Vẫn còn hạn chế trong nắm bắt dư luận xã hội
Khai mạc hội nghị, đồng chí Phùng Khánh Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, tuyên truyền, nói cho dân nghe, dân hiểu, dân đồng thuận thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chương trình hành động của MTTQ là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp.
Song song với đó, MTTQ và các đoàn thể cũng có trách nhiệm nắm bắt dư luận, xã hội nhằm phát huy quyền làm chủ Nhân dân thông qua MTTQ và các đoàn thể. Thực tiễn thời gian qua, công tác này đã được MTTQ và các tổ chức đoàn thể quan tâm triển khai, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế.
Nhận thức trách nhiệm cũng như tầm quan trọng của việc nắm bắt, tập hợp ý kiến nhân dân, dư luận xã hộicủa MTTQ và các tổ chức đoàn thể ở các cấp chưa đầy đủ. Cơ chế, phương thức nắm bắt còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, cơ quan còn lúng túng, thiếu tổng thể.
Điều này dẫn đến việc nắm bắt tình hình dư luận được nhiều cơ quan triển khai, nhiều cơ quan báo cáo, nhưng khi xảy ra vấn đề vẫn bị động, bất ngờ. Công tác xây dựng đội ngũ công tác viên nắm bắt dư luận xã hộithiếu bài bản, mỗi nơi vận dụng một cách khác nhau. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này còn hạn chế…
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tập huấn với mong muốn cung cấp những kiến thức cơ bản về vai trò và phương pháp nắm bắt dư luận, tình hình Nhân dân của MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp.
Cần dự báo chính xác tình hình
Tại hội nghị, trên cơ sở truyền đạt của TS. Đỗ Thị Thanh Hà - Viện trưởng Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, các học viên đã được tiếp thu những vấn đề cơ bản về vai trò, ý nghĩa của công tác nắm bắt tình hình Nhân dân và dư luận xã hội nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; phương pháp nắm bắt, tổng hợp, phân tích ý kiến, dư luận Nhân dân cũng như đưa ra các dự báo chính xác, tránh bị động, bất ngờ khi xảy ra các tình huống, phản ứng tiêu cực trong xã hội.
Bên cạnh đó, các học viên cũng đã nhận thức sâu sắc hơn yêu cầu nắm bắt dư luận xã hội cần quan tâm nắm bắt khuynh hướng và cường độ khuynh hướng của dư luận xã hội trước các vấn đề, sự kiện để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chủ động, kịp thời xử lý các vấn đề mà dư luận đặt ra.
Đối tượng cần nắm bắt đủ các thành phần, giai tầng, nhóm đối tượng trong xã hội hoặc đối tượng được tác động của chủ trương, chính sách (đối với một số chủ trương, chính sách sắp ban hành hoặc đã ban hành để tạo hiệu quả).
Việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, dư luận của Nhân dân phải đảm bảo tin cậy, khách quan, trung thực, khoa học, mang tính đại diện, kịp thời thông qua điều tra xã hội học; qua phân tích từ đơn thư, phản ánh của Nhân dân và phản ánh của báo chí, thông tin trên mạng xã hội.
Đây vẫn là khâu yếu thời gian qua, dẫn đến tình trạng trong thực tiễn có một số vấn đề xảy ra, cấp ủy, chính quyền bị động, bất ngờ.
Để công tác nắm bắt tình hình Nhân dân, dư luận xã hội hiệu quả, yêu cầu MTTQ và các tổ chức đoàn thể cần xây dựng mạng cộng tác viên dư luận xã hội đủ mọi giai tầng, nhóm xã hội, nhà kinh doanh, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động, người kinh doanh…; đồng thời cần xây dựng quy chế hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở từng cấp; cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành.