(Baonghean) - Trước thực tế người trồng mía gặp khó khăn vì mía bị bệnh chồi cỏ nặng, cấp ủy và chính quyền xã Châu Đình (Quỳ Hợp) tích cực vào cuộc vận động nhân dân chuyển sang trồng giống mía sạch bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tháng 12, trong tiết trời se lạnh đầu mùa, chứng kiến những cánh đồng mía xanh tốt đang vào vụ thu hoạch, ít ai biết, chỉ cách đây không lâu, nông dân xã Châu Đình từng phải tính đến chuyện từ bỏ cây mía vì lâm vào cảnh “mía đắng” do bệnh chồi cỏ. Nói về những ngày đó, đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã vẫn lo âu: “Châu Đình có 20 xóm, thì chỉ có 1 xóm không trồng mía. Khoảng 80% trong tổng số 1.560 hộ dân của xã trồng mía. Thời điểm cao nhất vào năm 2008, diện tích mía của xã lên đến 800 ha. Nhưng sau đó, do bị bệnh chồi cỏ, người trồng mía vừa thất thu vừa có tâm lý hoang mang nên diện tích mía giảm xuống rõ rệt. Đến vụ ép mía năm 2010 - 2011, diện tích mía cả xã chỉ còn 280 ha. Ngặt một nỗi, ngoài diện tích sản xuất lúa nước gần 350 ha thì cây mía trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương”.
Sau khi phân tích những thiệt hơn và thực hiện chủ trương của cấp trên, cả hệ thống chính trị xã Châu Đình quyết tâm vào cuộc vực dậy cây mía ở địa phương, ổn định được 700 ha mía mỗi năm. Giải pháp được đặt ra là đưa giống mía sạch bệnh vào trồng. Tuy nhiên, giữa nói và làm là một khoảng cách rất lớn với nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là nhận thức của người dân, thậm chí một bộ phận cán bộ còn hoài nghi về khả năng diệt bệnh chồi cỏ kể cả khi đưa giống mía mới vào. Bên cạnh đó, giống mía sạch bệnh phải mua từ huyện Quỳ Châu hoặc từ Thanh Hóa về, giá cả đắt hơn so với giống mía mua tại chỗ. Giá mía giống từ Thanh Hóa lến tới 1,5 triệu đồng/tấn, có thời điểm cao nhất lên tới 2 triệu đồng/tấn so với giống bản địa chỉ 1 triệu đồng/tấn. Rồi, đồng ruộng cũng phải làm lại, tất cả các gốc mía cũ phải được đào lên, thu gom lại và đốt. Giải pháp mới, vừa tốn công, vừa phải đầu tư chi phí cao hơn, trong khi hiệu quả vẫn chưa được chứng minh nên nhiều hộ có tâm lý e dè, nghi ngại. “Trước tình hình đó, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề về trồng mía. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của cán bộ, đảng viên tiên phong đi đầu chuyển sang trồng giống mía sạch bệnh”, đồng chí Sửu cho biết.
Để khuyến khích phong trào trong nhân dân, cán bộ xã tuyên truyền chính sách hỗ trợ của tỉnh 2,5 triệu đồng và nhà máy đường 2 triệu đồng với mỗi ha chuyển đổi sang giống mía sạch bệnh cho nhân dân; đồng thời bắt tay làm trực tiếp. Đơn cử như đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch xã, gia đình có 2 ha mía cũng đã tiên phong trồng giống mía sạch bệnh từ vụ ép năm 2009 - 2010. Trước khi trồng, cũng trên diện tích 2 ha, giống mía bị bệnh chồi cỏ chỉ cho thu hoạch 43 tấn nhưng sau khi trồng giống mới, vụ đầu tiên gia đình ông thu được 113 tấn. Bệnh chồi cỏ trên cây mía cũng giảm hẳn. Nhân dân thấy hiệu quả nên nhiều hộ chuyển đổi theo. Ở cấp xóm, bản, hệ thống chính trị cơ sở cũng vào cuộc hết sức tích cực để vận động người trồng mía chuyển đổi giống.
Tại xóm Quệ, các đảng viên trong chi bộ đều trồng mía và thực hiện chủ trương chuyển đổi giống mía sạch bệnh. Tiêu biểu có đồng chí Lương Văn Thành, Phó Bí thư chi bộ, xóm trưởng kiêm nhóm trưởng nhóm mía của xóm. Ngay từ vụ mía năm 2010 - 2011, đồng chí đã chuyển sang trồng các giống mía sạch bệnh với sản lượng tăng cao và ổn định trong nhiều năm. Trong vụ mía năm 2013 - 2014 vừa qua, với từng ấy diện tích, gia đình đồng chí đã thu về 150 tấn mía, lãi ròng khoảng 40 triệu đồng. “Sử dụng giống mía sạch bệnh không chỉ cho năng suất cao gấp đôi so với giống cũ bị bệnh chồi cỏ mà chu kỳ khai thác dài hơn, lưu gốc được 4 - 5 vụ nếu chăm sóc tốt. Từ mô hình thực tế của gia đình và một vài hộ dân khác, nhân dân thấy được hiệu quả đã tích cực tham gia chuyển đổi”, đồng chí Lương Văn Thành chia sẻ.
Cũng từ những bước đầu tiên đó, phong trào chuyển đổi giống mía sạch bệnh diễn ra rộng khắp ở tất cả những xóm khác. Vụ ép năm 2013 - 2014, sản lượng mía của xã đạt 2.716 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Vụ ép năm nay, với diện tích 70 ha mía phát triển tốt và đang bước vào vụ thu hoạch, hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại sản lượng cao. Ông Lương Văn Nhuận (bản Quệ) đang kiểm tra cánh đồng mía trước thời điểm xuất bán hồ hởi chia sẻ: “Trước đây trồng mía bị bệnh chồi cỏ, gia đình có chuyển sang trồng sắn nhưng hiệu quả không bền vững. Nay, thực hiện chủ trương chuyển sang giống mía sạch bệnh, năng suất mía cao hơn, bệnh chồi cỏ cũng giảm rõ rệt. Vụ ép năm rồi, trên diện tích 3 ha, gia đình tôi có 150 tấn mía, thu về 60 triệu đồng...”.
Với cách vận động và bắt tay vào làm cụ thể, các đảng viên và cấp ủy ở Châu Đình không chỉ phục hồi được diện tích mía mà quan trọng hơn là người nông dân tin tưởng hơn vào lãnh đạo của cơ sở Đảng. Giờ đây, khi hết chu kỳ khai thác, người trồng mía đã tự ý thức chuyển đổi các giống mía sạch bệnh. Theo thống kê của xã Châu Đình, chỉ tính riêng vụ mía năm 2014 - 2015, cả xã đã có trên 200 ha trồng mới giống mía sạch bệnh. Diện tích mía của xã đã vượt chỉ tiêu đặt ra, với 807 ha vụ ép năm 2014 - 2015, đưa sản lượng mía dự kiến của xã đạt 50.000 tấn.
Nhật Lệ