Hầu hết các vụ việc khi cơ quan chức năng phát hiện, xử lý đã có hàng nghìn người đầu tư vào các mạng lưới tiền ảo có nguy cơ mất trắng tiền tỷ.

Tại Việt Nam, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử (còn gọi là tiền ảo) tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Thế nhưng thời gian qua, nhiều đối tượng vẫn dùng các phương thức, thủ đoạn tinh vi, thậm chí là mua hoặc lập ra trang web liên quan đến đồng tiền ảo, lôi kéo hàng nghìn người đầu tư tiền mua các mã tiền ảo theo mô hình đa cấp để chiếm đoạt tiền.

Hầu hết khi vụ việc khi bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì hàng nghìn người đã đầu tư vào các mạng lưới tiền ảo và có nguy cơ mất trắng tiền tỷ.

1512092440720.jpgCác đối tượng dùng thủ đoạn tuyên truyền, dụ dỗ người dân đóng tiền mua mã AOC và lôi kéo theo kiểu đa cấp.

Trong các ngày từ 19-23/11, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) đã bắt khẩn cấp 3 đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo theo hình thức đầu tư tiền ảo có tên là AOC.

ại cơ quan điều tra, hai người tự xưng là Chủ tịch Câu lạc bộ Tiền ảo AOC Việt Nam, đối tượng còn lại xưng là tổng tuyến AOC Bắc Giang. Cả 3 đối tượng khai nhận đã mua một trang web được thiết kế như trang tiền ảo chuyên nghiệp, sau đó tự vẽ ra các gói đầu tư rồi lôi kéo nhiều người tham gia.

Thượng tá Phạm Văn Khanh, Phó trưởng phòng An ninh điều tra, công an tỉnh Bắc Giang cho biết, các đối tượng này dùng thủ đoạn tuyên truyền, dụ dỗ người dân đóng tiền mua mã AOC và lôi kéo theo kiểu đa cấp.

Theo đó, lãi suất mà người tham gia nhận được là 0,5%/ngày, nếu ai vận động được người khác cùng mua mã AOC thì được hưởng từ 10-15% tiền hoa hồng trên tổng số tiền mà người khách đến sau tham gia; Tiếp tục tham gia thì tài khoản gốc sẽ tăng gấp đôi. Tuy nhiên, thực tế, khi người dân không muốn tham gia nữa, muốn rút lại tiền cũng không được.

“Tại thời điểm cơ quan chức năng điều tra, mạng lưới mua mã AOC ở riêng tỉnh Bắc Giang đã có khoảng 1.000 người tham. Hiện Công an tỉnh Bắc Giang đang mở rộng điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam để điều tra. Nói chung tội phạm công nghệ là hình thức mới, chúng tôi đang tiếp tục điều tra, xử lý theo pháp luật. Hình vi này là hành vi lừa đảo theo Điều 139 của Bộ Luật Hình sự”, Thượng tá Phạm Văn Khanh nêu rõ.

Tại thời điểm điều tra, đường dây tiền ảo AOC đã có chân rết tại 10 tỉnh, thành trên cả nước, số tiền mà các đối tượng cầm đầu mạng lưới này chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Thương mại điện tử - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) cho biết, tại Việt Nam hiện còn rất nhiều trang mạng hoạt động theo mô hình tương tự, ẩn chứa nhiều rủi ro đối với người tham gia.

Đây thực chất là mô hình “cho nhận tài chính” hoạt động nhận tiền gửi có trả lãi và hoa hồng khi giới thiệu thêm người tham gia. Tiền không được đưa vào sản xuất kinh doanh để tạo lợi nhuận, mà chỉ lấy của người tham gia sau trả cho người tham gia trước đó.

Bản chất đó là đa cấp biến tướng, đưa ra chiêu trò lãi suất “khủng” từ 30-80%/năm. Các mạng lưới kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam diễn ra tự phát, các cá nhân tự mua đi bán lại các đồng tiền ảo mà không đăng ký với bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào.

“Các phương thức thủ đoạn thường nhắm đến người dân vùng hẻo lánh, không cập nhật được loại hình tiền ảo, chỉ nhìn vào hoa hồng mà các đối tượng trả, không tìm hiểu đồng tiền có hợp pháp hay không. Trong khi Ngân hàng Nhà nước thông báo không được phép lưu hành tiền điện tử, tiền ảo”, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết.

Bitcoin được xem là "vàng kỹ thuật số".

Đến nay, những đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác đều không được chấp nhận tại Việt Nam. Mới đây, Ngân hàng nhà nước khẳng định việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác là bất hợp pháp và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 - 200 triệu đồng.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo Luật sư Chu Khang, (Đoàn Luật sư Hà Nội), về mặt pháp lý, những giao dịch, đầu tư, kinh doanh liên quan đến tiền ảo không được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Do đó, người dân, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng với mạng lưới kinh doanh này.

“Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định tiền ảo không được chấp nhận ở Việt Nam, hoạt động kinh doanh là bất hợp pháp. Ngoài ra kinh doanh đa cấp trên mạng mà không được cấp phép thì càng trái pháp luật. Người đứng đầu đường dây mạng lưới kinh doanh này gây thiệt hại thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Các cơ quan nhà nước đã cảnh báo nhiều, người dân không tìm hiểu kỹ mà cứ tham gia thì rất rủi ro”, Luật sư Chu Khang cho biết.

Cơn sốt tiền ảo, đặc biệt là đồng Bitcoin vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Từ mức giá khoảng 13 USD trong năm 2013, hiện nay tỉ giá Bitcoin đã tăng gấp nhiều lần, thậm chí mới đây, lần đầu tiên Bitcoin vượt mốc 10.000 USD. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, bitcoin đã tăng giá gấp 10 lần. Đây cũng là lúc mà các đối tượng dễ lợi dụng để mua hoặc tự lập các trang web kinh doanh tiền ảo, lôi kéo nhiều người tham gia.

Do đó, người dân cận thận trọng, cảnh giác trước những chiêu trò hứa hẹn về hoa hồng, lợi nhuận, bởi nhiều nguy cơ mua tiền ảo mà mất tiền thật./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN