(Baonghean) - Tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa tìm được việc làm luôn là vấn đề “nóng” trong các diễn đàn tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh với cử tri. Vậy, đâu là nguyên nhân?

Trường nghề khó tuyển sinh 
 
Trong khi nhu cầu xã hội nói chung và tại các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp đang “khát” nguồn lao động có tay nghề, nhất là lao động nghề bậc cao thì tại nhiều trường nghề trong tỉnh lại rơi vào cảnh tuyển sinh khó khăn. Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Đô Lương, trong 3 năm qua (2012 – 2014) các chỉ tiêu tuyển sinh cơ bản nhà trường không đạt kế hoạch giao hoặc vừa đủ chỉ tiêu. Cụ thể, năm 2012, có 150 chỉ tiêu trung cấp nghề nhưng nhà trường chỉ tuyển được 137 chỉ tiêu, sơ cấp 627/630 chỉ tiêu; năm 2013 tuyển sinh 120/150 chỉ tiêu trung cấp nghề và năm 2014 tuyển 110/120 chỉ tiêu trung cấp nghề. Riêng chỉ tiêu sơ cấp nghề vừa đủ chỉ tiêu với 690/690 (năm 2013) và 505/505 (năm 2014). Không kể, có nhiều học viên, trong quá trình học bỏ giữa chừng. Đơn cử như năm 2011, trường tuyển sinh được 150 chỉ tiêu trung cấp nghề, với thời gian đào tạo 2 năm kết quả tốt nghiệp chỉ có 60 người; năm 2012 tuyển sinh 137 người và sau 2 năm kết quả tốt nghiệp là 104 người. 
images1178357_dsc_1616.jpgGiờ thực hành của học viên Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công - nông nghiệp Yên Thành.
 
Còn Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây (Thị xã Thái Hòa) - trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An, có địa bàn tuyển sinh khá rộng, thế nhưng hàng năm để tuyển đủ chỉ tiêu tỉnh giao, nhà trường cũng khá vất vả với hàng loạt giải pháp được triển khai: về tận các địa phương để vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức, vừa động viên thanh niên đi học nghề. Phối hợp với các trường THPT, THCS ở các huyện, thị xã tổ chức gặp gỡ phụ huynh và học sinh nhằm giới thiệu, hướng nghiệp cho phụ huynh, học sinh. Gắn với đó tổ chức phát phiếu điều tra nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu học nghề trong xã hội, từ đó xây dựng ngành nghề đào tạo, quy mô đào tạo của nhà trường sát với thực tế. Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác cùng với các doanh nghiệp, nhà máy, trang trại trong và ngoài tỉnh để vừa tạo cơ hội cho người học được thực hành, nâng cao kỹ năng, vừa tạo cơ hội việc làm cho người học khi chính các doanh nghiệp, cơ sở này tiếp nhận.
 
Thực tế, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo của nhà trường đạt trên 80% trở lên, trong đó có nhiều ngành nghề hệ trung cấp đảm bảo 100% có việc làm như công nghiệp hàn, công nghiệp ô tô, điện công nghiệp, thú y... Thầy Phạm Nam Hải, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Mặc dù hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đào tạo tỉnh giao, bình quân mỗi năm thu hút 900 học viên, trong đó có khoảng 230 - 260 học viên hệ trung cấp nghề và số còn lại là sơ cấp. Song so với tiềm năng về địa bàn tuyển sinh rộng với hơn 1,1 triệu dân vùng miền Tây Nghệ An, số lao động chưa qua đào tạo nghề trong vùng chiếm tỷ lệ cao, nhất là thanh niên trong đồng bào các dân tộc thiểu số, thì kết quả đó đang rất hạn chế. Không chỉ tuyển sinh khó, mà việc duy trì sĩ số lớp học rất khó khăn…
 
Mới đây,  Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã giám sát về công tác dạy nghề và giải quyết việc làm đã chỉ rõ, các cơ sở đào tạo nghề hiện rất khó tuyển học sinh, tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề trong tỉnh chưa đầy 50%, đặc biệt là lao động có trình độ tay nghề còn khá khiêm tốn so với nhu cầu từ phía các doanh nghiệp. 
 
