(Baonghean.vn) - Nặng ngữ pháp, thiếu thực hành và chạy đua theo những kỳ thi là tình trạng phổ biến về dạy và học Tiếng Anh hiện nay. Điều này, vô hình chung cũng là hạn chế khiến cho việc học Tiếng Anh thiếu hiệu quả và chưa đem lại hiệu ứng như mong đợi.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với Thạc sỹ Dustin Gerding, một thầy giáo tiếng Anh đến từ New York và hiện đang giảng dạy tại Trung tâm Anh ngữ Quốc tế ASEM Vietnam.
Thưa ông? Là một người có nhiều năm kinh nghiệm dạy tiếng Anh, ông thấy việc học Tiếng Anh ở Việt Nam và ở các nước khác có điều gì khác biệt?.
Nhiều năm làm công tác giảng dạy ở Việt Nam và ở nhiều nước khác, thông qua việc dạy và tiếp xúc với nhiều học viên tôi thấy việc dạy ngoại ngữ ở Việt Nam và ở nước ngoài có nhiều điều khác biệt. Ở Việt Nam, điều quan trọng nhất đối với phụ huynh và học sinh là các điểm số. Mọi người chú trọng quá nhiều đến kết quả, giải thưởng ở các kỳ thi và xem đây là một tiêu chí để đánh giá kết quả học tập.
Tôi cũng biết rằng, điều này đã “ăn sâu bám rễ” rất lâu và mọi người tự hào về điều đó. Nhưng đứng trên góc độ của một giáo viên Tiếng Anh, tôi thấy điều này có hại đối với việc học Tiếng Anh. Lý do đơn giản, bởi trong giờ học các em chỉ chú tâm vào học để làm sao có giải trong tương lai gần và sao nhãng việc nói, giao tiếp tự nhiên. Các em cũng quên rằng việc học tiếng Anh mục đích chính là để có thể sử dụng thêm một ngôn ngữ thứ 2 chứ không phải để có thêm một văn bằng. Vì vậy, khi áp dụng vào thực tế, các em không phát huy được những kết quả đã học và không giao tiếp tự nhiên được.
Ở Mỹ và ở các nước khác, tất nhiên cũng có một số bố mẹ có tính cạnh tranh cao, thích thể hiện và muốn con con mình có điểm cao, giải thưởng, huy chương để họ khoe với mọi người. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít. Phần lớn họ muốn cho con học với mục đích rèn luyện các kỹ năng để sau này khi các con ra làm việc sẽ được sử dụng kỹ năng đó một cách tự nhiên và thành thạo.
Vậy, ông có thể nói rõ hơn cách học ở nước ngoài để chúng tôi có thể tham khảo?
Tôi phải thừa nhận rằng, chính vì tư tưởng và mục đích học khác nhau nên phương pháp giảng dạy cũng rất khác nhau.
Ở Mỹ phương pháp giảng dạy chủ yếu là tạo cho các cháu những cơ hội để các cháu thực hành kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và trong môi trường làm việc thực sự. Mục đích chính của việc học tập là rèn luyện các kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc với những người có ý kiến khác mình. Thông qua những hoạt động này, học sinh được thực hành và tiếp nhận kỹ năng một cách tự nhiên nên các em có thể sử dụng và phát huy chúng trong tương lai.
Ở Việt Nam, dường như hiện nay người ta ít chú trọng đến việc dạy các kỹ năng giao tiếp cơ bản trong cuộc sống, công việc mà tập trung nhiều vào việc dạy thứ ngữ pháp được công thức hóa. Ngoài ra, tôi nhận thấy có không ít phụ huynh và giáo viên đang hướng các cháu học tiếng Anh chỉ để vượt qua các kỳ thi. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy giáo viên chú tâm dạy cho các em các mẹo làm bài thi, luyện cho các em ghi nhớ một cách đơn thuần, máy móc. Hậu quả của cách dạy này sẽ dẫn các cháu đến lối mòn, rập khuôn, giết chết tính sáng tạo. Về sau khó thay đổi hoặc muốn thay đổi cũng khó.
Vậy ông cho rằng việc học tiếng Anh theo kiểu luyện thi là không có tác dụng?
Ý tôi không phải như vây. Việc các em học tiếng Anh theo kiểu luyện thi để tham gia các kỳ thi tiếng Anh ở Việt Nam không phải là không có tác dụng. Nhưng tác dụng của nó mang tính tức thời. Nghĩa là các em sẽ đậu hoặc đạt điểm cao trong các kỳ thi, cuộc thi đó. Như vậy là phụ huynh, các em đã đạt được mục đích của mình còn gì.
