(Baonghean) - Hàng năm, vào ngày 19, 20 tháng Giêng (âm lịch), nhân dân huyện Đô Lương và các vùng lân cận lại nô nức trẩy hội Đền Quả Sơn – lễ hội truyền thống tưởng nhớ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Đền Quả Sơn được xếp thứ hai trong 4 ngôi đền có tiếng linh thiêng nhất xứ Nghệ “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đền được nhân dân xây dựng dưới chân núi Quả tại làng Miếu Đường, xã Bạch Đường, huyện Nam Đường (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương). Đền là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang người có công lao to lớn xây dựng quê hương xứ Nghệ và mở mang, bảo vệ bờ cõi cho quốc gia và trở thành Tri châu Nghệ An. Theo sử cũ và thần tích đền Quả Sơn cho biết: Lý Nhật Quang là con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Năm 1039, ông được triều đình cử vào Nghệ An lo việc thu thuế. Đến tháng 11/1041, triều đình xuống chiếu cho Uy Minh Vương làm Tri châu Nghệ An. Trong quá trình thay vua trị vì xứ Nghệ, ông đã có nhiều chủ trương, chính sách cải cách phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, giữ vững trật tự an ninh, thu phục nhân tâm... biến vùng biên viễn rộng lớn phía Nam của đất nước thành một căn cứ địa vững chắc, phồn vinh, hậu thuẫn cho nhiều triều đại về sau.
Để tưởng nhớ vị Tri châu đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, ngoài đền thờ chính đặt tại núi Quả (xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) người dân xứ Nghệ đã lập nhiều đền đài, miếu mạo để thờ tự và đời đời ghi nhớ công ơn của ông. Tác giả cuốn "Việt điện u linh tập" đã khẳng định Ngài "là phúc thần của cả châu". Hiện nay, trên đất Nghệ Tĩnh có trên 30 điểm lập đền thờ Lý Nhật Quang làm Thành hoàng. Trải qua các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã được gia phong nhiều tước hiệu cao quý. Bên cạnh việc xây dựng, tôn tạo đền và tổ chức tế tự chu đáo, từ lâu nhân dân trong vùng đã tổ chức Lễ hội Đền Quả Sơn rất linh đình và trọng thể. Lúc đầu lễ hội được tổ chức hàng năm, về sau người dân trong xã thấy cần phải chuẩn bị thật chu đáo để tăng thêm phần trọng thể nên đã tổ chức đều kỳ: 3 năm 2 lần.
Cũng có thể gọi đây là Lễ hội mừng Xuân, nhân dân trong vùng thay mặt cho nhân dân xứ Nghệ bày tỏ tấm lòng tri ân đối với vị anh hùng thời dựng nước, Thành hoàng của xứ, đồng thời cũng là dịp đón Xuân bằng tinh thần thượng võ và những trò chơi dân gian truyền thống. Ngày 12/2/1998, Bộ VHTT đã ra quyết định công nhận đền Quả Sơn là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Từ năm 1998, Lễ hội Đền Quả Sơn được phục hồi, tổ chức với quy mô ngày càng lớn. Mỗi kỳ lễ hội đã thu hút hàng vạn người dân trong vùng và khách thập phương tham dự. Việc phục hồi, tổ chức Lễ hội Đền Quả Sơn đã thể hiện một cách sâu sắc đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", khơi dậy tinh thần thượng võ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và con em quê hương đang sinh sống ở mọi miền của Tổ quốc. Đây cũng là dịp để nhân dân vui chơi, giải trí, mở rộng giao lưu và thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Đến với Lễ hội Đền Quả Sơn, mỗi người sẽ cảm nhận được những nét rất riêng của không gian lễ hội, cái linh thiêng, long trọng của phần lễ, cái hấp dẫn, náo nhiệt của phần hội mang đặc trưng của vùng đất “địa linh” một thời.
Chưa đến ngày lễ hội nhưng những ngày sau Tết Nguyên đán, nhân dân khắp nơi trong vùng, trong tỉnh đã tìm về đền Quả Sơn để cầu an, cầu lộc, cầu tài. Ông Nguyễn Minh Hạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Được sự nhất trí của Sở VH-TT-DL và sự đồng ý của Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương, Lễ hội Đền Quả Sơn 2014 sẽ do UBND huyện Đô Lương chỉ đạo, tổ chức với sự tham dự trực tiếp của các xã Bồi Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bắc Sơn, Tràng Sơn, Đặng Sơn và nhiều lực lượng khác trong toàn huyện. Bắt đầu từ ngày 16 tháng Giêng (âm lịch), các hoạt động thể thao, văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống, khai trương các gian hàng sản phẩm đặc sản của Đô Lương… được tổ chức tại khuôn viên của đền.
Tối 19 tháng Giêng, Hội diễn văn nghệ chào mừng Lễ hội và sau đó vào lúc 22 giờ, Lễ cáo yết được tổ chức tại đền Quả Sơn và chùa Bà Bụt. Đặc biệt năm nay lễ hội sẽ tổ chức thả đèn hoa đăng trên sông Lam trước cổng đền. Lễ rước thần chính thức được bắt đầu từ 6 giờ ngày 20 tháng Giêng (âm lịch). Đầu tiên là Lễ xuất thần; tân lễ; lộn quân thủy bộ; sau đó là lễ rước với 2 cánh quân thủy, bộ. Cứ hai năm, Lễ hội Đền Quả Sơn sẽ tổ chức rước bộ, rước thủy một lần. Lễ hội năm 2014 cũng đúng vào dịp huyện tổ chức rước long ngai bài vị Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đồng thời dưới thuyền và trên bộ. Nét đặc sắc trong lễ rước bộ tại đền Quả Sơn đó là đoàn rước sẽ đi qua 5 làng nằm trong xã Bạch Ngọc (gồm làng Nhân Bồi, Tập Phúc, Phúc Hậu, Nhân Trung, Trạc Thanh và Phúc Yên). Mỗi lần đi qua các làng đoàn rước sẽ dừng lại làm lễ bái hạ để nhân dân có dịp mời Uy Minh Vương Lý Nhật Quang vào thăm làng, cũng là dịp để nhân dân bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ, tri ân đối với Đức Thánh. Lễ tạ ơn ở chùa Bà Bụt với phần cổ lễ mang ý nghĩa tạ ơn. Cuối cùng là lễ rước kiệu Đức Thánh hồi cung trở về và lễ yên vị, kết thúc lễ hội.
Đặc biệt năm nay, để phục vụ cho lễ hội năm 2014 và những năm tiếp theo, huyện Đô Lương đã đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng bến đua thuyền đền Quả Sơn. Công trình do Công ty cổ phần xây dựng Hồng Trường đảm nhận thi công dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào dịp Lễ hội Đền Quả Sơn năm nay. Được biết, đua thuyền là một trong các hoạt động đặc sắc của Lễ hội Đền Quả Sơn được tổ chức hàng năm vào các ngày từ 18 đến 20 tháng Giêng, các thuyền đua xuất phát tại bến đò bên bờ sông Lam trước cổng đền Quả Sơn. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng nhằm phục vụ đua thuyền truyền thống và Lễ hội Đền Quả Sơn đồng thời có tác dụng chống sạt lở, tạo cảnh quan sạch, đẹp cho khu vực bờ sông Lam tại đền Quả Sơn.
Mong muốn của chính quyền địa phương, nhân dân trong huyện là Lễ hội Đền Quả Sơn sẽ trở thành lễ hội cấp tỉnh để xứng tầm với công lao của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Bài, ảnh: Thanh Thủy