(Baonghean) - Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 950 ha đất người dân không đưa vào sản xuất vụ hè thu năm 2013, lý do là hiệu quả kinh tế không cao. điều này đang đặt ra vấn đề , cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, đầu tư hệ thống kênh mương tưới tiêu; Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật thâm canh và chuyển đổi ruộng đất, hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất.

Nam Đàn là một trong những địa phương có nhiều diện tích đất để hoang nhất tỉnh trong sản xuất vụ hè thu 2013 (khoảng 700 ha), nằm chủ yếu ở các xã Nam Diên, Nam Anh, Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường, Nam Kim và vùng Bàu Nón, xã Nam Thanh.... Theo ông Đinh Xuân Quế - Phó Chủ tịch UBND huyện, tình trạng một số nông dân chán ruộng, trả, bỏ ruộng ở Nam Đàn đã xẩy ra từ vài ba năm lại nay. Nguyên nhân chủ yếu là do số diện tích nằm ở vùng thấp trũng luôn bị thiên tai ngập lụt, nhiều vụ mất trắng. Bên cạnh đó là giá lúa quá thấp trong khi chi phí đầu tư giống, phân bón, ngày công ngày càng tăng. Không những thế, người dân còn phải đầu tư xây dựng hạ tầng cho đồng ruộng với mức huy động 300 nghìn đến 400 nghìn đồng/sào dẫn đến, nhiều người bỏ ruộng đi tìm công việc khác cho thu nhập cao hơn.

Để khắc phục tình trạng trên, huyện đã đưa ra một số giải pháp: Tập trung chuyển đổi ruộng đất, đây là cơ hội để cải tạo lại hệ thống đồng ruộng; vận động nông dân tích tụ ruộng đất đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, hạ giá thành sản phẩm...; Đối với những vùng thấp trũng, huyện sẽ phối hợp với các trung tâm tìm các loại giống ngắn ngày để tránh thiên tai; Tăng cường công tác tuyên truyền chỉ đạo nông dân không thỏa mãn với việc đủ gạo ăn như hiện nay mà tập trung vào sản xuất lúa hàng hóa có chất lượng, giá trị kinh tế cao; Chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang trồng các loại cây ngô, rau màu khác phục vụ cho tiêu dùng và chăn nuôi...; Tăng cường chính sách đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại, tìm kiếm thị trường, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

801782_small_104008.jpg

Cánh đồng ở xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) không đưa vào sản xuất
trong vụ hè thu 2013.

Theo Phó phòng NN& PTNT Hưng Nguyên, ông Hoàng Đức Ân, trong số 5.700 ha đất sản xuất lúa của huyện có 867 ha thuộc vùng sâu trũng, tập trung ở các xã Hưng Trung, Hưng Nhân, Hưng Thịnh, Hưng Lợi và thị trấn 3 năm lại nay liên tục mất mùa trong vụ hè thu. Nặng nhất là năm 2012 toàn huyện có 1.800 ha bị ngập úng, trong đó 1.100 ha mất trắng. Do vậy, vụ hè thu năm 2013, đã có 300 ha đất người nông dân không sản xuất. Tuy nhiên, số diện tích này vụ xuân vẫn được đưa vào sản xuất.

Khác với huyện Nam Đàn, để khắc phục tình trạng không sản xuất vụ hè thu trên những diện tích sâu trũng này, ngoài việc đưa các loại giống ngắn ngày như P6 đột biến, VS1 vào sản xuất, Hưng Nguyên chỉ đạo bà con nông dân khoanh nuôi cá vụ 3. Thực tế năm 2012, Hưng Nguyên đã chỉ đạo nông dân đưa hơn 300 ha ở những vùng thấp trũng, mất mùa trên vào nuôi cá vụ 3 rất thành công đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Tuy nhiên, về lâu dài, huyện đề nghị Trung ương, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ xây dựng bờ bao chống úng cho các khu vực xã Hưng Đạo, Hưng Trung, Hưng Tây; Tiêu úng cho vùng trũng bằng việc mở rộng cống tiêu úng 33B Bến Thủy cho vùng xã Hưng Thịnh, Hưng Lợi.

Bên cạnh đó, một số địa phương khác như TP Vinh, Yên Thành, Đô Lương... cũng có tình trạng nông dân không còn mặn mà với ruộng. Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư hệ thống kênh mương, tưới tiêu chủ động để nông dân yên tâm sản xuất; Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật phù hợp, trong đó đi theo hướng sử dụng các giống ngắn ngày, chịu ngập úng và các biện pháp thâm canh phù hợp; Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, rà soát lại các hộ nông dân nếu không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp thì chuyển nhượng sang hộ khác để hình thành vùng sản xuất thâm canh tập trung.


Minh Thư