Việc phát hiện 7 hành tinh có nhiều đặc điểm giống Trái Đất trong cùng một hệ đã mở ra nhiều hy vọng mới cho các nhà khoa học tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh xanh.

 » Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
 

Ngày 22/2, NASA cho biết cơ quan này phát hiện một hệ sao chỉ cách chúng ta 39 năm ánh sáng với 7 hành tinh nhiều khả năng có sự sống.

Tại sao phát hiện này quan trọng?

Trao đổi với Zing.vn, nhà nghiên cứu thiên văn học Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, cho rằng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học khám phá ra tới 7 hành tinh có kích thước cỡ Trái Đất trong cùng một hệ.

Về vị trí, 3 hành tinh trong số đó nằm trong vùng sống được và 4 hành tinh còn lại cũng có khả năng có thể có nước lỏng tồn tại trên bề mặt. Nước lỏng là điều kiện tiên quyết của sự sống.

Vùng sống được (habitable zone) là một giới hạn khoảng cách quanh các ngôi sao vừa đủ, không quá gần và không quá xa để nếu một hành tinh nằm trong khoảng đó thì nhiệt độ nó nhận được từ sao mẹ đủ để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng ở trên đó.

Chẳng hạn, Trái Đất nằm trong vùng sống được của Mặt Trời nên mới có đại dương và sự sống. Nếu nó quá gần thì nước sẽ bay hơi hết vì sức nóng, nếu quá xa thì nước sẽ đóng băng vì không đủ nhiệt. Tuy nhiên, không phải mọi ngôi sao đều như Mặt Trời nên giới hạn của vùng sống được ở mỗi ngôi sao là khác nhau.

Về cấu trúc, ông Sơn cho rằng các hành tinh này còn giống Trái Đất ở chỗ chúng đều là hành tinh đá, khác với các hành tinh khí khổng lồ của Hệ Mặt Trời. Chỉ những hành tinh có bề mặt đá rắn mới có cơ hội cho sự sống phát triển. Trước đây, các nhà khoa học chỉ biết 4 hành tinh bề mặt đất đá trong Hệ Mặt Trời là Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa.

Ngoài ra, theo Washington Post, xưa nay các nhà khoa học đã dự đoán trong dải Ngân hà của chúng ta vốn có rất nhiều hành tinh có đặc điểm giống Trái Đất. Phát hiện mới cho thấy những hành tinh tương tự, tức cũng mang ít nhiều khả năng cho sự sống, có thể còn phổ biến hơn sự tưởng tượng trước kia.

"Mặc dù cho tới nay cả 7 hành tinh này cũng như các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời khác từng được coi là tiềm năng đều chưa được xác nhận chính thức là có nước lỏng, việc phát hiện hệ hành tinh này cũng là một điều đáng chú ý đối với việc tìm kiếm các thiên thể có thể cho phép sự sống trong vũ trụ. Qua đó, chúng ta có thể nhìn nhận lại quá trình hình thành và tiến hóa của các hệ hành tinh trong đó có chính Hệ Mặt Trời", ông Sơn nhận định.

Mô phỏng hệ hành tinh Trappist-1 với 7 hành tinh được ký hiệu từ b đến h. Đồ họa: NASA/JPL-Caltech.

Chuyện gì xảy đến sắp tới?

Theo ông Sơn, dù phát hiện vừa qua là quan trọng, các hành tinh này chỉ mới có thể có nước lỏng, chưa hề có một khẳng định nào chắc chắn về khả năng có sự sống trên 7 hành tinh này. 

Vì vậy, để biết liệu những hành tinh này có thể có sự sống hay không thì các nhà khoa học sẽ còn cần thực hiện thêm nhiều phép đo nữa để xác định khối lượng, kích thước, quỹ đạo...

Với những hành tinh xa như 7 hành tinh của hệ TRAPPIST-1 này, việc xác định chính xác cấu tạo và các đặc điểm bề mặt của chúng là rất khó, nếu không muốn nói là không tưởng.

Ngoài ra, các hành tinh này có thể bị khóa thủy triều vào sao mẹ, có nghĩa là chúng nằm đủ gần để chịu tác động hấp dẫn của sao mẹ, đủ để chúng có chu kỳ quay trùng với chu kỳ chuyển động quanh sao mẹ, khiến cho một mặt của hành tinh luôn hướng về sao mẹ (tương tự như việc Mặt Trăng luôn hướng cùng một mặt về Trái Đất.

Điều này khiến cho các hành tinh này không có mùa, vì một nửa luôn được chiếu sáng và một nửa không bao giờ nhận được ánh sáng từ Mặt Trời. Bản thân yếu tố này cũng khiến cho việc tồn tại sự sống trên những hành tinh này thêm khó khăn.

Theo Washington Post, các nhà khoa học phát hiện ra hệ hành tinh TRAPPIST-1 tự tin rằng đây là mục tiêu tốt nhất nhân loại hiện có để nghiên cứu sự sống ngoài Trái Đất. Các nhà nghiên cứu ngoại hành tinh (hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời) thường để ý đến những hành tinh xoay quanh ngôi sao tương tự Mặt Trời.

Tuy nhiên, vì những ngôi sao trên rất sáng, các hành tinh đá biến thành những chấm nhỏ rất khó quan sát. Các hành tinh trong hệ TRAPPIST-1 dễ được quan sát hơn dưới ánh sáng mờ của sao lùn trắng này.

Ở bầu trời cách đây 39 năm ánh sáng

Các nhà khoa học cũng nói về bầu trời khi nhìn từ các hành tinh vừa được phát hiện. Washington Post cho biết ngôi sao trung tâm của hệ hành tinh mới được phát hiện được gọi là TRAPPIST-1, một ngôi sao lùn có kích cỡ chỉ bằng 1/10 Mặt Trời và nhiệt độ bằng 1/4.

Tuy nhiên, các hành tinh trong hệ cũng gần TRAPPIST-1 hơn nhiều so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời. Vì thế, trông từ bề mặt các hành tinh này, ngôi sao trung tâm của chúng sẽ lớn hơn Mặt Trời nhìn từ Trái Đất nhiều.

Phác họa về ngôi sao TRAPPIST-1 nhìn từ hành tinh TRAPPIST-1f. Ảnh: NASA.

Trong tưởng tượng điên rồ, nếu một ngày con người có thể đặt chân lên bề mặt của hành tinh nằm ngoài cùng trong hệ (TRAPPIST-1h), chúng ta có thể đứng tại đây và ngắm nhìn bầu trời với 6 hành tinh còn lại lần lượt diễu hành. Mỗi hành tinh sẽ là một chấm đen lướt qua ngôi sao màu hồng to lớn. 

"Chưa kể chuyện nó ẩn chứa bí mật gì, hệ hành tinh TRAPPIST-1 sẽ là một cảnh tượng đáng chờ đợi", Washington Post nhận định.

Theo Zing

TIN LIÊN QUAN