Tầm quan trọng của lọc gió với động cơ ô tô
Nếu không có lọc gió ô tô, động cơ sẽ nhanh giảm công suất, việc tạo ra các chất thải, muội than trong quá trình hoạt động sẽ xảy ra nhanh chóng, kết hợp bụi bẩn từ không khí tác động lên động cơ sẽ khiến động cơ hư hỏng nhanh, tuổi thọ kém.
Việc lọc gió còn là một trong những điều kiện để xe có thể tiết kiệm nhiên liệu. Nếu xe có hệ thống lọc gió tốt quá trình tiêu hao nhiên liệu sẽ ít hơn so với xe có hệ thống lọc gió kém.
Vì vậy, chăm sóc cho lọc gió là cách để bảo quản ô tô tốt hơn, đồng thời cũng là cách để có thể tiết kiệm chi phí trong việc thay và sử dụng nhiên liệu trên ô tô.
Dấu hiệu cần thay lọc gió ô tô
- Xe chạy hao xăng
Khi phát hiện ra hiện tượng xe bỗng nhiên bị hao xăng hơn nhiều so với bình thường thì đó là một trong những dấu hiệu cho thấy bộ phận lọc gió ở động cơ của xe làm việc không hiệu quả, bụi bẩn bám nhiều khiến không khí không được lọc sạch, từ đó dẫn đến động cơ cần nhiều nhiên liệu để đốt chạy trong khi vận hành.
Trong trường hợp này, bạn cần phải kiểm tra bộ phận lọc gió, nếu lọc gió còn tốt thì bạn chỉ cần vệ sinh sạch sẽ là được, còn nếu lọc gió đã bị hư hại nhiều thì bạn cần phải thay lọc gió mới để đảm bảo hiệu suất làm việc.
- Động cơ nhanh bị nóng
Việc động cơ xe ô tô nhanh bị nóng có thể do hết nước làm mát hoặc hệ thống làm mát trên xe xảy ra sự cố. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có thể do lọc gió ở động cơ bị hư hại khiến bụi bẩn trong không khí lọt vào khoang động cơ và buồng đốt khiến động cơ hoạt động kém và gây ra hiện tượng nóng máy.
Trường hợp này, bạn cần kiểm tra cả 2 bộ phận hệ thống làm mát và lọc gió để tìm đúng nguyên nhân chính xác nhất. Bổ sung nước làm mát nếu thấy nước làm mát bị thiếu hụt; vệ sinh hoặc thay mới lọc gió nếu nguyên nhân xảy ra sự cố ở bộ phận này.
- Động cơ thường bị tắt đột ngột, công suất không ổn định
Khi bộ lọc gió động cơ bị hỏng, rách và bám nhiều bụi bẩn sẽ khiến các bụi bẩn lấp đầy vào các lỗ thông khí của bộ lọc, làm giảm lượng khí cần thiết vào động cơ dẫn tới công suất động cơ giảm, tạo nhiều muội than trong buồng đốt và bugi khiến động cơ thường xuyên bị tắt đột ngột.
Lúc này nên kiểm tra và thay thế lọc gió mới để đảm bảo xe vận hành tốt hơn, tránh bị lỗi hỏng nặng.
- Điều hòa ô tô không mát, độ lạnh không sâu, máy nóng
Nếu xe có hiện tượng khi bật điều hòa nhưng không mát hoặc có mát nhưng không sâu, trong xe có mùi hôi khó chịu, nhanh nóng máy... đó là dấu hiệu cho thấy bộ lọc gió điều hòa của xe xảy ra vấn đề. Lúc này, cần kiểm tra, vệ sinh, thay mới lọc gió nếu cần thiết.
Ngoài ra, để đảm bảo bộ lọc gió trên xe ô tô hoạt động ổn định, ít xảy ra sự cố, cần phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lọc gió theo định kỳ 5.000 km/lần và thay mới sau mỗi chặng 20.000 km/lần. Số chặng km này có thể thay đổi ngắn hoặc dài hơn tùy thuộc vào điều kiện sử dụng xe của mỗi người, tuy nhiên không nên để quá lâu sẽ gây hỏng hóc khác trên các hệ thống của xe.
Cách vệ sinh lọc gió tại nhà
Mỗi lái xe đều có thể tự vệ sinh/thay thế lọc gió một cách rất đơn giản, an toàn, theohướng dẫn của các chuyên gia về ô tô.
Bước 1: Xác định vị trí lọc gió trong khoang máy (thường được đặt trong hộp có nắp bằng nhựa, hình chữ nhật hoặc hình tròn).
Bước 2: Tháo lọc. Thường có hai kiểu bắt nắp hộp lọc gió, một loại dùng đai ốc và một loại dùng tai gài (thường có từ 3 - 4 tai). Sau khi tháo hết đai ốc/tai gài thì khéo léo nhấc nắp lọc lên rồi lấy tấm lọc ra ngoài.
Bước 3: Làm vệ sinh lọc. Sử dụng vòi khí nén, xịt từ trong (mặt sạch hơn) ra ngoài (mặt bẩn hơn). Lưu ý, không giặt qua nước, không để dầu mỡ dính vào bề mặt hoặc vật sắc nhọn chọc thủng lớp vải lọc.
Bước 4: Dùng giẻ lau sạch bụi bẩn trong hộp lọc gió trước khi lắp lọc đã được vệ sinh/mới theo đúng chiều như lúc tháo và bắt lại nắp hộp lọc gió.