Nguyên nhân và giải pháp
 
Nguyên nhân chính là do tâm lý sính bằng cấp của phụ huynh, học sinh; công tác hướng nghiệp dạy nghề và vấn đề phân luồng học sinh sau THCS dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận song vẫn còn nhiều hạn chế.
 
Một lý do nữa, yêu cầu đối với các trường dạy nghề là phải đảm bảo 70% dạy kỹ năng nghề, chỉ có 30% lý thuyết, thế nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở phần lớn các cơ sở dạy nghề vừa thiếu, vừa yếu. Thầy Trần Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công - nông nghiệp Yên Thành thừa nhận, cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề cho học sinh chủ yếu được xin từ các cơ sở, xưởng đã thanh lý, có loại ô tô được sản xuất từ năm 1982, trong khi đó thị trường ô tô liên tục thay đổi về chủng loại với thiết kế hiện đại.
 
Cùng quan điểm, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật miền Tây, thầy Phạm Nam Hải, cho biết: “Nghề hàn đang đưa vào ứng dụng công nghệ hàn G6 nhưng nhà trường chưa hề có thiết bị để đào tạo theo yêu cầu của xã hội”. Theo đánh giá từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 64 cơ sở đào tạo nghề nhưng chỉ có 3 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn, gồm Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam- Hàn Quốc, Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng và Trường Cao đẳng nghề Thương mại – Du lịch Nghệ An. Ngoài ra, ở nhiều trường nghề, nhất là các trường nghề đóng ở các huyện chưa có ký túc xá, trong khi đó học sinh học nghề hầu hết đều là con nông dân, hộ nghèo, điều kiện đi lại khó khăn. 
 
Cùng với cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường nghề cũng đang còn những mặt hạn chế. Mặc dù tỉnh đặt ra yêu cầu cho các trường nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo nhưng việc giao định mức biên chế đối với các trường nghề còn thấp, chưa có chính sách thu hút kỹ sư, giáo viên giỏi về các trường nghề. Điều này gây cản trở chính mục tiêu thu hút và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà tỉnh đang đặt ra. Có ý kiến cho rằng, hiện tại trên địa bàn tỉnh có quá nhiều trường nghề, trong khi đó công tác quản lý còn bất cập dẫn đến việc cạnh tranh trong công tác tuyển sinh, trong khi đó nhu cầu người học không nhiều, vừa gây lãng phí và hiệu quả đào tạo không cao. Động lực từ chính sách tiền lương đối với lao động làm thợ cũng đang là một nguyên nhân tạo rào cản kìm hãm nâng cao tỷ lệ học nghề, đào tạo lực lượng làm thợ... 
 
Từ thực tế bất cập trên vấn đề đặt ra là làm gì để đảm bảo số lượng tuyển sinh tại các trường nghề, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội?  Theo đó, giải pháp cần làm ngay là sửa đổi chính sách tiền lương đối công nhân, lao động trực tiếp sản xuất trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp, công trường, nhất là người thợ, lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao để họ có thể sống được bằng nghề và trình độ tay thợ của mình, từ đó thay đổi tư duy, khuyến khích nhiều lao động học nghề và gắn bó với nghề. Song song với đó cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh ngay từ bậc THCS, để những em không có khả năng theo học lên cao chuyển sang học nghề, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tham gia học nghề. 
 
Đi cùng với đó, ở các trường nghề cũng cần đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ có chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy. Gắn với đó, các cơ sở cần đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, phải tự tạo ra sự hấp dẫn của mình để thu hút người học.
 
Đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện phân luồng học sinh bậc THCS, THPT; đồng thời, trang bị cho thanh niên một nghề để có thể lập thân, lập nghiệp. Vì vậy, cần phải có những giải pháp và cơ chế, chính sách để khuyến khích các cơ sở dạy nghề và người học nghề theo đúng định hướng phát triển, góp phần hạn chế tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đang đặt ra.
 
Bài, ảnh: MAI HOA