Theo trang tin công nghệ CNET, kết quả nghiên cứu của nhà phát triển ứng dụng Cardiogram và đại học UCSF cho thấy các cảm biến đo nhịp tim trên những thiết bị đeo tay thông minh như Apple Watch, Android Wear, Garmin hay Fitbit có thể phát hiện bệnh tiểu đường chính xác tới 85%.
Nghiên cứu được tiến hành trên 14.000 người sử dụng thiết bị đồng hồ thông minh Apple Watch và Android Wear. Trong đó các dữ liệu cảm biến sức khỏe được dùng để huấn luyện mạng thần kinh sâu có tên DeepHeart để xác định việc ai đó có bị tiểu đường hay không.
Trước đó DeepHeart đã được chứng minh có khả năng "chẩn bệnh" chính xác với các bệnh như rung tâm nhĩ, huyết áp cao và ngừng thở khi ngủ.
Trong một nghiên cứu năm 2015 có tên Framingham Heart Study, các tác giả đã chỉ ra các tín hiệu bất thường ở nhịp tim, chặng hạn tim đập nhanh bất thường trong lúc nghỉ ngơi, là chỉ dấu cho thấy nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường trong 12 năm sau đó.
Cơ sở của nghiên cứu này đã cung cấp thông tin về 200 triệu nhịp tim khác nhau làm cơ sở dữ liệu tham chiếu cũng như các phương pháp kiểm đếm nhịp tim.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh Hoa Kỳ, hiện có hơn 100 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.
1/4 những người bị tiểu đường không được chẩn đoán và hơn 88% những người ở giai đoạn tiền tiểu đường không hay biết về tình trạng của họ.
Nghiên cứu của Cardiogram cho thấy các cảm biến đo nhịp tim trên thiết bị đeo tay thông minh, cùng với thuật toán trí tuệ nhân tạo, có thể trở thành những công cụ thiết yếu trong việc phát hiện sớm bệnh tiểu đường.