Các cuộc tấn công hôm qua làm 67 người thiệt mạng, khiến ngày 15/8 trở thành ngày đẫm máu nhất ở Iraq trong hơn một năm qua. Vụ việc tồi tệ nhất xảy ra lúc 8h00 theo giờ địa phương ở trung tâm thành phố miền nam Kut, cách thủ đô Baghdad khoảng 160 km về phía nam, khi một quả bom phát nổ trên đường. Không lâu sau, một chiếc xe bom lại phát nổ gần đó, AFP đưa tin. Vụ tấn công kép này khiến 40 người thiệt mạng và 65 người khác bị thương, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

"Tôi đang trên đường tới cửa hàng của mình ở chợ thì đột nhiên bị hất văng xuống mặt đất", một nhân chứng 26 tuổi có tên Saadun Muftin kể lại tại bệnh viện Karama của thành phố Kut. "Tôi tỉnh dậy trong bệnh viện với những vết thương khắp người." Một nhân chứng khác là Mohammed Jassim nói rằng anh thấy khói ở khắp nơi sau các vụ nổ.

Đây là vụ tấn công đơn lẻ tồi tệ nhất tại Iraq kể từ hôm 29/3, khi các phần tử Al-Qaeda tiến hành hàng loạt vụ đột kích vào các văn phòng chính quyền tại thành phố Tikrit, quê hương của cựu Tổng thống Saddam Hussein, khiến 58 người thiệt mạng.

767779_small_65430.jpg

      Lực lượng an ninh Iraq tại hiện trường vụ nổ bom kép ở thành phố Kut.
                                                                                                Ảnh: AFP.

Chính tại Tikrit hôm qua, 3 cảnh sát bị chết và ít nhất 7 người bị thương khi hai kẻ đánh bom liều chết kích hoạt những khối thuốc nổ mà chúng giấu trong người. Vụ việc này xảy ra ngay bên trong trụ sở cơ quan chống khủng bố của thành phố này. Hai kẻ tấn công mặc đồng phục cảnh sát dù vậy đã không thành công trong nỗ lực giải cứu các phần tử Al-Qaeda đang bị giam giữ tại đây.

Trong khi đó, tại tỉnh bất ổn Diyala ở phía bắc thủ đô Baghdad, 8 người, trong đó có 4 binh sĩ, đã chết và 35 người khác bị thương vì hàng loạt vụ tấn công tại thủ phủ Baquba và 5 thành phố khác. Hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu khác ở các thành phố Najaf, Karbala, Kirkuk, Ramadi, Taji, Balad, Mosul, Iskandiriyah nâng tổng số người thiệt mạng tại Iraq trong ngày hôm qua lên con số 67, trong khi số người bị thương vượt ngưỡng 300.

Tình trang bạo lực gia tăng và lên tới đỉnh điểm không lâu sau khi các nhà lãnh đạo Iraq hôm 3/8 tuyên bố sẽ đàm phán với Mỹ về một sứ mệnh huấn luyện an ninh có thể kéo dài tới hết năm 2011. Đó là thời điểm mà 47.000 lính Mỹ phải rút khỏi Iraq theo các điều khoản của một hiệp định an ninh song phương đạt được vào năm 2008.


(Theo VnExpress)