(Baonghean) - Dù có những gói thầu được UBND tỉnh gia hạn đến 5 lần nhưng tuyến đường nối xã Bồng Khê đi Bình Chuẩn (Con Cuông) vẫn chỉ là con đường lầy lội, ngập ngụa bùn đất, chưa biết khi nào mới hoàn thành, khiến người dân 5 xã phía tả ngạn sông Lam đều hết sức khổ sở khi tham gia giao thông.
Đường lầy, cống sập...
Biết tôi có ý định vào "con đường đau khổ" Bồng Khê đi Bình Chuẩn, mấy tay xe ôm ở chợ Thị trấn Con Cuông lắc đầu ngán ngẩm: "Đường lầy lội lắm, có người mới chết vì ngã xe ở dốc Mét...". Cuối cùng thì một tay xe ôm "cừ khôi" nhất đã xung phong đưa nhà báo vào để "kêu" giúp dân. Qua cầu treo Thành Nam, xã Bồng Khê, phía trước hiện ra con đường ngoằn nghoèo lầy lội. Trần Tiến - tay xe ôm nhích ga từng tí, vượt dốc nói: "Đường này mà non tay lái có khi phải chết oan đó". Sang đoạn xã Mậu Đức, bùn ngập sâu cả nửa bánh xe máy, chúng tôi vất vả kéo, đẩy lê chiếc xe máy bê bết bùn. Anh Tiến bảo: Đoạn này vẫn chưa ăn nhằm gì đâu, còn đẩy được xe đã là may lắm. Sang bản Thống Nhất, xã Mậu Đức giáp với bản Hợp Thành, xã Đôn Phục, con đường nhiều chỗ như đầm lầy, bùn nhão nhoét, có mấy xe ô tô vào chở cây keo đã bị mắc kẹt cả tuần tại đây.
Để vượt được qua những "đầm lầy" này, người dân ven đường dùng ván gỗ lót phía trên đường dùng cho các phương tiện nhẹ qua lại. Theo ghi nhận của phóng viên lúc 6h30 ngày 3/11/2011 thì có 2 điểm lót ván gỗ đoạn lầy sục trên tuyến đường Mậu Đức và Bình Chuẩn, một số người dân đứng ra tự thu "lệ phí" mỗi xe máy đi qua là 10.000 đồng/lượt. Nhiều người không chịu mất tiền thì liều mình lội qua "đầm lầy" hoặc nhờ người đi cùng nhau kéo, đẩy xe máy thoát đầm lầy. Trên cung đường lầy lội này chúng tôi chứng kiến những học sinh được cha mẹ chở đến trường bằng xe bò lốp, đối với trẻ em mầm non thì phải bồng bế đến trường. Gặp ông Lương Văn Toản ở bản Xiềng, 75 tuổi, ông đang xắn quần lội những bước nặng nhọc qua đầm lầy than thở: Tuổi cao sức yếu rồi mà phải cuốc bộ từ Bệnh viện Con Cuông về đây vì chẳng có "xe lai" nào dám chở ông già đi trên con đường này cả.
Vào đến trung tâm bản Hợp Thành, xã Đôn Phục trời vừa đứng bóng, ông Nguyễn Quang Vinh -Trưởng bản đang chỉ đạo bà con san gạt đường. Ông Vinh mặt buồn nẫu: Con đường nắng thì bụi mù, mưa xuống thì cả tháng trời lầy lội. Bà con chúng tôi đã gửi nhiều đơn thư ra huyện đề nghị triển khai thi công đường nhưng chẳng thấy hồi âm.
Con đường "đầm lầy" bùn sục có thể gây tai nạn cho người đi đường.
Theo những người dân nơi đây phản ánh thì mới đây ngày 25/10/2011, ông Vi Đình Thâm 66 tuổi ở bản Hồng Thắng, xã Đôn Phục khi đi xe máy qua đoạn dốc Mét do bị trơn đã bị ngã gãy cổ và tử vong. Anh Vi Văn Dậu ở bản Phục kể: Vợ tôi là Cầm Thị Chiên mới đây đau đẻ, đã phải huy động hơn 10 người gánh đi trên con đường trơn trượt hơn 8 km, ra tới QL 7 thì mới chở vợ bằng xe máy được, thật là hú vía. Theo như ông Vinh, Trưởng bản Hợp Thành thì: Bà con sợ nhất là có người ốm đau, bệnh nặng, đêm hôm cấp cứu mà đi trên con đường này thì có khi chết oan. Tội nhất là những em học sinh cấp I, II hàng ngày vẫn phải cuốc bộ trên con đường này. Tại 5 xã tả ngạn, có hàng trăm em học sinh cấp 3 phải đến trường dân tộc nội trú trên con đường này. Em Lô Thị Hiền ở bản Hợp Thành - học sinh lớp 11, Trường Dân tộc nội trú Con Cuông, cho hay: Cả tháng nay em vẫn chưa về nhà được vì bị ngã xe mấy lần rồi sợ lắm. Mấy bữa nay thiếu gạo ăn đang phải mượn tạm của bạn. Chị Hồ Thị Hoà buồn bã: Trời mưa, bà con xã Đôn Phục, Mậu Đức phải đi tắt qua xã Cam Lâm để ra Thị trấn Con Cuông, khổ hết chỗ nói.
