Ngày 1/6, Hy Lạp đã phải chịu sức ép căng thẳng từ tất cả các bên quan tâm đến vấn đề nợ công của nước này đối với những cải cách nghiêm ngặt mà Athens cần thực hiện để tiếp tục nhận được cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tổ chức công đoàn chính ở Hy Lạp GSEE kêu gọi một cuộc đình công trong ngày 9/6 tại tất cả những công ty sẽ được chính phủ tư nhân hóa, và một cuộc tổng đình công vào giữa tháng này để phản đối kế hoạch của chính phủ tư nhân hóa các tài sản nhà nước. Athens dự định bán một số tài sản quốc gia nhằm thu về 50 tỷ euro giúp giảm nhẹ phần nào gánh nặng nợ công hiện đã lên tới 350 tỷ euro.

765975_small_63410.jpg
 Các nhân viên ngành dịch vụ công cộng tham gia biểu tình tại Athens ngày 25/5.
Nguồn: AFP/TTXVN

Hai cuộc tổng đình công diễn ra trong nửa đầu năm nay với mục đích phản đối những biện pháp "khắc khổ" mà EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) buộc Athens phải thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro (158 tỷ USD) hồi giữa năm ngoái.

Trong khi đó, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's đã hạ mức xếp hạng đối với Hy Lạp từ B1 xuống Caa1, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục hạ mức xếp hạng tín dụng của nước này với lý do Athens khó tránh khỏi nguy cơ tái cơ cấu nợ công.

Theo Moody's, quyết định này cho thấy Hy Lạp không thể ổn định được tình hình tài chính nếu không cơ cấu lại nợ công và các chủ nợ thuộc khu vực tư nhân sẽ phải chia sẻ gánh nặng này.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Hy Lạp cho rằng Moody's đã không "đếm xỉa" đến các nỗ lực của Athens nhằm ổn định khu vực tài chính của mình và bị chi phối bởi những đồn đoán trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình nợ công của Hy Lạp.

Giữa lúc Hy Lạp đang nỗ lực hoàn tất đợt kiểm toán hiện nay với các đại diện EU và IMF với hy vọng được giải ngân kịp thời khoản cứu trợ 12 tỷ euro tối cần thiết vào tháng tới, nhà kinh tế hàng đầu ECB Juergen Stark hối thúc Athens tăng cường các nỗ lực cải cách.

Theo quan chức này, người Hy Lạp đã thực hiện những chính sách kinh tế không hiệu quả trong vài thập kỷ qua, nhưng lại sống ngoài khả năng tài chính của mình.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times, thành viên Ban Giám đốc ECB Lorenzo Bini Smaghi cũng đã nói đến "lỗ hổng tài chính" khoảng 60-70 tỷ euro ở Hy Lạp trong thời gian từ năm 2012 đến 2013, khi gói cứu trợ EU/IMF dành cho Hy Lạp hết hiệu lực.

Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn khẳng định tổ chức này không có ý định để Hy Lạp cơ cấu lại nợ, vì một quyết định như vậy không có tác dụng giải quyết những vấn đề cơ bản của Hy Lạp.

Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro Jean-Claude Juncker gặp Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou trong ngày 2/6 để thảo luận tình hình tài chính và ngân sách của nước này, giữa lúc có tin đồn các nhà đầu tư trái phiếu thuộc khu vực tư nhân sẽ phải tham gia bất kỳ khoản cứu trợ bổ sung nào dành cho Hy Lạp.


Theo TTXVN