(Baonghean) - Cuộc gặp gỡ với ông Lầu Chống Tủa sẽ khiến tôi nhớ lâu. Có hai nguyên do: Một là việc tìm gặp được ông quả thật gian nan, đường sá gập ghềnh đèo dốc hun hút quấn lên đỉnh Trường Sơn. Thứ hai, là bởi khí chất người đàn ông người Mông này thật cuối hút...
 
Trại lớn giữa đại ngàn
 
Con đường dài 9km từ điểm cuối cùng của Quốc lộ 7A ngay Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn vào trang trại của ông Chống Tủa quả thật gian truân. Phải vất vả lắm tôi mới điều khiển được chiếc xe máy khỏi sa xuống những rãnh đất chi chít được tạo bởi sự cày xới của nước mưa. Dù leo dốc hay trượt dốc đường đều lởm chởm đá lớn đá nhỏ. Khi dừng xe, đôi bàn tay cầm lái của tôi tưởng như đã có thể rời khỏi cổ tay. “Đến nơi rồi đây!” - anh cán bộ Văn phòng xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) bảo với chúng tôi rằng trước mắt là trang trại của ông Lầu Chống Tủa, trú bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). 
images1383776_l_u_ch_ng_t_a_v__d_n_b_.jpgÔng Lầu chống Tủa chăm sóc đàn bò.
Ấy vậy mà anh chàng người Mông bạn đường của tôi vẫn tỉnh như sáo giới thiệu khách với chủ. Người tôi muốn gặp đây rồi. Năm nay 65 tuổi, nhưng ông Lầu Chống Tủa còn tráng kiện lắm. Dáng người nhỏ, săn chắc, đi lại, nói năng và làm lụng đều linh lợi, dễ thanh niên khó bì kịp. Hiện ông quản lý một trang trại kinh tế tổng hợp lớn bậc nhất huyện rẻo cao Kỳ Sơn rộng đến vài chục héc-ta. Trong trang trại nằm chót vót trên dãy Trường Sơn này từ trâu, bò, gà, lợn, dê, chó, gà gô cho đến lúa ngô, khoai sắn, cây lấy gỗ rừng, gỗ nhà, cây ăn quả.... đều có cả.
 
Trời đã non trưa cũng là lúc đàn bò về ăn muối, một thói quen được ông Tủa tập cho, là cách để ông “điểm danh”, kiểm tra lũ bò hàng ngày. Nghe tiếng ông gọi, chưa đầy 10 phút sau mấy chục con bò đã chen chúc về chờ. Vừa tung muối cho đàn bò, ông Chống Tủa vừa “khoe” năm vừa rồi bán được gần chục con bò đực, còn năm 2013 bán 30 con bò cái. Số lượng đàn bò trong trang trại của ông có thời điểm lên đến hơn 100 con. Bò đực, bò cái được khoanh nuôi riêng ở 2 lô rừng khác nhau, chỉ khi có con cái động dục mới chọn con đực phối giống. Đây là kinh nghiệm chăn nuôi của người Mông để đảm bảo sự thuần chủng của giống bò... 
 
“Có đi thăm rẫy ngô với ao cá của nhà ta không?” - Lầu Chống Tủa đề nghị rồi nhanh nhẹn dẫn khách băng qua một ngọn đồi nhỏ. Trước mắt chúng tôi là vùng trồng ngô ngút tầm mắt trải suốt 3 trái núi. Ông cho biết trong năm 2014 gia đình bán ra được 30 tấn ngô. Năm 2015 này có thể sản lượng sẽ thấp hơn nhiều vì hạn hán kéo dài, nhưng “cũng không đến nỗi mất trắng như nhiều nơi khác”. Ông chỉ tay về phía cái ao cá mà ông ngăn suối tạo thành cách đây mấy năm. Ao cá đấy cũng là nguồn nước tưới ngô. Những ngày nắng hạn, hàng ngày vào buổi sáng sớm và chiều tối ông đều dùng máy nổ bơm nước tưới cho rẫy ngô. Vì vậy dù nắng hạn nhưng rẫy ngô của ông vẫn phát triển khá tốt. “Bây giờ mọi cái đều dùng máy móc cả” - ông Tủa giảng giải rồi kể về công việc của bản thân và gia đình.
 
Nếu tính cả hai người già đều đã ngoài tuổi 60, thì hiện cả nhà có 4 lao động. Ngoài vợ chồng ông còn có đứa con trai con út và cô vợ mới cưới. Sau mấy năm học hành ở Hà Nội, cảm thấy chỉ hợp với nương rừng nên anh con trai út quyết định về nhà cưới vợ để đỡ đần cha mẹ làm trang trại. Chỉ ngần ấy người mà với cái tay, cái chân thì không thể làm xuể việc. Từ phát quang, tưới nước đến vận chuyển nông sản đều phải nhờ vào cơ giới. Nhìn những chiếc xe máy chở theo người và nông sản leo dốc phăm phăm mới biết rằng không chỉ riêng gì gia đình ông Chống Tủa mà với những người Mông vùng biên viễn Nậm Cắn, chiếc xe máy đã trở thành “ngựa thồ” thực sự. Khi cần, ô tô tải cũng có thể trở thành “voi thồ” vào đến tận gần rẫy ngô của nhà ông Chống Tủa.
 
Đang mải chuyện trên rẫy ngô vừa lúc anh con trai lùa bầy dê đi qua. Ông Chống Tủa giải thích rằng, với giống vật nuôi này thì không thể chăn thả mà phải nuôi nhốt. Nếu để xổng ra thì chỉ sau một loáng, rẫy ngô sẽ chỉ còn trơ gốc. Dẫu vậy thì dê vẫn là vật nuôi đang mang lại thu nhập khá vì trên thị trường hiện nay đang rất ưa chuộng. Ngoài đàn dê, ông Chống Tủa còn có một đàn lợn đen mỗi năm bán ra được khoảng 1 tạ lợn thịt, thu về khoảng hơn 10 triệu đồng. Tính tất cả các nguồn thu nhập từ trang trại, hàng năm gia đình ông Lầu Chống Tủa cũng có tổng thu nhập trên 150 triệu đồng.
 
