Người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 là do sự thiếu hụt tế bào beta trong tuyến tụy nội tiết, nơi chịu trách nhiệm sản xuất insulin. Để theo dõi, kiểm soát lượng đường huyết, bệnh nhân phải thường xuyên làm xét nghiệm và tiêm insulin bổ sung nên rất bất tiện, nguy cơ cao.
Các nhà khoa học đã tìm ra một hướng đi mới trong việc điều trị bệnh tiểu đường - Ảnh: Gizmag
Vì vậy, các nhà khoa học tại Viện Gladstone ở San Francisco (Mỹ) đã nghiên cứu cách biến tế bào da thành tế bào beta cung cấp cho tuyến tụy nội tiết để sản xuất insulin.
Một trong những khó khăn là khi tuyến tụy nội tiết suy yếu sẽ giới hạn tái sinh tế bào beta. Giáo sư Sheng Ding tại Viện Gladstone đã đi theo hướng khai thác công nghệ tế bào gốc để chuyển tế bào da thành tế bào beta giúp tiết ra insulin nội sinh.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu với các tế bào da được gọi là nguyên bào sợi, chúng được thu thập từ những con chuột trong phòng thí nghiệm. Qua cách xử lý với hỗn hợp phân tử và tái lập trình các yếu tố, các nguyên bào sợi sẽ chuyển đổi thành tế bào giống như tế bào nội bì, dạng tế bào này có trong phôi từ rất sớm và cuối cùng chuyển đổi thành các cơ quan chính của nội tạng bao gồm cả tuyến tụy.
Tạp chí Gizmag dẫn lời tiến sĩ Scholar Ke Li cho biết các tế bào nội bì đã chuyển đổi thành các tế bào tụy tạng và được gọi là PPLC, trưởng thành giống như tế bào beta giúp tuyến tụy tiết ra insulin.
Một số con chuột trong thử nghiệm đã bị sửa đổi gen để tăng đường huyết đột biến rồi sau đó được cấy PPLC vào cơ thể, sau một tuần lượng đượng huyết dần trở về chỉ số bình thường.
Khi tiến hành thử nghiệm dài hạn hơn, sau tám tuần cấy ghép PPLC, các nhà khoa học ghi nhận sự gia tăng rõ rệt các tế bào chức năng giúp tăng tiết insulin.
Gizmag dẫn lời tiến sĩ Matthias Hebrok, thành viên trong nhóm nghiên cứu, giám đốc một trung tâm về bệnh tiểu đường, cho biết công nghệ này có thể ứng dụng vào con người tạo nên phương thức chữa bệnh tiểu đường tuýp 1 mới.
Theo Thanhnien