(Baonghean) - Bây giờ lên miền biên ải huyện Kỳ Sơn, chúng ta chứng kiến được sự “thay da, đổi thịt” của nhiều xã vùng biên bằng những mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Sự thay đổi đó có đóng góp công sức rất lớn của cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (KTQP4).
 
 
Cầm tay chỉ việc 
 
Những ngày đầu, khi Đoàn KTQP4 mới thành lập, cán bộ, chiến sỹ Đội sản xuất số 1 tổ chức hướng dẫn cho đồng bào Mông ở bản Ka Dưới, xã Na Ngoi trồng lúa nước. Từ việc khai hoang diện tích, dẫn nước vào ruộng đến khâu làm đất, cách gieo mạ, cấy lúa... cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 1 đều hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con làm theo. Mặc dù đã theo dõi rất kỹ động tác mẫu của bộ đội, nhưng khi thực hành, ông Mùa Do Lỉa cấy mãi mà cây lúa cứ đổ nghiêng, xiên xẹo. Thả nắm mạ xuống, ông Lỉa nói: “Khó lắm. Ta không làm được theo cái bộ đội hướng dẫn đâu... Ta về đi phát nương, làm rãy thôi”. Nói là làm. Ông Lỉa lên bờ về nhà. Thấy vậy, Trung tá Nguyễn Văn Hiền, Đội trưởng Đội sản xuất 1 chạy theo ông Lỉa thuyết phục ông ở lại. Lần này, anh Hiền tiếp tục làm mẫu và trực tiếp cầm tay ông Lỉa hướng dẫn cách cấy sao cho cây lúa đứng thẳng. Một vài khóm đầu, cây lúa vẫn hơi nghiêng, không nản chí, anh Hiền tiếp tục phân tích cho ông Lỉa từ cách cầm đến cách cắm cây lúa xuống ruộng... Một lúc sau, những khóm lúa ông Lỉa cấy tương đối như bộ đội cấy mẫu. Từ sự khởi đầu đó, đến nay hầu hết các hộ dân ở bản Ka Dưới và các bản làng khác đều có diện tích trồng lúa nước, nhiều nơi mỗi năm đồng bào còn làm được hai vụ lúa nước. 
 
images1098215_anh_1_d_4.jpgCán bộ Đoàn KT - QP 4 hướng dẫn kỹ thuật trồng chè Shan tuyết cho bà con bản Ka Dưới, xã Na Ngoi.
 
Trung tá Nguyễn Hữu Oánh, Chủ nhiệm Chính trị Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 cho biết: “Thực hiện phong trào thị đua quyết thắng, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn đã hướng vào việc vượt khó, giúp nhân dân thoát khỏi đói nghèo. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, các tổ đội trong Đoàn nghiên cứu, xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế chuyển giao cho đồng bào. Cây dong riềng, gừng bắt nguồn từ phong trào thi đua đó đã góp phần xây dựng thành công các mô hình kinh tế để giúp nhân dân thoát nghèo. Bây giờ, những cây này được bà con xem là cây “xóa nghèo”. Sau mô hình dong riềng của Phòng Tham mưu - Kế hoạch, nhiều mô hình thành công khác như: nuôi lợn đen và gà đen của Đội sản xuất 1; Mô hình trồng xoan đâu, nuôi bò bản địa của Đội sản xuất 3...”. 
 
Hôm chúng tôi đến bản Pủng, xã Mường Ải thăm mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng của ông Vi Phò Tha, ông khoe: “Trước đây gia đình ta thuộc diện hộ nghèo. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ và làm theo mô hình phát triển kinh tế của cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 4, nay ta đã có trang trại trị giá gần một trăm triệu đồng, không còn sợ đói cái bụng nữa đâu...”. Đến nay, Đoàn KTQP4 đã vận động, hỗ trợ được 707 hộ gia đình từ trên núi cao xuống thành lập các bản mới; Đoàn đã triển khai gần 20 công trình, dự án bàn giao cho địa phương. Hiệu quả từ các mô hình kinh tế và những công trình, dự án này đã giúp các xã trong vùng Đoàn đóng quân từng bước vươn lên thoát nghèo, hạn chế tình trạng di dịch cư trái phép.
 
Góp sức xây dựng bản làng văn hóa 
 
Thành công có ý nghĩa “đột phá” ở vùng KTQP4 - Kỳ Sơn chính là sự thay đổi những tập tục lạc hậu của đồng bào nơi đây. Bằng sự kiên trì thuyết phục và những việc làm thiết thực, cụ thể cán bộ, nhân viên các đội sản xuất đã từng bước đưa nếp sống văn hóa đến các bản, làng nơi đây. Hiện đã có 16 bản trong khu vực Đoàn KTQP4 giúp đỡ được công nhận Bản văn hóa. 
 
Quá trình thực hiện, cán bộ Đoàn KTQP4 gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bằng lòng nhiệt huyết, trách nhiệm, cán bộ, nhân viên đơn vị thường xuyên bám địa bàn, thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Đơn cử như việc Đội sản xuất 2 vận động bà con bản Huồi Khí, xã Mường Típ đưa gia súc, gia cầm ra xa nhà ở là một quá trình bền bỉ. Khi cán bộ, nhân viên đến vận động, nhiều hộ không đồng ý. Người thì đưa ra lý do sợ mất trộm, sợ trâu, bò bị ốm; người thì bảo không có tiền... Không nản chí, nhiều lần các anh đến gặp già làng, trưởng bản, đề nghị họ vận động gia đình mình gương mẫu làm trước. Sau đó các anh tham gia giúp các gia đình san nền, chặt cây dựng chuồng, hỗ trợ tiền mua tấm lợp... Hay như việc vận động các gia đình đưa con em trong độ tuổi đi học đến trường, ban đầu thì bà con nhất trí cho các cháu đến lớp, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, một thời gian sau các em lại phải nghỉ học. Cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con, cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 2 quyết định trích số tiền tiết kiệm mua lương thực hỗ trợ các gia đình cho con em theo học. Bằng cách làm này, thời gian qua, các bản thuộc địa bàn đội đảm nhiệm không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. 
 
Đại tá Nguyễn Huy Hoàng, Chính ủy Đoàn KTQP4 tâm sự: “Nhiều mô hình, nhiều phần việc quá trình chuyển giao cho bà con, chúng tôi tưởng chừng như thất bại. Nhưng với tinh thần trách nhiệm và từ quyết tâm giúp dân xóa nghèo trong mỗi cán bộ, nhân viên, chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quá trình đó, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, đồng thời các tổ đội công tác thường xuyên xuống bản, kết hợp với già làng, trưởng bản để vận động bà con xóa bỏ tập tục lạc hậu, tích cực phát triển sản xuất, chăn nuôi. Kết quả, nhiều năm liền đã làm đổi thay từng bản làng, cuộc sống người dân từng bước no ấm hơn...”.
 
Phùng Ngọc Thăng
HT: 5NK 129 Vinh