(Baonghean) -Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 30/7/2013, Nghệ An đang cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ… để lựa chọn các đối tác chiến lược, địa bàn trọng điểm. Bước đầu, nhiều doanh nghiệp đã có ấn tượng tốt về thái độ ứng xử và phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Khởi sắc về các dự án công nghiệp, xây dựng và công nghệ cao
Giai đoạn 2011 đến ngày 30/5/2014, trong tổng số 249 dự án/ 51.016 tỷ đồng được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì có tới 26 dự án thủy điện, 2 dự án điện tử, hàng chục dự án khai thác quặng, 11 dự án dệt may, 3 dây chuyền sản xuất bia quy mô đã đưa vào sản xuất và 2 nhà máy sữa. Điển hình là Thủy điện Bản Vẽ với công suất 320 MW, tổng đầu tư 4.763 tỷ đồng; Thủy điện Hủa Na 180 MW, 4.255 tỷ đồng; Thủy điện Khe Bố 100 MW, 2.530 tỷ đồng; nhà máy điện tử BSE Hàn Quốc 30 triệu USD; dự án Sản xuất loa điện thoại di động EMTECH Hàn Quốc 3 triệu USD. Một số dự án như: Tổ hợp sản xuất công nghiệp và công nghệ cao tại xã Thanh Thủy, Thanh Chương; Tổ hợp sản xuất của Công ty TNHH Nam Đàn Vạn An… đang chuẩn bị triển khai. Lĩnh vực xây dựng cũng thu hút được nhiều dự án khu đô thị, khu chung cư, hạ tầng giao thông. Mới đây nhất, tỉnh đã thu hút được dự án lớn Becamex Bình Dương vào đầu tư xây dựng khu công nghiệp nhằm tạo bước đột phá cho Nghệ An. Một số nhà đầu tư lớn hứa hẹn cho công nghiệp Nghệ An, như: Tôn Hoa Sen, nhiệt điện Đông Hồi…
Đánh giá giai đoạn 2011 đến 2015, sản xuất công nghiệp, xây dựng và phát triển đô thị phát triển chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lĩnh vực đầu tư, chiếm gần 70% số lượng và hơn 80% số vốn đăng ký của toàn bộ các dự án. Nhiều dự án đã tạo ra hiệu quả cao cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương như các nhà máy bia, nhà máy sữa. Các nhà máy dệt may tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động như Nhà máy dệt may Nam Sung - Vina Diễn Châu, Nhà máy may Minh Anh, Cụm công nghiệp kéo sợi và dệt may Nam Đàn, Tổ hợp sản xuất công nghệ cao Nam Đàn… Đặc biệt, với 13 dự án nhà máy may, đã đưa Nghệ An trở thành một khu vực dệt may của vùng, tạo ra kim ngạch xuất khẩu cao sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…
Ông Kim Tae Hyung - Tổng Giám đốc Haivina Kim Liên thường xuyên có mặt tại nhà máy may ở Nam Đàn cho biết: “Công ty chúng tôi lựa chọn Việt Nam để đầu tư là bởi Việt Nam có thị trường lao động hấp dẫn, lao động Việt Nam chăm chỉ, mức tiền lương của Chính phủ quy định hợp lý. Chúng tôi cũng tìm hiểu ở Nghệ An có Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt - Hàn nên có thể sử dụng được nhiều công nhân biết tiếng Hàn vào làm việc. Hiện chúng tôi đã tuyển được một số lao động Việt Nam biết tiếng Hàn tham gia vào quản lý nhà máy. Do nhu cầu sản xuất, công ty chúng tôi đã mở rộng thêm nhà xưởng, đầu tư thêm dây chuyền và tuyển thêm 500 lao động nữa”.
Các dự án công nghiệp, xây dựng là “chủ công” trong thu ngân sách của tỉnh, riêng 3 nhà máy bia mỗi năm nộp ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, có nhà máy mỗi năm nộp được 700 tỷ đồng/ năm như Nhà máy bia Sài Gòn – Sông Lam. Các dự án góp phần tác động lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế trong nước, khơi dậy nguồn lực đầu tư, thay đổi diện mạo bộ mặt của địa phương, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, sự gia tăng phát triển của các ngành dịch vụ: ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, dịch vụ việc làm… góp phần hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.
