(Baonghean) - Nếu như bóng đá, bóng chày có thể hâm nóng mối quan hệ ngoại giao giữa nhiều quốc gia trên thế giới, thì không có lý gì “môn thể thao vua” này lại không thể “dội gáo nước lạnh” vào những mối quan hệ này.

Nga và Pháp là một minh chứng cụ thể cho việc căng thẳng ngoại giao vì bóng đá. Những hành động của cổ động viên bóng đá của Nga cổ vũ cho đội tuyển thi đấu tại Euro 2016 đang khiến quan hệ Nga - Pháp vốn đang có dấu hiệu ấm lên vì thế bị ảnh hưởng.

resize_images1590385_nga_ph_p.jpgUEFA cảnh báo sẽ đuổi một số cổ động viên Nga vì những hành vi gây bạo động. Ảnh: Internet.

Có lẽ “cổ động viên Nga” chính là những dòng chữ được đề cập gần như nhiều nhất trên các tờ báo Pháp trong sự kiện Euro đang diễn ra tại quốc gia châu Âu này. Đáng chú ý, những sự việc liên quan đến cổ động viên còn gắn với cả tên của những lãnh đạo đứng đầu của hai quốc gia Nga - Pháp khi cả hai bên đều phải có những phát ngôn “đầy căng thẳng” liên quan đến những “va chạm” giữa các cổ động viên của mình.

Sự việc đã bắt đầu từ những ngày Euro khai cuộc. Ngày 10& 11/6 chỉ khi Euro vừa diễn ra, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 43 cổ động viên Nga với cáo buộc gây rối bạo lực tại Marseille, thời điểm diễn ra trận đấu Anh và Nga tại thành phố này. 11 người đã được thả nhưng 32 người khác vẫn đang bị giam giữ tại sở cảnh sát thành phố Marseille.

Tại Lille, 4 cổ động viên Nga bị bắt giữ nhưng sau đó đã được thả sau khi uống rượu và lái xe gây nguy hiểm, đồng thời xô xát với cổ động viên Anh tại trung tâm thành phố Lille ngay sau đó.

Hay mới đây nhất, ngày 18/6 vừa qua, ông Alexander Shprygi - người đứng đầu Hiệp hội cổ động viên bóng đá Nga, cùng 19 cổ động viên Nga khác đã bị Pháp trục xuất về nước. Đó là chưa kể đến việc hàng trăm cảnh sát vũ trang của Pháp đã chặn một xe bus chở hơn 50 cổ dộng viên Nga ở Cannes do nghi ngờ trong đó có các hooligan trà trộn.

Thế nhưng, nếu như Pháp đưa ra lý lẽ rằng, hành động này là “nhằm đảm bảo an ninh” cho Euro và tố cáo các cổ động viên Nga là “những kẻ được đào tạo chuyên nghiệp và siêu bạo lực”, đến Pháp với mục tiêu duy nhất là gây rối, thì ngược lại, Nga lại xem đây là hành động “không thể chấp nhận” được.

Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov một mặt thừa nhận các hành động quá khích của một số cổ động viên bóng đá Nga ở Pháp, tuy nhiên ông cũng cho rằng, “không thể nhắm mắt làm ngơ” khi các cổ động viên các nước khác cố gắng tạo ra các hành động khiêu khích với cổng động viên Nga. Ông cũng cho rằng không thể chấp nhận lá cờ Nga bị chà đạp cũng như những lời khiêu khích, xúc phạm các lãnh đạo Nga.

Người đứng đầu nước Nga, Tổng thống Putin cũng cảnh báo rằng, làn sóng bài Nga tại Pháp sẽ làm ảnh hưởng xấu lên quan hệ giữa hai nước. Căng thẳng này cũng đã khiến phía Nga phải đã triệu hồi Đại sứ Pháp tại Mockva để nghe giải thích tường tận về những hành động này.

Với tuyên bố cứng rắn, thẳng thắn từ Bộ ngoại giao Nga rằng “Phía Nga phản đối với Pháp áp dụng các biện pháp mang tính chất phân biệt đối xử, không có chọn lọc đối với các công dân Nga khi Viện Công tố Marseille quyết định bắt giữ 43 người Nga trong 48 giờ đồng hồ để tiến hành điều tra”, có thể thấy, bóng đá đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao Nga - Pháp.

Cảnh sát chống bạo động có mặt tại các khu fanzone. Ảnh: Internet.

Điều này chắc chắn “nằm ngoài dự tính” của các nhà lãnh đạo hai bên. Trên thực tế, trong thời gian gần đây, đã có không ít dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Nga - Pháp đã có những chuyển biến tích cực. Trong chuyến thăm Nga hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron bất chấp sự cấm vận của EU với nước này đã khẳng định, chuyến thăm Nga lần này là nhằm thể hiện mong muốn duy trì và tăng cường quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong các khuôn khổ chính trị và ngoại giao hiện hành. Ông Macron cũng không quên nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác hơn nữa về kinh tế giữa Nga và Pháp đối với sự phát triển của hai quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Chưa hết, vào tháng 4 vừa qua, Hạ viện Pháp cũng đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu đối với Nga do vai trò của nước này trong xung đột tại miền đông Ukraine và việc sáp nhập Crimea. Những động thái này đã được dư luận xem là bước đi “đầy thiện chí” nhằm cải thiện quan hệ giữa hai bên.

Song có thể nói, bóng đá đang khiến những thiện chí của cả Nga và Pháp bị đảo ngược. “Hạ cấp quan hệ ngoại giao” là điều mà Nga đã đề cập sau những mâu thuẫn vừa xảy ra. Và đương nhiên, nếu điều không hay này trở thành sự thật, rõ ràng, công sức cải thiện mối quan hệ này sẽ “bỏ sông, bỏ biển”. Và về phía Pháp, nước đang mong muốn cải thiện quan hệ này hơn bao giờ hết sẽ chịu thiệt thòi hơn.

Nếu như Pháp đang đặt mục tiêu “thân” với Nga hơn trong bối cảnh EU vẫn đang căng thẳng với chính quyền Moskva, thì rõ ràng bối cảnh hiện nay không có lợi cho Pháp. Như vậy, những gì Pháp mong chờ trong mối quan hệ với Nga như “cải thiện nền kinh tế,  hay thay Đức trở thành nhân tố có trọng lượng nhất ở châu Âu về đối ngoại và quốc phòng... sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Vẫn biết, việc xác định đúng sai giữa các cổ động viên Nga và phương Tây là rất khó, chưa kể gánh nặng và sức ép dồn lên vai lực lượng an ninh Pháp là không nhỏ, song nếu không có những bước đi hợp lý trong việc giải quyết những căng thẳng từ Euro 2016, cái mà Nga và Pháp mất đi là rất lớn.

Thanh Hiền

TIN LIÊN QUAN