Khát vọng “vua bò”
 
Khi đã yên vị trong căn lán nhỏ giữa rừng già chờ cô con dâu của ông Chống Tủa nấu bữa trưa, chúng tôi tranh thủ nghe ông kể về những ngày đầu vào đây lập trang trại. Đó là vào năm 1976, khi ấy Lầu Chống Tủa đã nghỉ làm cán bộ bản và xã, ông quyết định vào rừng chăn nuôi, làm rẫy. Nơi ông dừng chân tại nơi trước kia vốn là một bản người Mông. Người ta đã chuyển đến nơi khác ở cách đó gần 20 năm. “Khi đó ở đây chỉ toàn cỏ lau thôi” - ông Tủa  khoát tay thành một vòng rộng và cho biết thế. Nước uống phải đi xa gùi về mới có. Rồi ông nghe đài thấy bảo trồng cây sẽ giữ được nguồn nước. Thế là trong những chuyến đi rừng, thấy cây nào có thể ăn quả, làm rau ăn hay thứ gỗ tốt ông đều tìm bứng cây con về trồng. Trong khu rừng trồng ven lán giờ đã có nhiều thứ cây ăn quả và cả những cây gỗ quý như sa mu, pơ mu. Điều quan trọng nhất những thứ cây trồng này đã mang nguồn nước trở về đủ để phục vụ cho cả trang trại.
 
Không ít người gặp vô vàn khó khăn khi lập trang trại và Lầu Chống Tủa cũng không phải ngoại lệ. Sau nhiều năm loay hoay chẳng biết nên chọn mô hình nào cho phù hợp, nuôi làm sao cho đàn bò chóng lớn lại không bị dịch bệnh, ông lặn lội sang Lào, xuống tận huyện Đô Lương để học hỏi kinh nghiệm từ những chủ trang trại có tiếng. Sau nhiều năm ông nhận thấy giống bò sừng dài có nguồn gốc từ Lào là phù hợp với khí hậu khắc nghiệt của vùng biên giới Nậm Cắn. Những chuyến đi xuống Đô Lương, xuống TP. Vinh giúp ông về kỹ thuật thú y, cách bố trí chuồng trại hợp lý, cách tận dụng phân trâu, bò để bón bón, cách dùng thuốc diệt cỏ, dùng máy bơm tưới nước, máy phát quang. Dù đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, nhưng hễ huyện, xã tổ chức tập huấn nông nghiệp ông đều không bỏ sót. Ông còn tham gia những lớp tập huấn cách xa hàng trăm cây số dưới huyện Con Cuông.
 
Dù dạn dày kinh nghiệm, nhưng cũng có lúc thất bại. Ngoài những lần dịch bệnh làm chết dăm, bảy con bò, thì có một bài học mà ông Chống Tủa phải ghi nhớ cả đời, đó là khi trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải nghiên cứu kỹ xem có phù hợp với vùng khí hậu khắc nghiệt như Nậm Cắn? Vì chủ quan, nên cách đây ít năm ông thua lỗ khoảng 100 triệu đồng khi đầu tư trồng keo. Cây keo vốn không chịu được nhiệt độ thấp cũng như khí hậu nơi có độ cao trên 1500m như trang trại của ông, nên đã chết hàng loạt. 
 
“Bác Hồ dạy rồi, bại không nản” - ông Chống Tủa lại tiếp tục câu chuyện -  “Không trồng được keo ta phải nghĩ trồng cây khác. Ta đang nghiên cứu xem ngoài cây rừng ra thì còn có cây nào đó phù hợp với đất ở đây không?” Rồi ông tự tin khẳng định: “Phải có chứ”. 
 
Lão nông Lầu Chống Tủa chợt trầm ngâm, rồi nói: Thật ra thì bố cũng muốn đầu tư riêng cho chăn nuôi thôi. Bây giờ sức yếu rồi không phải cái gì cũng kham được. Phải chuyên môn hóa thôi!...”.
 
Nói rồi lão nông Lầu Chống Tủa lại khoát tay: “Nếu chỉ chuyên nuôi bò thì chỗ đất này có thể nuôi bốn, năm trăm con. Nếu trồng cỏ thì đủ cho cả nghìn con. Được thế, lúc đó bố sẽ thành “vua bò” ở miền núi cao này”. Thế nhưng với ông lúc này thì lực vẫn chưa tòng tâm. Theo tính toán của ông, để làm được điều này phải tiếp cận được một nguồn vốn vay từ 100 triệu đồng trở lên cộng với số vốn gia đình hiện có mới có thể thực hiện niềm mơ ước...
 
Thế mới biết với Lầu Chống Tủa, khát vọng làm giàu vốn không có tuổi. Quan trọng là phải có một ý tưởng khả thi và cả một niềm mơ ước. Ví như mơ ước trờ thành “vua bò” nơi sơn cước chẳng hạn. Nhìn ông Chống Tủa giữa đàn bò chen chúc theo ông giữa đỉnh đại ngàn Trường Sơn, tôi lại nhớ đến hình ảnh anh Hồ Giáo được học trên sách giáo khoa hồi phổ thông. Mọi sự so sánh có thể sẽ khập khiễng, nhưng với tôi, ông già Lầu Chống Tủa là một ấn tượng lớn về ý chí làm ăn giữa núi rừng biên cương... 
 
HỮU VI