nhiệt huyết, nhiệt tâm với công việc. Và dù là những thủ lĩnh thôn xóm nhưng khi trở về nhà, các chị vẫn là những người mẹ hiền, người vợ đảm đang, người con dâu hiếu thảo. Đây mới thực sự là lá chắn vững chãi để các chị tự tin khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ nông thôn trong thời kỳ mới.
 
Khánh Ly