Ông Lang Vi Đức - Chủ tịch xã Đôn Phục cho biết thêm: Đôn Phục có 7 bản bao gồm bản Hồng Điện, Hồng Thắng, bản Xiềng, bản Phục, Trọng Tờ, Tổng Tiến..., cuộc sống người dân còn lắm khó khăn. Dự án thi công đường quá chậm đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của bà con dân bản. Chúng tôi đề nghị, nếu nhà thầu chưa làm được đường thì cũng phải san gạt, đảm bảo lưu thông cho bà con đi lại.
Đối với xã cuối cùng Bình Chuẩn, do hiện nay tuyến đường quá lầy nên đã hoàn toàn bị chia cắt. Từ xã ra trung tâm huyện Con Cuông khoảng 30 km, nhưng bà con phải vòng sang xã Yên Thắng, Nga My của huyện Tương Dương, mất khoảng gần 100 km.
Khi chúng tôi đang chụp ảnh tại tuyến đường tại bản Thống Nhất, xã Mậu Đức (gói thầu do Công ty CP XD cầu đường Thanh Hoá) thi công thì thấy rất nhiều bà con tại đây trình bày về việc có chiếc cống tại đây vừa mới xây dựng xong đã bị sập. Bà Phan Thị N, bản Thống Nhất bức xúc: Chất lượng quá kém, mới xây xong đã sập, lòi ra chỉ mấy que sắt rất nhỏ đan thưa thớt. Cầu sập nhà thầu vẫn để vậy tạo nên cái hố tử thần, nhiều xe đi ban đêm rơi xuống hố bị tai nạn. Bà con bức xúc bắt nhà thầu làm lại cầu thì họ đưa máy múc ra đổ đất lấp đầy chỗ sập để "phi tang".
Ông Nguyễn Quang Vinh -Trưởng bản Hợp Thành, xã Đôn Phục khẳng định: Nhiều bà con dân bản Hợp Thành (Đôn Phục) và bản Thống Nhất - (Mậu Đức) đã phản ánh với tôi chiếc cống trên bị sập, bà con đã phát hiện ra bê tông vừa có cả cốt thép, vừa có cả "cốt tre". Nhưng hiện tại cầu sập đã bị nhà thầu dùng máy múc lấp đầy đất chèn kỹ càng rồi. Anh Đàm Văn T, ở Mậu Đức nói thêm: Phía trên đoạn cầu sập cũng có một cống vừa thi công xong. Cống này chưa sập nhưng bà con chúng tôi ra kiểm tra thì chất lượng cũng rất tệ, đều dùng tay bóp được vữa xi măng vỡ vụn.
Hai người dân ở bản Hợp Thành xã Đôn Phục bị ngã gãy chân khi đi trên tuyến đường này.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Lưu Văn Cứu -Trưởng phòng Công thương huyện Con Cuông cho biết: Tuyến đường Bồng Khê đi Bình Chuẩn có trị giá hơn 120 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2006. Theo cam kết, các gói thầu sẽ hoàn thành trong thời hạn 12 tháng. Tuyến đường gồm 3 gói thầu, các đơn vị thi công là Công ty CP XD cầu đường Thanh Hoá, Công ty TNHH Trường Thành, Công ty TNHH Tuấn Hoàng, Công ty xây dựng Minh Ngân. Hiện tại, các gói thầu trên đều đã được ứng trên 40% số vốn. Tiến độ thi công thì tất cả các gói thầu trên đều chậm, như gói của Công ty cổ phần XD cầu đường Thanh Hoá, UBND tỉnh Nghệ An đã cho gia hạn 5 lần nhưng vẫn chưa thi công xong, còn lại hầu hết các gói thầu khác đều được UBND tỉnh cho gia hạn từ 2-3 lần. Hiện nay cả tuyến đường này mới chỉ có Công ty TNHH Tuấn Hoàng thi công được 1,5 km tại xã Đôn Phục.
Ông Cứu cho biết thêm: Nguyên nhận chậm là do mưa nhiều nên đường nhiều chỗ bị hư hỏng, xuống cấp. UBND huyện đã tổ chức các cuộc họp đốc thúc các nhà thầu thi công, nhưng có một số nhà thầu không tham gia họp. Đường giao thông ách tắc nhưng nhiều nhà thầu vẫn bỏ mặc không san gạt, gây khó khăn trong lưu thông.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề chậm tiến độ thi công, ông Hoàng Đình Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho rằng: "Nguyên nhân chính chậm tiến độ thi công là do thời tiết mưa gió". Về vấn đề cống sập ở bản Thống Nhất, xã Mậu Đức, ông Tuấn trả lời: "Do hôm đó bê tông chưa cứng, xe đi nhiều nên bị sập, hôm nay tôi bắt bới ra làm lại cả...".
Phải chăng, UBND huyện Con Cuông được giao làm chủ đầu tư công trình đường Bồng Khê - Bình Chuẩn, nhưng đã bị các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công "qua mặt" khi mà toàn bộ tuyến đường đã được ứng 40% vốn, tương đương 30 tỷ đồng nhưng một số gói thầu mặc dù được gia hạn đến 5 lần nhưng chưa chịu thi công. Đặc biệt là vấn đề quản lý, giám sát về chất lượng của chủ đầu tư rất buông lỏng, cống trên tuyến sập nhưng cả Phòng Công thương huyện Con Cuông chẳng ai biết. Chỉ đến khi nhà báo đưa hình ảnh cho xem thì ông Trần Anh Tuấn -Phó phòng Công thương Con Cuông mới rút điện thoại ra chỉ trích nhà thầu!