Góp ý kiến tại hội nghị, đa số đại biểu đồng ý với tên gọi của luật, song cần bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung để không quá lệ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan, cá nhân nắm quyền điều hành nguồn vốn, dẫn đến đầu tư tràn lan, công trình dở dang, nợ đọng kéo dài, kém hiệu quả, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh Trần Văn Sơn cho rằng, việc bố trí nguồn vốn theo Luật Đầu tư công quy định theo từng nhóm (dự án nhóm A bố trí nguồn vốn không quá 8 năm, nhóm B không quá 5 năm, nhóm C không quá 3 năm), nên sửa lại bố trí nguồn vốn theo thời gian thực hiện dự án.
Ông Sơn kiến nghị, luật nên quy định giới hạn bảo hành dự án để đảm bảo chất lượng công trình, đồng thời hướng tới sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Cùng quan điểm, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hóa cho rằng: Nếu quy định bố trí nguồn vốn theo nhóm sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp này đẩy kế hoạch triển khai dự án được thì nhà thầu khác cũng đẩy kế hoạch, trong khi tổng nguồn vốn có hạn.
“Đối với quy định về bố trí vốn ưu tiên, cần chia nhóm dự án ưu tiên theo nhóm dự án bắt buộc, cấp bách phải đưa vào kế hoạch hàng năm, còn các dự án còn lại xếp theo thứ tự ưu tiên” - ông Nguyễn Văn Hóa đề xuất.
Ngoài ra, các đại biểu góp ý về các nội dung: thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; điều kiện chuyển tiếp dự án đầu tư; kế hoạch đầu tư công nên căn cứ kế hoạch kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính; tiêu chí phân loại dự án; nguyên tắc bố trí, thẩm định các nguồn vốn, giải ngân; không nên tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong các dự án đầu tư công,...
Phó Trưởng Đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sắp tới.
Luật Đầu tư công có 7 chương, 106 điều thực hiện gần 4 năm qua bộc lộ nhiều vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần rà soát xem xét lại một số điều trong Luật, những điều chưa hợp lý cần phải sửa đổi. Tập trung tháo gỡ những thủ tục rườm rà, các khó khăn, vướng mắc, phù hợp với thực tiễn.