Giai đoạn cho bé ăn giặm là một sự thay đổi đáng kể với bé và các bậc cha mẹ. Quá trình này thường diễn ra khi bé được 6 tháng tuổi.
Khi nào nên bắt đầu cho bé ăn giặm?
Theo các chuyên gia, khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, bạn có thể bắt đầu cho bé ăn giặm bằng các loại thực phẩm loãng, nhão như bột, xúp, cháo nghiền… phù hợp với độ tuổi của bé.
Vào thời gian này, nếu chỉ cho bé bú sữa mẹ hoặc bú các loại sữa bột công thức sẽ không cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng mà cơ thể bé cần, đặc biệt là chất sắt. Có một điều bạn cần ghi nhớ là không nên cho bé dưới 4 tháng tuổi (17 tuần) ăn giặm. Nếu quyết định bắt đầu cho bé ăn giặm trước thời điểm bé được 6 tháng tuổi, bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng, đặc biệt trong trường hợp bé bị sinh non.
Các dấu hiệu nhận biết bé có thể ăn giặm:
Dưới đây là vài dấu hiệu thông thường để chỉ khả năng đứa bé đã sẵn sàng để ăn các thực phẩm trộn (sữa trộn với các loại thực phẩm nghiền):
- Cổ của bé đã đủ cứng cáp và có thể tự giữ được đầu.
- Bé có thể đứng nhờ sự nâng đỡ nhẹ.
- Bé có biểu hiện muốn nhai ngay cả khi bé chỉ mới mọc một hay hai chiếc răng.
- Có biểu hiện thích những loại thực phẩm bạn đang ăn (bé nhìn miệng khi bạn đang nhai, hoặc dùng tay bốc thức ăn trên đĩa…).
- Vẫn đói sau khi bú, bất kể bé đã bú nhiều thế nào.
- Thể trọng bé phát triển một cách mạnh khỏe (những đứa bé thường sẵn sàng cho việc ăn giặm khi thể trọng của chúng tăng gấp đôi so với khi mới sinh, điều này thường diễn ra ở vào khoảng thời điểm bé được 6 tháng tuổi).
- Trường hợp bạn cho bé bú mẹ, khi bé ăn giặm các loại bột, cháo, không có nghĩa là bạn dứt sữa. Hãy tiếp tục cho bé bú vì sữa mẹ vẫn cần tiếp tục cung cấp chất dinh dưỡng cho đến khi bé được ít nhất 12 tháng. Ngay cả khi bé đã ăn được ba bữa/ngày, bé vẫn cần bú sữa mẹ để bổ sung thêm các nguồn vitamin, sắt và protein cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, vào thời điểm này bé sẽ đòi hỏi ít sữa hơn, vì dạ dày của bé đã được làm đầy bởi các loại thực phẩm ăn giặm khác.