(Baonghean) - Sau 12 năm thực hiện, Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2000 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Vì vậy, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HNGĐ năm 2000, là một dự luật sửa đổi đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hội bởi sự thiết thân của nó trong cuộc sống hàng ngày.
Một trong những vấn đề được quan tâm là chế định về ly thân lần đầu tiên được quy định trong dự thảo (Điều 65,66,67,68). Mặc dù còn nhiều ý kiến trái ngược, nhưng về cơ bản đã thống nhất đưa nội dung này vào Luật HNGĐ. Một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam là nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng. Khi có mâu thuẫn xảy ra thì vợ, chồng có quyền lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn một cách tốt nhất, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Đó là thông qua hòa giải để đoàn tụ, hoặc quyết định ly hôn. Tuy nhiên, Luật HNGĐ quy định hai phương thức giải quyết mâu thuẫn giữa vợ chồng là hòa giải để đoàn tụ, hoặc chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn, còn vấn đề ly thân lại chưa được luật quy định.
Trong khi đó, pháp luật nhiều nước đã quy định ly thân là quyền của vợ, chồng lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân, tạo căn cứ pháp lý cho các quan hệ tài sản, nhân thân, con cái trong giai đoạn quan hệ hôn nhân nhạy cảm này. Còn ở Việt Nam, mặc dù chưa được quy định trong luật nhưng việc ly thân vẫn đang diễn ra khá phổ biến trên thực tế. Đặc biệt, với những cặp vợ chồng theo Công giáo, với giáo lý “những gì Chúa đã tác hợp thì người đời không có quyền sửa đổi” nên họ không ly hôn, mà khi mâu thuẫn xảy ra, thường chấp nhận ly thân, thậm chí là sống ly thân đến hết cuộc đời. Từ thực tế này, sau một thời gian góp ý cho dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, quan điểm nên luật hóa chế định ly thân được nhiều người đồng tình.
Một nội dung khác được quan tâm chính là việc sửa đổi quy định về độ tuổi kết hôn. Luật hiện hành quy định nam phải từ 20 tuổi trở lên, nữ phải từ 18 tuổi trở lên mới được quyền kết hôn, còn Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng không phân biệt độ tuổi kết hôn tối thiểu của nam và nữ - đó là nam, nữ đủ 18 tuổi có quyền kết hôn. Luật HNGĐ hiện hành quy định nữ từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi được kết hôn nhưng bất cập rõ nhất của quy định về độ tuổi này trong thực tiễn là sự thiệt thòi cho nữ giới. Cụ thể, nữ bước sang tuổi 18 kết hôn được coi là hợp pháp và họ được quyền tự do ly hôn. Có điều, quyền tự do ly hôn của họ không thể thực hiện nếu sau khi kết hôn và đến thời điểm có yêu cầu ly hôn họ chưa đủ 18 tuổi bởi pháp luật về tố tụng dân sự lại quy định, cá nhân phải đủ 18 tuổi mới có thể tự mình là chủ thể của quan hệ tố tụng. Vì vậy, dự luật sửa đổi dự kiến quy định nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên được kết hôn.
Luật HNGĐ năm 2000 cấm kết hôn giữa hai người cùng giới tính. Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi đã bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính của Luật năm 2000 và thay bằng quy định mới. Theo đó, “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung thêm các quy định nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ quan hệ chung sống giữa họ với nhau. Với kinh nghiệm về tiến trình giải quyết vấn đề hôn nhân đồng tính mà nhiều nước trên thế giới đã trải qua.
Thực tiễn cho thấy, đối với những nước đã thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (hiện mới có 16 nước công nhận) thì việc giải quyết cũng được thực hiện bằng một lộ trình với những bước đi phù hợp. Cụ thể là trước hết Nhà nước bỏ quy định cấm, bỏ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với quan hệ đồng tính rồi sau đó mới thừa nhận việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính dưới các hình thức pháp lý khác nhau và cuối cùng mới thừa nhận hôn nhân giữa họ. Luật Hôn nhân và Gia đình là một đạo luật liên quan trực tiếp đến quyền con người và Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua thì đặc biệt nhấn mạnh đến quyền con người. Vì vậy, đã đến lúc không thể cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, không dùng biện pháp hành chính can thiệp vào quyền được sống chung của họ.
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể và chặt chẽ về các điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; quyền và nghĩa vụ của con dâu, con rể, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng, quyền và nghĩa vụ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; đồng thời Dự thảo Luật bổ sung các quy định về xác định cha, mẹ, con, cấp dưỡng, giải quyết quan hệ nam nữ chung sống như vợ chồng, chung sống giữa những người đồng giới, ly thân có yếu tố nước ngoài…
Dự thảo Luật HNGĐ sửa đổi gồm 135 điều, được bố cục thành 9 chương, so với Luật HNGĐ năm 2000 thì Dự thảo Luật đã sửa đổi 62 điều, bổ sung mới 54 điều. Có 14 điểm mới cơ bản của Dự thảo Luật so với Luật HNGĐ năm 2000 như: Bảo vệ, hỗ trợ những nhóm người yếu thế trong HNGĐ; bổ sung nhiều hành vi bị cấm trong HNGĐ như bạo lực gia đình, ly thân giả tạo, cản trở kết hôn, cản trở ly hôn, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, lựa chọn giới tính, sinh sản vô tính…; áp dụng các tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của chế độ HNGĐ Việt Nam…; Nam nữ từ đủ 18 tuổi trở lên thì được kết hôn…; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan đến duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập; bổ sung quy định giải quyết việc ly thân theo yêu cầu của vợ chồng…
Luật sư Trọng Hải