Tuy nhiên, vấn đề tôi muốn nói ở đây là việc học theo kiểu luyện thi này sẽ mang lại lợi ích trước mắt nhưng lại gây ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài về sau. Vì trong quá trình học, người dạy tạo cho các em thói quen học theo cấu trúc, công thức, mẹo làm bài, dạng đề bài. Đồng thời, với tâm thế học để thi đậu, các em chăm chăm vào việc luyện tập các dạng đề thi làm sao cho đạt điểm cao nhất có thể mà quên mất rằng mục đích lâu dài của việc học tiếng Anh là để sau này các em có thể sử dụng nó trôi chảy trong các tình huống giao tiếp tự nhiên.
Tôi đã từng được rất nhiều học sinh ở Vinh đưa các bài kiểm tra, các đề thi tiếng Anh do giáo viên tiếng Anh của Việt Nam ra, kể cả các đề thi học sinh giỏi và hỏi tôi cách làm các đề thi này. Tôi nhận thấy có nhiều đề có những câu mà bản thân tôi cũng không làm được, có những câu thậm chí sai về mặt ngữ nghĩa mặc dù đúng về mặt ngữ pháp. Phần lớn các loại đề này đều chỉ chú trọng kiểm tra kiến thức ngữ pháp và từ vựng, kể cả các phần thi được gọi tên là “Đọc hiểu” hoặc “Kỹ năng Viế”t thì có những phần cũng không kiểm tra được khả năng đọc hoặc viết thực sự của học sinh.
Có những câu hỏi mang tính chất đánh đố, hỏi về các cấu trúc câu hoặc các từ vựng rất ít gặp trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, kể cả khi các em đậu các kỳ thi này, chưa chắc các em đã có thể giao tiếp thành thạo trong thực tế. Có những em cũng luyện thi để tham gia các kỳ thi hùng biện và cũng đạt giải cao. Nhưng có vẻ như việc học theo kiểu luyện thi này đã tạo cho các em thói quen nói theo bài và dùng lối ngôn ngữ sách vở.
Tôi tiếp xúc với một số em đã đạt các giải này thì thấy phần lớn các em gặp người ngoài là nói liên tục, không quan tâm cảm xúc hay phản ứng của người nghe. Đây không phải là lỗi của các em. Lỗi này là của bố mẹ đã ép, khuyến khích các em học tiếng Anh để thi cử. Tôi tin rằng những em này nếu được học tiếng Anh theo kiểu tự nhiên thì các em sẽ giao tiếp tốt hơn rất nhiều, vì phần đa các em rất thông minh và ham học.
Rõ ràng, học tiếng Anh chính là để sử dụng tiếng Anh. Thế nhưng, ở Việt Nam, tiếng Anh là một môn học và học sinh vẫn còn rất nhiều kỳ thi tiếng Anh cần phải trải qua. Vậy theo ông, làm sao để chúng ta vừa học tiếng Anh tốt lại vừa có thể sử dụng tiếng Anh hiệu quả?
Theo tôi, phụ huynh, học sinh, giáo viên nên đi theo hướng kết hợp, bởi tôi biết việc các em phải vượt qua các kỳ thi như học sinh giỏi quốc gia, thi vào trường chuyên lớp chọn, là một mong muốn chính đáng của phụ huynh và có những kỳ thi không thể bỏ được. Tốt nhất, trong quá trình học hàng ngày, chúng ta nên để các em học theo lối tự nhiên. Chỉ đến khi kỳ thi đã đến gần thì mới bổ sung thêm một phần luyện thi vào chương trình học của các em. Như vậy, việc đậu hoặc đạt giải ở các cuộc thi chỉ nên được xem là sự thể hiện kết quả của việc phát triển kỹ năng tiếng Anh, chứ không nên xem là mục đích học.
Thạc sỹ Dustin Gerding từng theo học Cử nhân Khoa học chính trị tại trường Đại học Rutgers - một trường ĐH công lập hàng đầu của Hoa Kỳ; đồng thời đạt học bổng theo học tại Đại học Sorbonne Paris. Sau khi hoàn tất chương trình Cử nhân, thầy tiếp tục theo học Chương trình Thạc sỹ Trường ĐHJohn C. Whitehead - ngôi trường danh giá chuyên đào tạo sau Đại học của Hoa Kỳ. Mọi người có thể tìm hiểu thêm cách học tiếng Anh khi truy cập vào:www.asemvietnam.vn vàfacebook.com/asemvn |
Mỹ Hà
(Thực hiện)