(Baonghean) - Việc ban hành các văn bản QPPL đúng pháp luật và đi vào cuộc sống có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, thông qua giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL ở một số ngành cấp tỉnh, một số địa phương của HĐND tỉnh cho thấy vẫn còn một số bất cập, hạn chế…

Tính từ 1/1/2012 đến 30/6/2013, toàn tỉnh ban hành 9.081 văn bản QPPL, trong đó cấp tỉnh có 236 văn bản; cấp huyện 910 văn bản; cấp xã 7.935 văn bản. Nhìn chung, chất lượng ban hành văn bản QPPL đã được nâng lên. Tuy nhiên, xét ở góc độ chất lượng, tính thực tiễn thì vẫn có những văn bản còn hạn chế, thậm chí chưa thể tổ chức thực hiện được. Đơn cử Quyết định số 15/2013/QĐ.UB, ngày 25/2/2013 của UBND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở; mặc dù quyết định ban hành từ đầu năm 2013 nhưng đến nay chưa triển khai được vì không có nguồn lực để thực hiện.
 
Bên cạnh đó có một số chủ trương, chính sách như dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn chỉ phù hợp với huyện đồng bằng, trung du nhưng không phù hợp với các huyện miền núi, huyện 30a như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong với địa hình dốc, quỹ đất sản xuất nông nghiệp hạn chế. Văn bản quy định của tỉnh không thể áp dụng ở một số địa phương, trong khi đó các huyện cũng không quan tâm để xây dựng ban hành cơ chế, chính sách riêng cho mình. Ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn lý giải, do không có nguồn lực để triển khai nên huyện đang tính lại bài toán trước khi ban hành phải có cơ chế chính sách phù hợp cho riêng mình. 
 
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên do đội ngũ tham mưu xây dựng ban hành văn bản QPPL mỏng, yếu về chuyên môn. Mặt khác, hầu hết các sở, ngành chưa có bộ phận tư pháp nên thông thường khi xây dựng một văn bản thuộc lĩnh vực chuyên môn nào thì giao cho phòng chuyên môn đó xây dựng. Thậm chí một số huyện do chưa phân định rõ văn bản cá biệt và văn bản mang tính quy phạm nên một số văn bản không thông qua phòng Tư pháp thẩm định dẫn đến có những sai sót về mặt quy trình, thể thức văn bản.
 
Ở một số huyện Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn, Thị xã Cửa Lò ít gửi văn bản do cấp mình ban hành về Sở Tư pháp để kiểm tra nên không thể kết luận chất lượng. Ở cấp xã, việc gửi văn bản lên phòng Tư pháp hoặc Thường trực HĐND huyện để thẩm định, kiểm tra đang theo kiểu “được chăng hay chớ”. Tình trạng này dẫn đến có một số xã hay thôn bản có những quy định trái pháp luật nhưng chậm bị phát hiện để hủy bỏ như văn bản đồng ý việc dựng các barie để thu phí đối với người hoặc xe cộ vào các vùng khai thác khoáng sản ở các xã miền núi hoặc phạt hành chính, thu phí để khai thác tài nguyên kiểu thổ phỉ không giấy phép… 
 
Ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng: “Trên cơ sở kiểm tra của ngành Tư pháp cũng như giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, tỉnh sẽ có đề xuất với Trung ương tháo gỡ một số vướng mắc về cơ chế, nhất là cơ chế xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người và cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật. Về phía tỉnh, mặc dù công tác xây dựng, ban hành và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã có bước tiến dài nhưng phải tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc để có chuyển biến vững chắc hơn”. 
 
Một trong những giải pháp then chốt là cần nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, nhất là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương về công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL. Chỉ có nâng cao nhận thức và trách nhiệm người đứng đầu thì công tác xây dựng văn bản QPPL mới được quan tâm đúng mức. Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường giám sát các văn bản do cấp mình ban hành, HĐND tỉnh sẽ đôn đốc cấp huyện thường xuyên kiểm tra cấp cơ sở; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo để cấp trên rà soát, kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai sót và văn bản không còn phù hợp.
 
Hà Phương