(Baonghean) - Có lợi thế là vùng tập trung nhiều khu công nghiệp và nằm dọc tuyến Quốc lộ 1A, giá đất ở xã Nghi Kim (Thành phố Vinh) rất cao, nhưng hàng chục hộ dân của các xóm 7, 8, 9, 10 đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình để giải phóng mặt bằng cho việc thi công con đường liên xã, thực hiện xây dựng nông thôn mới.
 
Thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp tuyến đường nhựa liên xã Nghi Kim (TP Vinh) đi Nghi Vạn (Nghi Lộc) dài 2 km, rộng 6,5 m với tổng đầu tư kinh phí 6 tỷ 450 triệu đồng từ nguồn vốn thành phố và ngân sách địa phương. Ðể thực hiện giải phóng mặt bằng, Ðảng ủy, UBND xã Nghi Kim xác định phải làm tốt công tác vận động quần chúng, để tất cả người dân thấu hiểu mục đích, ý nghĩa của việc làm đường. Tại các cuộc họp bàn với dân, UBND xã Nghi Kim nêu rõ những khó khăn của xã, vì lợi ích kinh tế - xã hội của việc mở rộng các đường liên thôn, liên xã xin ý kiến nhân dân về kế hoạch GPMB. Một số hộ đồng tình nhưng yêu cầu xã phải đền bù theo quy định của Nhà nước.
 
Trước khó khăn nêu trên, các tổ chức đoàn thể chính trị đã tích cực vào cuộc, tập trung làm công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân hiến đất làm đường vì lợi ích chung. Trước hết, gia đình cán bộ, đảng viên, viên chức có diện tích đất nằm trong kế hoạch GPMB gương mẫu tự tháo dỡ các công trình, đồng thời có trách nhiệm vận động, thuyết phục những gia đình thuộc dòng họ tự nguyện hiến đất để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

769911_small_67824.jpg

Giáo dân Nguyễn Văn Lĩnh tự tháo dỡ nhà mình để giải phóng mặt bằng.

Điển hình như gia đình ông Phan Hữu Ký 71 tuổi ở xóm 7, không những tự nguyện hiến mấy chục mét vuông đất ở của nhà mình, ông còn bỏ tiền ra thuê thợ phá dỡ cột cổng kiên cố. Theo giá đền bù của nhà nước đối với diện tích đất của ông Ký hiến khoảng trên 200 triệu đồng. Ông Ký vui vẻ: “Vợ chồng tôi xác định, mình là đảng viên, số đất và giá trị nằm trong cột mốc khá lớn nếu không gương mẫu thì người dân trong tuyến đường sẽ không nghe, gây khó dễ cho chính quyền địa phương thì đến bao giờ mới xong con đường...”.
 
Cùng quan điểm với ông Ký, giáo dân Nguyễn Văn Lĩnh sau khi viết đơn tự nguyện hiến đất đã bỏ việc đồng áng tự mình giải phóng mặt bằng. Đáng nói là ngoài diện tích đất mà cách đây chưa lâu khách mua trả gần 2 trăm triệu, ông không bán.
 
Ông Cao Huy Tý - Chủ tịch UBND xã Nghi Kim, phấn khởi cho biết: “Việc tự nguyện hiến đất làm đường ở Nghi Kim đã trở thành phong trào. Không chỉ công trình tuyến đường liên xã, ngay như chủ trương nâng cấp tuyến đường 1A, 96 hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất nhưng khi huy động các đoàn thể chính trị cùng vào cuộc, việc GPMB cũng được thực hiện nhanh chóng. Năm 2011 này, một số công trình ngoài nguồn ngân sách của thành phố, của xã còn huy động được sự đóng góp của dân gần 3 tỷ đồng...
 
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”,  nhân dân góp đất, Nhà nước đầu tư kinh phí, ý Ðảng hợp với lòng dân cho nên tuyến đường liên xã dài 2 km với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ 450 triệu đồng sẽ sớm được hoàn thành. Qua việc hiến đất làm đường ở xã Nghi Kim, mô hình “dân vận khéo” ở Nghi Kim cũng cần được đúc kết, rút kinh nghiệm để triển khai ra diện rộng, nhất là đối với các địa phương vừa được nâng cấp từ xã lên phường và những xã mới sáp nhập về thành phố.


Đạm Phương