Thông thường chúng ta được khuyên nên uống nhiều nước. Nhưng trên thực tế, không phải điều gì quá nhiều cũng tốt, ngay cả đối với nước.
Dưới đây là một số thời điểm bạn nên tạm dừng hoặc điều chỉnh lượng nước uống vào cho phù hợp với nhu cầu riêng của cơ thể, theo Women’s Health.
Nước tiểu của bạn quá trong
Nếu bạn nhìn thấy nước tiểu quá trong thì có lẽ đây là lúc bạn cần cắt giảm lượng nước tiêu thụ. Mặc dù rất hiếm khi xảy ra, nhưng quá nhiều nước sẽ pha loãng lượng muối tự nhiên của cơ thể. Điều này dẫn tới một tình trạng gọi là hạ natri trong máu, khiến bạn cảm thấy buồn nôn, động kinh và thậm chí tử vong trong một số trường hợp.
Khi vừa ăn quá no
Trong khi uống một ly nước trước bữa ăn vừa là cách đơn giản để giảm lượng calo tiêu thụ, vừa tạo điều kiện cho enzyme tự nhiên trong đường ruột hoạt động tốt hơn, thì việc uống nhiều nước sau bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn quá no, thường không được khuyến khích. Lý do là nó sẽ làm bạn cảm thấy lình sình, khó chịu trong bụng.
Khi vừa hoạt động cơ thể nặng trong một thời gian dài
Nhiều người có thói quen uống bổ sung nhiều nước sau khi làm việc nặng hoặc tập luyện trong một thời gian dài. Tuy nhiên, sau những hoạt động như vậy, cơ thể bạn mất chất điện phân như kali, natri mà nước không thì không thể bù đắp. Trong trường hợp này, bạn nên uống nước dừa vốn có nhiều kali, magie, natri và vitamin C.
Khi có thói quen chỉ uống nước có hương vị
Trên thực tế vẫn có nhiều người chỉ uống nước có hương vị, đặc biệt từ các chất làm ngọt nhân tạo, như cách bổ sung nước cho cơ thể mà không nhận biết được rằng cách tiếp nước này gây thiệt hại nhiều hơn. Những loại nước này không chỉ làm gia tăng cơn đói, gây tăng cân mà còn không giải quyết triệt để được cơn khát.
Trong trường hợp vẫn thích uống nước có hương vị, bạn có thể thử một cách an toàn hơn là cho thêm vài lát chanh, dâu tây, thảo mộc hoặc loại quả bạn thích vào ly nước lọc.
Theo Giadinh.net