Dù Tim Cook đã lên tiếng trấn an rằng tình trạng thu hẹp cả về doanh thu và lợi nhuận từ iPhone sẽ qua, nhưng có thể chiếc smart phone từng làm điên đảo thế giới sẽ lặp lại kịch bản từng xảy ra với máy tính cá nhân.
Những con số biết nói
Xét theo tình hình hiện nay tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này có thể phải đối mặt với tình trạng xấu trên trong ít nhất hai quý tới. Hơn 2/3 doanh thu Apple đến từ iPhone. Bởi vậy, cuộc vật lộn của 'Táo cắn dở' nhằm tìm lại vinh quang của 'con át chủ bài' càng kéo dài thì người ta lại càng thêm lý do để tin rằng ngày hoàng kim của dòng điện thoại này đã lùi vào dĩ vãng.
Các nhà điều hành của Apple khăng khăng rằng sự suy giảm được dự báo trước này là một phần kết quả của hoạt động điều chỉnh số hàng tồn kho trị giá 2 tỷ USD, khiến sức mua thực tế của người tiêu dùng bị lấn át. Cùng kỳ năm ngoái, Apple bán được khoảng 650 triệu USD sản phẩm mỗi ngày, nhưng năm nay, doanh số iPhone và iPad đã giảm lần lượt 18% và 19%.
Ngoài ra, giá bán trung bình của iPhone chỉ còn 641 USD, thấp hơn so với mức dự đoán 658 USD, khiến cho lợi nhuận của Apple bị ảnh hưởng. Với doanh thu của quý II ước chừng 41 - 43 tỷ USD thì vẫn còn kém xa con số 47 tỷ USD mà giới phân tích Phố Wall mong đợi.
Những thông tin tiêu cực trên đã lập tức khiến giá cổ phiếu của tập đoàn “Táo cắn dở” giảm mất 8%. Hàng loạt số liệu đó đã một lần nữa nhấn mạnh về những gì vốn rõ ràng: Apple đang sống dưới cái bóng của sự thành công trong quá khứ. Doanh số bán hàng tăng vọt sau màn trình làng của iPhone 6 và iPhone 6 Plus hồi tháng 9/2014 - thế hệ điện thoại màn hình lớn đầu tiên của Apple - chắc chắn đã để lại một dấu ấn khó vượt qua.
Tập đoàn công nghệ Mỹ khổng lồ này đang gánh áp lực nặng nề để chứng tỏ rằng điện thoại 'Táo cắn dở' vẫn có thể khơi gợi lại sự hào hứng trong khách hàng, đặc biệt là đối với sản phẩm iPhone 7 dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay.
Thị trường bão hòa, thiếu đột phá
'Chúng ta đã vấp phải trạng thái bình lặng về sự đổi mới…', nhà phân tích Geoff Blaber tại Công ty Phân tích thị trường CCS Insight lý giải về tình trạng suy giảm doanh thu của Apple, '… iPhone không thể phát triển vô hạn'.
Theo Blaber, thử thách lớn nhất đối với Apple chính là hoạt động dựa theo các kỳ vọng quá mức của các nhà sáng lập trước đây. Theo lời kể của Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook, cú 'nghỉ chân' này từng xảy ra cách đây 2 năm. Ông cũng gạt bỏ nhận xét rằng Apple đã bước qua giai đoạn phát triển nhanh trở thành một công ty phát triển trung bình. Trả lời câu hỏi liệu sự giảm tốc này có ám chỉ đã đến lúc cần xem xét lại vị thế của tập đoàn trong làng công nghệ thế giới hay không, CEO Apple khẳng định: 'Chuyện này rồi sẽ qua thôi'.
Nhìn chung, ngành kinh doanh smartphone dường như đều giảm tốc khi các công ty bán điện thoại không thể kích thích người tiêu dùng mua điện thoại mới sau một thập kỷ bùng nổ. Thị trường kinh doanh trị giá hàng trăm tỷ USD này có nguy cơ rơi vào tình trạng từng xảy ra với máy tính cá nhân trước đây: Bùng nổ rồi cân bằng và thoái trào.
Khi đã qua thời điểm 'gây sốt', các sản phẩm công nghệ này sẽ đều trở nên bão hòa với thị trường, nhạt nhòa trong mắt người sử dụng. Nếu cứ sòn sòn ra mắt sản phẩm mới, cái này na ná cái kia và không mang tính cải tiến đột phá, các hãng sản xuất sẽ chẳng thể nào khiến khách hàng của mình hăng hái rút hầu bao thêm được nữa.
Dù doanh thu tụt giảm nhưng Apple vẫn là công ty có giá trị hàng đầu thế giới, lợi nhuận lớn nhất toàn cầu. Tổng tiền mặt của tập đoàn “Táo cắn dở” hiện là 233 tỷ USD, nhiều hơn lượng dự trữ ngoại tệ của các nước trên thế giới cũng như vượt quá Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Séc hay Peru trong một năm. Hãng cũng rất thành công trong các dịch vụ như cung cấp ứng dụng, media và thanh toán, đồng thời “nhúng tay” vào các lĩnh vực mới như xe ô tô điện, thiết bị thực tế ảo… |
Theo tintuc