Sau gần 4 tháng tích cực triển khai xây dựng, các nghệ nhân đến từ làng Chàng Sơn và Sài Sơn (Hà Nội) đã hoàn thành thủy đình, một công trình kiến trúc đặc sắc vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Đây là công trình kiến trúc dân gian độc đáo, được mô phỏng theo kiến trúc thủy đình chùa Thầy - kiểu kiến trúc thủy đình cổ nhất còn lại ở Việt Nam được xây dựng vào thời Hậu Lê, có thêm hai nhà nanh bên cạnh là nơi các nghệ nhân đứng biểu diễn các tiết mục rối dây và nhà nhạc công, nơi ngồi biểu diễn của dàn nhạc.
Thủy đình là điểm kết nối các phường rối nước dân gian đến biểu diễn, để bảo tồn một loại hình văn hóa độc đáo do người nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ sáng tạo nên.
Việc xây dựng thủy đình là cơ hội giúp các phường rối nước được phục hồi, duy trì sự sáng tạo, tạo điều kiện cho các nghệ nhân có điều kiện được biểu diễn thường xuyên, ổn định và nâng cao chất lượng các buổi diễn.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Bá Thắng, Phó phường rối nước Nguyên Xá, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình bày tỏ mong muốn Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tiếp tục làm cầu nối để các phường rối có cơ hội được làm việc, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng phục vụ công chúng.
Cùng với việc khánh thành nhà thủy đình mới, chương trình diễn rối nước của 16 phường rối nước dân gian sẽ được khởi động lại tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần.
Theo Tintuc