Sự vĩ đại phi truyền thống
Giới nghiên cứu ở Mỹ mấy năm qua đã phải thừa nhận: Jeffrey Bezos - nhà sáng lập và giám đốc điều hành của trang bán hàng online Amazon xứng đáng có tên trong “Ngôi đền Pantheon” dành cho các đại gia kinh doanh xứ Cờ hoa. Nhưng vị trí nào là phù hợp với ông trong một danh sách những titan của thế giới doanh nhân, những người đã để lại những di sản không thể xóa mờ trong lịch sử? Andrew Carnegie được nhớ tới bởi những lò luyện thép của ông làm nên “khung xương” cho hệ thống đường sắt và các đô thị ở Mỹ. John D. Rockefeller cung cấp tới 90% lượng xăng dầu cho người Mỹ, từ thời năng lượng điện còn rất xa xôi. Bill Gates - một nhân vật lịch sử đương thời cũng đã để lại các chương trình điện toán - thứ được coi là điều kiện tiên quyết để máy tính lên ngôi.
Ở tuổi 55, Jeff Bezos chưa từng thống trị một lĩnh vực kinh doanh nào, sản phẩm ông tạo ra cũng chẳng phải là độc quyền như những bậc tiền bối. Và ngay cả khi ngồi trên “ngai vàng” người giàu nhất thế giới vào lúc này, có lẽ Bezos cũng không có nhiều tài sản bằng Bill Gates ở thời đỉnh cao. Rockefeller khẳng định bản thân với những mỏ dầu, cây xăng hay các toa xe téc nhiên liệu. Tài sản của Bill Gates gắn chặt với hệ điều hành Windows. Trong khi đó, sự vĩ đại của đế chế Jeff Bezos rộng lớn hơn nhiều. Hiển nhiên, những gì mà ông tạo ra chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chủ nghĩa tư bản Mỹ.
Hiện tại, Jeff Bezos và Amazon của ông kiểm soát gần 40% tổng lượng giao dịch thương mại điện tử tại Mỹ. Số lượng tìm kiếm thông tin về các sản phẩm trên Amazon còn nhiều hơn trên Google, cho phép Bezos xây dựng một nền tảng kinh doanh quảng cáo giá trị ngang với IBM. Có người đã ước tính rằng, dịch vụ Web của Amazon chiếm tới một nửa công nghiệp điện toán đám mây. Nhiều cái tên lớn khác như General Electric, Unilever, thậm chí là cả CIA còn phải nhờ tới hệ thống máy chủ của Amazon. 42% giá trị thị trường sách và 1/3 thị trường video trực tuyến cũng nằm trong tay đại gia này. Vậy điều gì làm nên sự bùng nổ của Amazon?
Trước hết đó là nhờ tầm nhìn của Jeff Bezos
Kể từ năm 2014, Amazon của Bezos chỉ có tăng trưởng và mở rộng. Sự thành công của Amazon biến nó thành mối lo với chính quyền Mỹ, nhưng với người dân xứ sở Cờ hoa, Bezos là một “vị phù thủy” thân thiện với quá nhiều tiện ích và sự thú vị trong túi. Amazon thu hút sự chú ý của những khách hàng mua nhà tiềm năng với các đại lý nhà đất, đồng thời kết nối ngôi nhà của họ với các thiết bị của hãng.
Amazon cũng đã sẵn sàng với một sân bay chuyên phục vụ hàng hóa rộng 30 ha ở ngoại ô Cincinnati giúp hàng hóa được chuyển tới tay khách hàng nhanh và chính xác nhất. Nhu cầu của khách hàng Mỹ cũng sẽ được lấp đầy với các trận đấu bóng chày trong khuôn khổ giải Major League được trực tiếp trên các thiết bị truyền hình mang thương hiệu Amazon. Còn nếu bạn đi du lịch tại các vùng xa xôi nơi không có sóng điện thoại, hơn 3.000 vệ tinh của Amazon trên quỹ đạo sẽ giúp duy trì kết nối internet tốc độ cao.
Làm từ thiện theo kiểu Bezos
Trong công việc cũng như cuộc sống, Jeff Bezos rất thích dùng từ “không ngừng”. Nó xuất hiện hết lần này đến lần khác trong các báo cáo thường niên mà Amazon gửi các cổ đông. Nhiều người cho rằng, đó là vì Bezos và Amazon luôn hướng tới sự thống trị vì lợi ích của chính công ty. Trong một kỷ nguyên tôn vinh các siêu công ty, Jeff Bezos chưa bao giờ rời bỏ quyết tâm trở thành người lớn nhất trong số họ. Nhưng để nói rằng mục tiêu cuối cùng của Bezos là sự thống trị trên hành tinh là hiểu sai người đàn ông này. Tham vọng của ông không bị ràng buộc bởi lực hấp dẫn của Trái đất.
Trước khi quyết định gắn bó sự nghiệp với cái tên Amazon.com, Jeff Bezos từng đùa giỡn khi đặt tên cho một dự án cửa hàng bán lẻ với cái tên MakeItSo.com. Cách chơi chữ này nhằm tự mỉa mai bản thân, bởi Bezos chưa từng duy trì nhiệt tình với công việc gì quá lâu. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cái tên gây chú ý này là câu cửa miệng của một thần tượng mà Bezos ngưỡng mộ: thuyền trưởng của tàu không gian USS Enterprise-D, Jean-Luc Picard. Ông ngưỡng mộ không gian cũng giống như cách ông say mê với loạt phim Star Trek, nơi nói lên khát vọng bước vào vũ trụ của loài người.
Báo chí Mỹ từng có lần tiếp cận bạn gái cũ của Jeff Bezos từ thời học trung học. Cô tiết lộ về lý do thực sự khiến Bezos tìm đến không gian: “Lý do anh ấy kiếm rất nhiều tiền là để ra ngoài vũ trụ”. Điều này không cần trí tưởng tượng cũng có thể thấy. Là thủ khoa của Trường Trung học Miami Palmetto năm 1982, Bezos dùng bài phát biểu tốt nghiệp của mình để mở ra tầm nhìn cho nhân loại. Ông mơ ước một ngày hàng triệu cư dân Trái đất sẽ di cư đến các vùng đất mới trong không gian. Một tờ báo đã gọi ý định của Bezos là “đưa tất cả mọi người ra khỏi Trái đất và thấy nó biến thành một công viên quốc gia khổng lồ”.
Hầu hết mọi người cuối cùng đều vứt bỏ những giấc mơ tuổi teen, nhưng riêng Jeff Bezos vẫn tiếp tục theo đuổi hoài bão của tuổi trẻ. Các nhà phê bình mắng mỏ ông vì keo kiệt với công việc từ thiện, dù ông đứng đầu bảng các tỷ phú thế giới. Nhưng Bezos lại cho rằng đóng góp lớn nhất của ông cho công việc nhân đạo không phải là làm từ thiện đều đặn.
Bezos tài trợ một công ty với tên gọi Blue Origin, để thực hiện lời tiên tri mà ông đưa ra hồi còn học trung học. Công ty này chuyên để chế tạo tên lửa, máy bay và các hạ tầng phục vụ nhu cầu du hành không gian, ngân sách được lấy ra từ việc bán 1 tỷ USD cổ phiếu của Amazon mỗi năm. Hơn cả quyền sở hữu khổng lồ của ông tại Amazon. Ông cũng cam kết hơn 2 tỷ USD cho các tổ chức phi lợi nhuận để giúp cho người vô gia cư và mang tới cơ hội giáo dục cho người Mỹ có thu nhập thấp. Bezos gọi Blue Origin là công việc quan trọng nhất của ông.