Sáng 9/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 36 đánh giá tiến độ chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội vào tháng 3/2015 và cho ý kiến về một số dự thảo luật, Nghị quyết dự kiến sẽ trình Kỳ họp Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới. 

images1138538_uyban__1_.jpgChủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong thời gian hơn 1 tuần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng, trong đó, gấp rút nhất là xem xét tình hình và tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị IPU-132. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, IPU -132 tại Hà Nội chứa đựng những thông điệp quan trọng về hòa bình, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Sự kiện ngoại giao hàng đầu này cũng hứa hẹn là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện đến bạn bè quốc tế; giới thiệu hình ảnh Quốc hội Việt Nam năng động, đổi mới. 

Bên cạnh đó, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến vào 8 dự thảo luật, Nghị quyết và một số dự án đầu tư hạ tầng cơ sở; điều chỉnh một số đơn vị hành chính và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. 

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về các nội dung, đảm bảo cho hiệu quả của Phiên họp. 

* Chủ động các phương án lễ tân, đối ngoại 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng, IPU-132 dự kiến có tới 67 cuộc họp, 66 cuộc tiếp xúc song phương. Đến nay, đã có 126 đoàn đăng ký tham gia; trong đó, Nghị viện thành viên có 97 đoàn, Quan sát viên 17 đoàn, thành viên liên kết 4 đoàn, khách mời IPU 8 đoàn. Cũng trong số này, có 34 Chủ tịch Nghị viện/Quốc hội, 31 Phó Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện và 2 Chủ tịch thành viên liên kết đăng ký sẽ tham dự. Dự kiến thành phần đoàn đại biểu Việt Nam tham dự tại các điễn dàn của IPU-132 gồm 12 đại biểu Quốc hội đại diện cho quốc gia chủ nhà tham gia và phát biểu tại 15 diễn đàn của Đại hội đồng. 

Theo Báo cáo của Ban tổ chức IPU-132, từ Phiên họp thứ 34 đến nay, công tác chuẩn bị và tổ chức IPU-132 tập trung vào việc hoàn thiện, phê duyệt và bước đầu triển khai cụ thể các đề án. Trong giai đoạn tiếp theo, trọng tâm công việc là tiếp tục triển khai các đề án đồng thời tổ chức diễn tập và tổng duyệt toàn bộ các hợp phần của sự kiện, trong đó, chú trọng các sự kiện do Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì. 

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các thành viên Ban Chỉ đạo Cấp Nhà nước về IPU-132 cho rằng Đại hội đồng IPU-132 là sự kiện đối ngoại lớn nhất của đất nước ta từ trước tới nay về quy mô, số lượng đại biểu quốc tế tham dự, do đó, công tác chuẩn bị cần đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực an ninh, an toàn, đảm bảo cho thành công của sự kiện. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã xem xét những vấn đề cụ thể, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác chuẩn bị sự kiện ngoại giao nghị viện đặc biệt quan trọng này, phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước với vai trò của nước chủ nhà. 

* Tạo dấu ấn Việt Nam trong IPU-132

Trong các nội dung nghị sự, đáng chú ý, đoàn Việt Nam sẽ tham gia bàn thảo về một số lĩnh vực như: Chiến tranh mạng: Mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới; định hướng cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về nước; hoàn chỉnh luật pháp quốc tế về chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người; Công ước về quyền trẻ em, vai trò của Quốc hội trong việc giải quyết những thách thức nhằm đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, dân chủ trong kỷ nguyên kỹ thuật số và sự đe dọa quyền riêng tư, các quyền tự do cá nhân cơ bản. 

Hiện, các đơn vị liên quan đang gấp rút dự thảo các nội dung nghị sự trên cơ sở phối hợp với Ban Thư ký IPU; hoàn thành các đề án lễ tân – sự kiện; kết hợp chặt chẽ với các nội dung Hội nghị của Hiệp hội các Tổng thư ký Nghị viện (ASGP) với chủ đề “Tìm kiếm mô hình giúp cơ quan giúp việc Nghị viện hoạt động hiệu quả”; Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị Nữ Nghị sĩ và thảo luận các nội dung tổng kết 20 năm thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh về quyền Phụ nữ. Dự kiến, ngày 15/3 tới sẽ tổ chức tổng duyệt Lễ Khai mạc IPU-132 tại Nhà Quốc hội. 

Cho ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ bản đạt tiến độ tốt, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng. Để đảm bảo thành công của IPU-132, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các Tiểu ban phối hợp chặt chẽ, khẩn trương với Ban Thư ký IPU để làm tốt các khâu chuẩn bị nội dung, từ đó lên phương án tốt về an ninh, hậu cần, ngoại giao. Từng cơ quan, bộ ngành, địa phương dự tính kỹ các tình huống có thể phát sinh trong quá trình IPU-132 để chủ động ứng phó. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất, đảm bảo thành công của IPU–132 là nội dung nghị sự, phía Việt Nam phải tham gia tích cực trong quá trình chuẩn bị của Ban Thư ký IPU; đảm bảo chuẩn bị tốt dự thảo Tuyên bố Hà Nội, khẳng định vai trò, vị trí của đất nước, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong sự kiện đối ngoại này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu Tiểu ban nội dung đảm bảo tốt nội dung tham gia vào các nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua tại các tiểu ban chuyên đề của Đại hội đồng, thể hiện quan điểm, lập trường yêu chuộng hòa bình, vì quyền con người, dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển bền vững của nhân dân Việt Nam.

Theo TTXVN