(Baonghean) - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vừa có cuộc điện đàm thứ ba chỉ trong vòng 1 tuần để xúc tiến vòng đàm phán hòa bình mới cho Syria tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Kể từ sau chiến thắng của chính phủ Syria tại Aleppo, Nga ngày càng lấn át Mỹ để thể hiện vai trò “làm chủ sân chơi” của mình tại Trung Đông, và việc lựa chọn Kazakhstan làm nhà trung gian cũng là một tính toán đầy chiến lược của Nga.
Tương lai Syria của người Syria
Ý tưởng tổ chức vòng đàm phán hòa bình tại thủ đô Astana của Kazakhstan được Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu ra từ hôm 16/12, sau đó được Ngoại trưởng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tuyên bố ba nước sẵn sàng đứng ra đảm bảo cho cuộc đàm phán này. Ý tưởng này cũng nhận được sự đồng thuận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo khẳng định của Tổng thống Putin, vòng đàm phán lần này sẽ không có sự tham gia của Mỹ hay Liên hợp quốc mà chỉ có các bên đang tham chiến tại Syria, gồm đại diện của Chính phủ Syria và lực lượng đối lập - được Nga định nghĩa là “lực lượng đối lập ôn hòa”. Thành phần tham dự đàm phán được cho là thể hiện rõ quan điểm mang tính nguyên tắc của Nga, đó là những người Syria sẽ phải tự đối thoại để đi tới thống nhất về một kế hoạch - một kế hoạch mà các bên dù có xung đột lợi ích vẫn phải tuân thủ.
Sau khi giành được Aleppo, quân chính phủ Syria sẽ tập trung thúc đẩy nắm quyền kiểm soát các căn cứ của mình quanh thành phố này, sau đó thực hiện chiến dịch tái chiếm Palmyra và Idlib. Các chuyên gia cho rằng, sau khi bị đánh bật khỏi chiến trường quan trọng là Aleppo, phe đối lập đã bị suy yếu và phân tán thành nhiều mảng. Trong khi đó, quyết tâm ủng hộ lực lượng đối lập của Mỹ, các nước phương Tây và một số đồng minh Arab đã suy yếu rất nhiều. Bởi vậy, giới phân tích cho rằng, các lực lượng đối lập tại Syria sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc đến Astana như kế hoạch đang được cả Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran xúc tiến.
Vì sao là Kazakhstan?
Việc Nga xúc tiến vòng đàm phán hòa bình mới cho Syria đã chứng minh nhận định rằng Nga đang nắm thế chủ động hoàn toàn chiến trường này. Ngay việc chọn Kazakhstan làm nhà trung gian cũng là một tính toán chiến lược của ông Putin nhằm tiếp tục duy trì ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông, dù về mặt lý thuyết, Nga vẫn không trực tiếp can dự vào quá trình đàm phán. Hiện Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã ra thông báo cho biết ông ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của Tổng thống Putin.
Về mặt chính thức, chính phủ Kazakhstan vẫn tỏ ra là có quan điểm trung lập trong cuộc xung đột tại Syria trong suốt gần 6 năm qua và đã từng mời 30 thành viên của các lực lượng đối lập Syria tới Astana và năm 2015, nhưng Kazakhstan vẫn duy trì mối liên kết chiến lược cực kỳ quan trọng với chính quyền của Tổng thống Syrai Bashar al-Assad. Sự hợp tác mật thiết trong lĩnh vực năng lượng và an ninh của Kazakhstan với Syria là kết quả chuyến thăm của Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev tới Syria hồi tháng 11/2007. Bất chấp tình trạng xung đột tại Syria, chuyến thăm này vẫn có vai trò trong việc định hình cách tiếp cận của Kazakhstan đối với cuộc khủng hoảng tại Syria.
Hơn nữa, ông Nursultan Nazarbayev đã từng nhiều lần bày tỏ quan điểm cứng rắn về tôn trọng chủ quyền quốc gia của Syria, ví dụ như lên án việc Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan là xâm phạm chủ quyền của Syria. Với việc đưa Kazakhstan vào vai trò trung gian của vòng đàm phán mới, Tổng thống Putin hy vọng Kazakhstan sẽ phản đối những nỗ lực nhằm thay đổi chế độ tại Syria của các lực lượng bên ngoài – cách tiếp cận mà Nga hiện vẫn đang theo đuổi. Bên cạnh đó, Kazakhstan sẽ sẵn sàng thực hiện các giải pháp mà không ảnh hưởng đến vai trò của Nga tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lý do để ủng hộ mạnh mẽ việc lựa chọn Kazakhstan làm trung gian trong cuộc xung đột Syria. Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev được cho là có vai trò nổi bật trong việc làm dịu căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga hồi năm 2015. Bởi vậy, không có lý do gì Thổ Nhĩ Kỳ không một lần nữa đặt niềm tin vào ông Nazarbayev trong vai trò nhà đàm phán, kết nối cả quan điểm của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria.
Mỹ sẽ nhượng bộ ở Syria?
Việc đưa vòng đàm phán hòa bình mới cho Syria sang Kazakhstan là một cách gián tiếp “gạt” vai trò của Mỹ trong vấn đề này. Cho đến nay, phía Mỹ vẫn chưa có phản ứng chính thức về đề xuất của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Nhưng theo giới phân tích, cũng giống như lực lượng đối lập ở Syria, Mỹ hiện nay cũng có không nhiều lựa chọn. Kể từ khi Nga thể hiện sự can thiệp hiệu quả tại chiến trường Syria, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã tỏ ra “thất thế”. Không ít lần Mỹ bị đánh giá là đang “bỏ rơi” lực lượng đối lập, nhường quyền kiểm soát thế trận tại Syria vào tay Nga.
Khi việc chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng sẽ diễn ra trong tháng 1 tới và ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống của nước Mỹ, Nga sẽ càng có điều kiện thuận lợi đàm phán với Mỹ một kịch bản theo mong muốn của Nga. Tất nhiên, sẽ khó có chuyện Mỹ - dù dưới sự lãnh đạo của một Tổng thống “có cảm tình với ông Putin” như ông Trump - buông bỏ mọi toan tính mà Mỹ đã theo đuổi tại Syria trong suốt thời gian qua, nhưng có lẽ Mỹ sẽ phải nhượng bộ một số yêu cầu nếu muốn khép lại hồ sơ Syria.
Thực tế cho thấy, việc sa lầy vào cuộc xung đột tại Syria trong suốt thời gian qua đã mang lại quá nhiều tổn thất cho các bên liên quan, kể cả các lực lượng bên trong Syria và các thế lực bên ngoài. Bởi vậy, dư luận đang thực sự chờ đợi chiến thắng của quân chính phủ Syria tại Aleppo thực sự có thể mở ra cánh cửa để kết thúc cuộc chiến tàn khốc tại quốc gia Trung Đông này.
Thúy Ngọc