(Baonghean) - Những năm gần đây, trong điều kiện nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng của Nhà nước còn hạn chế, nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận, Diễn Châu đã xuất hiện nhiều công trình, mô hình kinh tế từ sức dân, góp phần thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới.

Xóm 1 Kim Âu, xã Diễn Hải là 1 xóm thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong một thời gian dài hệ thống đường xóm không được đầu tư nâng cấp nên việc đi lại của nhân dân rất vất vả. Trước thực trạng trên, đầu tháng 10/2013, Chi bộ đã đi tới thống nhất và ban hành Nghị quyết chuyên đề về làm giao thông nông thôn. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc huy động sức dân là cả vấn đề.  
 
Sau khi Chi bộ có Nghị quyết, để triển khai, Chi ủy và Ban cán sự xóm tổ chức họp với mặt trận, đoàn thể và nhân dân để tuyên truyền vận động và lấy ý kiến. Qua nhiều lần bàn đi tính lại, người dân đã nhất trí với chủ trương làm đường. Ban cán sự xóm quyết định giao cho từng tổ dân cư tự thu tiền và tổ chức thi công. Thế nhưng, khi triển khai thực hiện thì chỉ 5/ 7 tổ dân cư thống nhất, 2 tổ ngần ngại do sợ không thu được tiền của các hộ khó khăn. Xóm đã vận động các gia đình trong tổ cho các hộ khó khăn vay; đồng thời đề nghị các hộ gia đình cán bộ đảng viên gương mẫu đi đầu đóng góp, giúp đỡ. 
images936767_duong_x_m_sau_khi_du_c_mo_rong_da_tro_nen_khang_trang__s_ch_s__hon.jpgÔng Trần Văn Đích, Bí thư chi bộ xóm 1, xã Diễn Hải (người đội mũ) giới thiệu quá trình vận động nhân dân giải tỏa mở đường xóm.
 
Xác định giải tỏa tường bao là việc khó nên bản thân Bí thư chi bộ đứng ra làm trước, tiếp đó là Chi hội Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ vào cuộc, vận động, giúp nhau tháo gỡ. Để đảm bảo quyền lợi, xóm có cơ chế, gia đình nào bị tháo dỡ bờ tường nhiều thì được hỗ trợ 30.000 đồng/m2 để xây lại. Nhờ cách làm này, xóm tháo dỡ 454m2 tường bao chỉ trong mấy ngày; các hộ dân còn tự nguyện chặt 9 cây dừa và hiến gần 500m2 đất thổ cư để làm đường. Trong vòng 2 tuần, gần 850m đường theo chuẩn nông thôn mới được hoàn thành. Bí thư chi bộ xóm Trần Văn Đính khoe: Tổng kinh phí làm đường là 453 triệu đồng, trong đó xã hỗ trợ 20%, số còn lại gần 400 triệu đồng do nhân dân đóng góp, bình quân mỗi khẩu gần 600 ngàn đồng, có gia đình đóng hơn 3 triệu đồng. Mặc dù thời điểm triển khai xóm phải nợ vật tư và một số hộ khó khăn phải nhờ hộ khác ứng tiền làm đường nhưng bà con rất vui, đường làm xong thì nợ cũng trả hết. 
 
Để có được mô hình thành công, vai trò của Chi ủy là rất quan trọng. Trước hết, Chi bộ đã khéo chọn thời điểm ban hành Nghị quyết làm giao thông đúng lúc huyện, xã triển khai xây dựng Nông thôn mới và Chỉ thị 08/CT về dồn điền đổi thửa. Khi đi tham quan học tập kinh nghiệm, thay vì nghe cấp xã bạn báo cáo điển hình, cán bộ xóm chọn cách đi thẳng vào gặp các hộ gia đình hỏi cặn kẽ để xây dựng phương án phù hợp với điều kiện xóm mình. Việc giao cho các tổ dân cư tự thu tiền, tự làm đường và tự giám sát, hộ có điều kiện cho hộ khó khăn vay trước để làm đường xóm là một cách làm hay, cần nhân rộng. Thực tế, từ cách làm của xóm 1, đã có 4 xóm ở xã Diễn Hải học tập và làm được 3 km đường bê tông xóm.
 
Còn ở  xóm 4, xã Diễn Lợi, với đặc thù là xã bán sơn địa, sản xuất nông nghiệp bấp bênh. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban dân vận Huyện ủy và Đảng ủy xã, chi ủy, ban cán sự xóm đã động viên nhân dân chuyển đổi mô hình kinh tế. Đầu tiên là tổ chức đưa người đi xuất khẩu lao động. Chi ủy xóm mạnh dạn xây dựng Nghị quyết, người đi trước có điều kiện thì cho người đi sau vay vốn. Bên cạnh đó, chi bộ có chủ trương ưu tiên dùng quỹ của các chi hội đoàn thể cho người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động được vay. Nhờ vậy, đến nay xóm 4 đã có 86 người đi xuất khẩu lao động và là 1 trong những xóm có số lao động nước ngoài nhiều nhất xã (toàn xã có trên 253 người).
 
Một số gia đình có tiền ở nước ngoài gửi về, thay vì gửi ngân hàng hoặc mua sắm tiêu dùng, xóm vận động cho bà con hàng xóm, anh em vay vốn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, do đó, từ 1 xóm thuần nông, đến nay xóm đã có 18 mô hình kinh tế vườn đồi, vườn ao chuồng và chăn nuôi gia cầm, mỗi năm thu nhập từ 50-70 triệu đồng, có 2-3 mô hình thu 150 triệu đồng/năm. Ông Hoàng Thịnh, một trong điển hình nuôi cá ở xóm 4 cho biết: Năm 2002 thực hiện chuyển đổi đất theo Chỉ thị 02, ông nhận đất cải tạo trên làm lúa, dưới nuôi cá. Hiện nay, với vai trò là Chi hội trưởng Nông dân, ông còn nhận nhiệm vụ của chi bộ vận động và giúp một số hộ xây dựng mô hình cá lúa.
 
Ông Nguyễn Đức Tính, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Diễn Lợi cho biết: Nhờ xuất khẩu lao động và giúp nhau làm kinh tế mà tỷ lệ hộ nghèo xóm 4 giảm nhanh, từ 16% (năm 2011) xuống 6% (năm 2013) và đang vươn lên trở thành xóm khá, giàu. Để có phong trào phát triển kinh tế như hôm nay, ngoài chỉ đạo của Đảng ủy và Nghị quyết chi bộ xóm, vai trò của gương mẫu đầu tàu của cán bộ đảng viên là rất quan trọng. Những mô hình của đảng viên như bà Đặng thị Trầm, anh Hoàng Kiên, Hoàng Mão… được bà con học hỏi làm ăn, phát huy lợi thế đồng đất địa phương. Gần đây, các hộ nuôi cá, vịt trong xóm đã bắt đầu liên kết, nuôi vịt hoặc cá theo lứa để khi có khách hàng về thì các hộ cùng bán. Còn về phía xóm thì tạo điều kiện cho xe mua hàng được ra vào thuận tiện, không thu phí…
 
Diễn Minh là 1 xã thuộc vùng trũng, mỗi khi có mưa lụt thì đồng đất Diễn Minh trở thành túi rác thải, từ xác gia súc gia cầm cho đến vỏ chai, vỏ thuốc bảo vệ thực vật trôi về gây ô nhiễm. Trên cơ sở khảo sát, Hội Nông dân xã đã tham mưu với Đảng ủy xã và được giao đăng ký thực hiện mô hình này với Ban chỉ đạo huyện. Ban đầu, Hội đề ra chỉ tiêu và vận động mỗi chi hội xóm làm từ 2 - 4 cống, trong đó Hội nông dân xã chịu kinh phí 50%, chi hội 50% (mỗi cống từ 150-280 ngàn đồng). Tuy nhiên qua gần 1 năm triển khai, với sự đồng tình, ủng hộ của người dân 7/7 chi hội nông dân xóm làm được 28 cống, trong đó chi hội 1 làm 6 cống, còn lại mỗi chi hội làm từ 2 - 4 cống.
 
Ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch Hội nông dân xã Diễn Minh cho biết:  Thấy được hiệu quả, tác dụng của mô hình gom rác thải, một số hộ đã tình nguyện tận dụng các cống gia đình không dùng đến, bịt đáy để đưa ra đồng làm nơi thu gom. Hiện nay, cống bê tông được đặt gần đường đi lại trên đồng để người dân gom nhặt và bỏ rác cho tiện, sau 1 tuần hoặc nửa tháng Hội sẽ thu gom, xử lý.  Điều đáng mừng là từ thái độ bàng quan, nghi ngại, đến nay người dân đã thay đổi nhận thức, chung tay bảo vệ môi trường.
 
 Bà Hoàng Thị Mai Phương, Phó Ban Dân vận Huyện ủy Diễn Châu đánh giá: 3 mô hình trên thực sự là điểm sáng  về “dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội ở Diễn Châu năm vừa qua. Một trong những kinh nghiệm của Diễn Châu khi chọn mô hình “dân vận khéo” để chỉ đạo là gợi mở những vấn đề nổi cộm mà địa phương, đơn vị cần giải quyết để cơ sở tự nguyện đăng ký; quá trình thực hiện thường xuyên đôn đốc kiểm tra nhưng không nhất thiết phải gò ép cứng nhắc. Ngoài các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, cuối năm, Ban Dân vận huyện sẽ kiểm tra thẩm định, đạt yêu cầu thì mới công nhận. Đây là lý do hàng năm huyện có rất nhiều mô hình đăng ký nhưng chỉ những mô hình mang lại hiệu quả, thực chất thì mới được công nhận, biểu dương làm cơ sở để nhân rộng.
 
Bài, ảnh: Nguyễn Hải