(Baonghean) - Luật Đầu tư được Quốc hội ban hành năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006 có quy định rõ lĩnh vực, địa bàn đầu tư các nhà đầu tư được ưu đãi. Tuy nhiên, qua 7 năm Luật đi vào cuộc sống, hiệu quả kinh tế - xã hội vẫn chưa đạt được như kỳ vọng ban đầu.
Luật Đầu tư ra đời đã tạo khung pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cũng như các doanh nghiệp có dự án đầu tư thực hiện chức năng quản lý, triển khai dự án tại địa phương. Những ưu đãi trong luật cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đơn cử tại huyện Quỳ Hợp, thực hiện Luật Đầu tư, số lượng doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng lên nhanh chóng, lĩnh vực đầu tư đa dạng. Hiện nay, toàn huyện Quỳ Hợp có 241 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; xây dựng cơ bản và tư vấn xây dựng cơ bản; thương nghiệp, dịch vụ, vận tải… Trong đó, nhiều doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, nộp ngân sách lớn, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh hiện hoạt động trong lĩnh vực chế biến thiếc, đóng chân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Hàng năm, đơn vị này nộp ngân sách Nhà nước 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty giải quyết việc làm cho 420 lao động, với 50% lao động là người địa phương, thu nhập bình quân khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Anh Bùi Khắc Tuấn – công nhân tại Xí nghiệp tuyển tinh, luyện thiếc, thuộc Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh cho biết: “Làm việc tại công ty cho thu nhập ổn định khoảng 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các chế độ như bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động… được cung cấp đầy đủ. Tôi rất yên tâm khi làm việc tại công ty”. Hay như tại Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ - doanh nghiệp được thành lập vào năm 2006, đứng vào thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực. Hiện nay, Công ty đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá và thiếc. Từ khi thành lập đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị khá hiệu quả, mỗi năm nộp ngân sách Nhà nước khoảng 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đang sử dụng khoảng 500 lao động, thu nhập bình quân từ 4,2 - 4,4 triệu đồng/tháng. “Lao động của công ty phần lớn là người địa phương. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi đều tổ chức đào tạo tay nghề cho lao động phù hợp với yêu cầu sản xuất của công ty”, ông Nguyễn Giang Hoài – Giám đốc Công ty cho biết.
Công nhân mài đá tại xưởng của Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ.
Còn tại huyện vùng cao Quế Phong, tình hình thu hút đầu tư không được sôi động như Quỳ Hợp, nhưng cũng đã có nhiều dấu hiệu đáng khích lệ. Toàn huyện có 55 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần làm tăng nguồn thu thuế doanh nghiệp, năm 2012 đạt 3,586 tỷ đồng/5,3 tỷ đồng. Tồn đọng thuế giảm đáng kể so với các năm trước. Không chỉ vậy, luồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho một số lượng lao động nhất định. Như Công ty TNHH hợp tác Hoàng Gia Bảo đóng tại xã Đồng Văn được thành lập từ tháng 9/2012. Mỗi tháng, Công ty tiêu thụ bình quân 200 tấn luồng cho nhân dân địa phương, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ với thu nhập dao động từ từ 2,5 -3,5 triệu đồng/tháng. Hoặc nhà máy sản xuất gạch không nung công suất 2 triệu viên/năm của Công ty TNHH MTV Lê Thắng đang tạo việc làm cho 50 lao động, hầu hết là người địa phương, với mức lương trung bình 4,5 - 8,5 triệu đồng/tháng. Trên bình diện cả tỉnh, có tất cả 55 dự án đăng ký và đầu tư tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có điều kiện – kinh tế xã hội khó khăn trong giai đoạn 2006 -2012 với tổng số vốn hơn 12.935 tỷ đồng.
Mặc dù có những kết quả thu hút đầu tư đáng khích lệ, nhưng trên thực tế rất nhiều dự án đầu tư có quy mô nhỏ, ít sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả kinh tế - xã hội như: đóng góp ngân sách, tạo việc làm mới, thu nhập cho người lao động… chưa cao. Lĩnh vực đầu tư của các dự án còn nặng về khai thác tài nguyên, khoáng sản, rất ít dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao ngoài các dự án của Ngân hàng TMCP Bắc Á tư vấn đầu tư. Vậy tại sao những khu vực này lại chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư? Nguyên nhân chính do những địa phương này chủ yếu nằm trên địa bàn không thuận lợi cho giao thương, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, thị trường tiêu thụ chưa phát triển… bên cạnh đó, lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng chưa qua đào tạo rất lớn.
Trong khi đó, nội dung Luật Đầu tư và nghị định hướng dẫn thực hiện có một số điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn cho cơ quan tham mưu trong việc xác định dự án đó có được ưu đãi hay không. Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo giữa nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư ở địa phương… Chính vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước còn gặp không ít lúng túng khi triển khai áp dụng Luật Đầu tư, còn các doanh nghiệp cũng không mặn mà để đầu tư vào những khu vực được ưu tiên này.
Những vướng mắc trong việc thực hiện ưu đãi theo Luật Đầu tư tại những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và cực kỳ khó khăn đề cập trên đây vừa qua được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ghi nhận trong chuyến công tác tại Nghệ An. Hy vọng, trong thời gian tới, những vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư với khu vực này sẽ được tháo gỡ, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở những địa phương trên, đáp ứng kỳ vọng ban đầu mà Luật Đầu tư đề ra.