Câu chuyện cha mẹ đầu tư cả trăm triệu đồng/tháng cho con học ngoại ngữ nhưng không hiệu quả hoặc ép trẻ học tiếng Anh qua YouTube gây phản tác dụng khiến nhiều phụ huynh hoang mang. Câu hỏi đặt ra là khi nào thì nên cho trẻ học tiếng Anh và cách nào là đúng, hiệu quả?
Độ tuổi nào thích hợp học tiếng Anh?PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - cho rằng hiện tại, có rất nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm cho trẻ học ngoại ngữ. Ngôn ngữ là hệ thống ký hiệu trong cộng đồng, trẻ phải có quá trình và tiếp thu một cách thích hợp.
Quan điểm của ông là để trẻ lớn lên tự nhiên, hoàn thiện cơ bản từ vựng, kỹ năng tiếng Việt, sau đó mới cho tiếp xúc ngoại ngữ một cách bài bản. Thời gian tốt nhất để trẻ sử dụng tiếng Anh là 5-6 tuổi, khi đã hình thành vốn từ ngữ cơ bản. Lúc đó, trẻ có thể tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai nhanh, thậm chí đuổi kịp và vượt xa bạn học trước. Trẻ tiếp xúc tiếng Anh sau bậc tiểu học (12 tuổi) có thể hơi muộn.
Thời điểm trước 5 tuổi, trẻ có thể học tiếng Anh nhưng nên nhẹ nhàng, chủ yếu thông qua các trò chơi, bài hát, tình huống để làm quen. Thầy cô, cha mẹ có thể đa dạng hóa các loại hình giúp trẻ tiếp nhận ngôn ngữ, nhưng nên là một cuộc dạo chơi, chứ không nên lạm dụng.
"Người xưa có câu 'thái quá như bất cập', cha mẹ ép con học sẽ gây hậu quả. Phụ huynh để trẻ ổn định tiếng Việt sau đó mới hấp thụ một ngôn ngữ khác. Hãy coi tiếng Anh là ngôn ngữ hỗ trợ, giúp con có cuộc sống phong phú", TS Tình nói.
Chuyên gia ngôn ngữ học này cũng cho rằng nhiều trẻ bị loạn ngôn ngữ chủ yếu xuất phát từ việc tiếp nhận thông tin một chiều.
"Đây là căn bệnh của xã hội hiện đại vì hoàn cảnh sống quá đơn điệu. Ngày xưa không có chuyện con cái, bố mẹ về nhà chăm chú sử dụng điện thoại thông minh như vậy. Các thiết bị công nghệ quá hấp dẫn, khi lạm dụng sẽ khiến trẻ phát triển lệch kỹ năng", ông Tình bày tỏ.
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tiềm năng Con người - cho rằng trẻ có thể tiếp xúc tiếng Anh từ khi mới sinh ra, giai đoạn 0-3 tuổi thông qua âm nhạc, trò chơi ở mức vừa phải.
Giai đoạn 4-6 tuổi, các bé có khả năng tiếp thu từ, cụm từ, cấu trúc câu và diễn đạt đơn giản. Với trẻ nhỏ, việc tiếp nhận tiếng Anh chủ yếu mang mục đích tăng tương tác, kích hoạt não bộ chứ không phải để trẻ biết đọc, viết.
Cha mẹ chọn sai phương pháp, con như cây tre bị uốn cong
Trước băn khoăn về việc dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL - English as a Second Language) có khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, PSG Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng chúng ta đang cố gắng thực hiện điều này. Tuy nhiên, ít tổ chức hay chương trình đảm bảo được chất lượng.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, để tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, trẻ phải hòa vào môi trường, tình huống cụ thể để hỏi đáp, phản xạ. Từ đó, các em hình thành kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Đồng thời, học ngoại ngữ phải có lộ trình bài bản.
Theo nhiều chuyên gia, môi trường gia đình rất quan trọng. Nếu bố mẹ không biết ngoại ngữ cần có sự lựa chọn thông minh, phù hợp về các chương trình, hoạt động dạy tiếng Anh.
PGS Nguyên Võ Kỳ Anh lưu ý dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non khác tiểu học, trung học. Nếu áp dụng sai đối tượng, phương pháp, hậu quả rất tai hại, các bé sẽ như cây tre bị uốn cong. Điều quan trọng nhất là dạy phát âm đúng, nếu sai sẽ rất khó sửa. Vì vậy, giáo viên người Việt Nam phải có bằng đại học về ngoại ngữ. Người nước ngoài dạy phải có chứng chỉ quốc tế.
Dưới 3 tuổi, các em chủ yếu học qua tương tác từ, cụm từ. Trẻ 4 tuổi cần có giáo trình được xây dựng chuẩn, dựa trên căn cứ và khả năng tiếp nhận. Khi nghe, nói và tiếp xúc nhiều, các bé sẽ chụp hình và ghi nhớ, rồi áp dụng khi xử lý thông tin.
Ngoài ra, người lớn cần tạo môi trường gần gũi, tự nhiên cho học sinh, phụ huynh không nên sốt ruột mà ép con học.
Cũng theo PGS Kỳ Anh, hiện nay, trẻ có thể học phương pháp E-learning (học trực tuyến) với video, hình ảnh để tăng tương tác với thời lượng phù hợp, nhưng phải có người hướng dẫn bài bản và theo sát. Cách học thụ động một chiều qua YouTube, mời giáo viên đến dạy một tiết rồi ra về, không áp dụng tiếng Anh trong đời sống hàng ngày, là cách cũ, kém hiệu quả, thậm chí phản tác dụng.
PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng học ngoại ngữ cần tận dụng các kỹ thuật công nghệ, máy móc để giúp não bộ, trí tưởng tượng của trẻ phát triển, dễ tiếp thu. Tuy nhiên, điều đó chỉ mang tính chất hỗ trợ. Sự giao tiếp giữa con người với con người mới là điều quan trọng nhất.