Đây là cơn bão đầu tiên từ đầu mùa mưa bão năm nay ảnh hưởng trực tiếp vào nước ta.  

Sáng 23/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, bàn việc  triển khai các biện pháp đối phó cơn bão số 4.

Tính đến sáng nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 nên nhiều khu vực ở đất liền đã xuất hiện mưa vừa đến rất to. Các địa phương tiếp giáp khu vực vịnh Bắc bộ đã thực hiện nghiêm lệnh cấm biển đối với các tàu cá và tàu du lịch.
 
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo biên phòng tuyến biển các tỉnh triển khai công tác phòng chống bão số 4, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng và các lực lượng thông báo, hướng dẫn hơn 48.000 tàu với hơn 186.000 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó đáng lưu ý có 8239 tàu, lồng bè đang hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc Quảng Ninh, Hải Phòng. Hiện nay, 165 tàu đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các tỉnh Quảng Ninh đến Thanh Hóa khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Các Bộ Giao thông Vận tải, Công thương; Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương bố trí phương tiện máy móc kịp thời sửa chữa sự cố sạt lở trên các tuyến quốc lộ; yêu cầu các nhà máy thủy điện vận hành an toàn hồ chứa, khu vực mỏ than bãi thải, có phương án đảm bảo an toàn cho các du khách trên biển.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Các vùng núi phía Bắc chủ động di dời, sơ tán người dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở, các tỉnh phía trong khẩn trương kêu gọi tàu thuyền di dời xuống khu vực biển phía Nam. Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt để kịp thời kêu gọi tàu thuyền vào bờ, thực hiện nghiêm những trường hợp cố tình không vào bờ”.

Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 4, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu các tỉnh, thành phố đang có tàu hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định) theo dõi chặt chẽ, giữ thông tin liên lạc, hướng dẫn tàu di chuyển về đất liền hoặc thoát ra khỏi khu vực ảnh hưởng của bão. Đặc biệt là các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tàu đánh cá ven bờ, tàu du lịch và sẵn sàng đối phó với bão di chuyển vào vịnh Bắc Bộ; kiểm tra, rà soát các công trình ven biển, nhất là các công trình đang thi công, công trình đê điều, hồ đập, hầm lò, bến cảng có phương án đối phó với bão.

Các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Bắc Bộ cần đề phòng  mưa lớn, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa, các khu vực khai thác khoáng sản, các khu dân cư cơ nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, khách tại các khu du lịch. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng chủ động tiêu nước đệm, tránh ngập úng./.


Theo (vov.vn) - L.T