(Baonghean) - Đứng trước vành móng ngựa, tên giết người khóc nức nở, run bần bật, mong tòa giảm tội. Ở dưới, phụ huynh của bị cáo lẫn bị hại đều không cầm được nước mắt, một người khóc vì quá thương con, một người khóc trong sự hối hận vì đã không quan tâm, dạy bảo con cái kịp thời.
Hà Văn Hiếu sinh năm 1992 trong một gia đình nghèo ở bản Sỏi, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp. Nghỉ học sớm, Hiếu suốt ngày đi theo đám thanh niên chơi bời lêu lổng. Đã nhiều lần, ông Thức, bà Liễu, bố mẹ Hiếu nhắc nhở, khuyên bảo con đừng ham chơi, cố gắng học một nghề gì đó để sau này đỡ khổ, nhưng Hiếu vẫn bỏ ngoài tai, không lo tu chí. Sau nhiều lần khuyên bảo con không được, ông Thức – bà Liễu đành bất lực, phó mặc con muốn làm gì thì làm…
Vào một chiều cuối tháng 11/2012, bản Sỏi xảy ra một vụ án động trời. Hôm đó, khi mọi người đang sửa soạn bữa cơm tối thì nhận được thông tin cháu N. (13 tuổi) mất tích trong lúc đi tìm trâu. Kẻ đoán già, người đoán non rằng cháu bị kẻ xấu bắt cóc hay bị sỉa chân xuống khe suối. Mọi người trong bản túa đi tìm. Đến tối, mọi người bàng hoàng khi thấy cháu N. chết bên bờ ruộng mía, cổ có một vết bầm tím, cạnh đó, đôi dép của cháu bị kẻ xấu vứt vào bụi tre. Sự việc được nhanh chóng báo với cơ quan công an. Hàng trăm người dân trong bản đã thức trắng đêm quanh vườn mía, theo dõi cơ quan công an làm thủ tục khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Có mặt trong đám đông đó, Hà Văn Hiếu nén sợ hãi, làm ra vẻ bình tĩnh, cố gắng theo dõi tình hình. Đến khuya, khi bố mẹ gọi về nhà ngủ, Hiếu mới miễn cưỡng quay về. Suốt đường về, mắt hắn dáo dác nhìn trước ngó sau như lo lắng, sợ hãi một điều gì đó.
Cái chết của cháu N. khiến người dân trong bản hoang mang. Lực lượng công an nhanh chóng vào cuộc, khoanh vùng đối tượng. Mọi nghi vấn đặt vào Hà Văn Hiếu. Đến buổi chiều hôm sau, biết không thể che dấu được hành vi phạm tội của mình, Hiếu tìm đến cơ quan công an đầu thú, lúc này, tên giết người mới lộ rõ vẻ hoảng loạn, trái ngược hoàn toàn với ánh mắt lạnh tanh của hắn trước đó một ngày.
Theo lời khai, buổi chiều hôm đó, Hiếu ngồi chơi bên ruộng mía của gia đình thì gặp cháu N. hớt hải, lo lắng chạy đi tìm trâu. Sau khi N. hỏi Hiếu về con trâu của nhà mình, Hiếu bảo rằng “Đi chăn trâu mà để trâu tìm người” và buông lời trêu ghẹo. Thấy vậy, bé N. cầm sẵn một chiếc roi nhỏ trong tay vừa chạy vừa ngăn không cho Hiếu tiếp cận mình. Hiếu cũng tìm một cành cây nhỏ làm roi, đứng ngăn lại không cho bé gái chạy đi tìm trâu. Bị Hiếu ngăn cản, N. nói: “Tránh ra để đi tìm trâu” rồi bỏ chạy, Hiếu đuổi theo sau. Được một đoạn thì N. vấp ngã, nằm sấp xuống đất. Hiếu chạy đến thì thấy N. đang lên cơn co giật, sùi bọt mép… Lúc này, Hiếu nghe thấy tiếng người khác đang gọi N. thông báo đã tìm thấy trâu của gia đình. Lo sợ sau khi trở về nhà, N. sẽ kể lại với bố mẹ việc bị đuổi và vấp ngã, Hiếu quyết định thủ tiêu nạn nhân. Nghĩ là làm, Hiếu dùng tay bóp cổ N. cho đến chết, sau đó bế nạn nhân vào vườn mía cách đó một đoạn, vứt dép, dây buộc tóc vào bụi rồi bỏ về…
Gần một năm sau khi vụ án xảy ra, phiên tòa sơ thẩm được mở. Từ mờ sáng, anh Vi Văn Tiến, bố cháu N. và ông Thức, bà Liễu cùng nhau bắt xe đò xuống Thành phố Vinh dự phiên tòa. Khi mới xảy ra vụ giết người, ông Tiến không thèm nhìn mặt gia đình kẻ thù. Ông Thức, bà Liễu rất khổ tâm nhưng không biết phải làm thế nào, sau khi bán được con bò, họ mang 20 triệu đồng đến nhà anh Tiến với mong muốn bù lấp phần nào đau thương mất mát. Sau đó, mang thêm một con lợn để gia đình làm vía cho người xấu số.
Tại phiên tòa, cả anh Tiến lẫn vợ chồng ông Thức đều nhìn chằm chằm vào vành móng ngựa, nơi Hà Văn Hiếu đang khúm núm, trả lời từng câu hỏi của hội đồng xét xử và vị luật sư. Trong khi anh Tiến trào lên nỗi thương con, căm giận trước lời khai của tên giết người thì vợ chồng ông Thức ngồi lặng đi, nước mắt chảy ròng, tự trách mình đã không giáo dục con đến nơi đến chốn. “Bị cáo biết lỗi rồi, chỉ vì không lo học hành, không nghe lời bố mẹ và thiếu suy nghĩ mà bị cáo đã gây ra tội giết người. Mong tòa giảm nhẹ tội để bị cáo được sớm trở về, làm người có ích, trả nghĩa cho người đã chết. Bố mẹ ơi con ngàn lần xin lỗi”, Hà Văn Hiếu khóc nức nở khi được nói lời sau cùng.
Trong phiên tòa hôm đó, hội đồng xét xử xác định rằng, vụ án có nhiều tình tiết phức tạp. Ngoài hành vi giết người, Hà Văn Hiếu còn có dấu hiệu xâm hại bé gái và quyết định tách vụ án hiếp dâm ra để cơ quan điều tra hoàn thiện, bổ sung hồ sơ, xét xử riêng. Hành vi của Hiếu là đặc biệt nghiêm trọng, cần phải xét xử nghiêm minh.
Sau khi tuyên án 19 năm tù cho kẻ giết người, vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh rằng, lâu nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra nhiều vụ án giết người nguy hiểm. Hung thủ còn ít tuổi, có trình độ học vấn thấp, nhận thức pháp luật hạn chế, thiếu sự giáo dục, kèm cặp và dạy bảo của gia đình và một phút nông nổi nên đã phải đánh đổi cuộc đời mình với những ngày tháng tù tội. Vụ án giết người của Hà Văn Hiếu là hồi chuông cảnh báo cho không chỉ đối với những thanh niên ăn chơi lêu lổng, không chịu tu chí làm ăn, học tập mà còn là bài học đắt giá cho các bậc phụ huynh, những người làm cha làm mẹ trong cách quản lý và giáo dục con cái, nhất là lứa tuổi vị thành niên.
Nguyên Khoa