Trong nhiều dự án đã thu hút, có nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao. Khu trang trại chăn nuôi và chế biến sữa TH là một trong những dự án điển hình về ứng dụng công nghệ cao nằm ở địa bàn Nghĩa Đàn. Ở đây còn có các dự án nghiên cứu, thực nghiệm và sản xuất một số mặt hàng nông sản có giá trị như rau, hoa, củ, quả sạch, chế biến dược liệu, chế biến cao su.. . Nam Đàn cũng mới thu hút được dự án tổ hợp sản xuất công nghệ cao sản xuất đồ trang sức, giày dép, tinh dầu… Dự án công nghệ cao đang là đích đến của công tác thu hút đầu tư ở nhiều địa phương bởi không gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế cao. Nhà máy sản xuất điện tử BSE ở khu Nam Cấm là một dự án 100% vốn của Hàn Quốc, được triển khai rất nhanh với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, hiện đang tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhà máy này chuyên sản xuất và kinh doanh loa, míc, là đối tác cung cấp linh kiện điện tử cho các hãng điện thoại Sam Sung, Nokia. Ở nhà máy tất cả các phòng, ban, phân xưởng đều lắp đặt điều hòa, công nhân và quản lý đều được trang bị bảo hộ lao động riêng, không có bụi bẩn.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Thu hút đầu tư là một giải pháp có ý nghĩa quan trọng và quyết định để thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư công ngày càng cắt giảm, cần phải huy động nguồn vốn tổng lực từ nhiều nguồn. UBND tỉnh đã xác định cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị. Có những dự án, đích thân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo như dự án Becammex. Tỉnh xác định tạo bước chuyển mạnh mẽ về thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại, công nghiệp phụ trợ (chế tạo, lắp ráp…), lựa chọn những dự án lớn, những nhà đầu tư uy tín, có tiềm lực.
Để thực hiện mục tiêu, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh Nghệ An theo hướng thông thoáng, thuận lợi; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp là những việc cần làm ngay. Theo ông Hoàng Nhật An - Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh: “Cải cách hành chính trong toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đơn cử như văn bản trao đổi thông tin giữa các ngành, các cơ quan trước đây có khi đến 4 tháng mới được trả lời nay chỉ vài ngày đã được trả lời, các cơ quan hành chính thực hiện nhiệm vụ nhanh hơn, trách nhiệm hơn. Thái độ của cán bộ công chức khi làm việc với các doanh nghiệp cũng đúng mực hơn, cởi mở hơn, được nhiều doanh nghiệp ghi nhận. Cơ sở vật chất ở các bộ phận một cửa được đầu tư tốt hơn. Theo tôi, những chuyển biến đó trước hết là nhờ ở vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Tỉnh đã thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn để tiếp thu ý kiến, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp. Thành lập, tổ chức triển khai tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư. Thực hiện cơ chế một cửa hiện đại đối với thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hải quan điện tử.”
Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư chưa được như mong đợi do nhiều nguyên nhân, như: Nghệ An chưa chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho nhà đầu tư vào thực hiện dự án một cách có hiệu quả, kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, thiếu mặt bằng sạch, giải phóng mặt bằng chậm, bên cạnh đó chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao, Nghệ An còn nằm trong nhóm trung bình của cả nước. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự vào cuộc để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013, thì chỉ số Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh được đánh giá cao gấp đôi so với năm 2012, xếp ở vị trí 23/63 tỉnh thành, điều đó chứng tỏ cảm nhận rất tốt của doanh nghiệp đối với lãnh đạo chính quyền. Nhiều tiêu chí khác còn bị đánh giá thấp như chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, tính minh bạch… Bởi vậy, nhiệm vụ hàng đầu cùng với thu hút đầu tư là tập trung khắc phục ngay những hạn chế làm trở ngại đến môi trường đầu tư, lề lối làm việc, tác phong, thái độ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải phóng mặt bằng, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu về vấn đề chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Châu Lan