Giao ban trực tuyến từ huyện đến xã
Xã Thông Thụ (Quế Phong) sau khi sáp nhập hiện có 8 bản, trong đó có những bản sát đường biên giới nên mỗi lần cần họp cán bộ bản phải đi lại rất vất vả, mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, từ tháng 6/2019 đến nay, nhiều cuộc họp ở xã, bản đã được cắt giảm nhờ có hệ thống giao ban trực tuyến kết nối từ huyện đến các xã. Bà Lương Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã Thông Thụ cho hay: “Trước đây, khi có chính sách cần triển khai từ huyện đến thôn, xóm, bản, cán bộ xã phải về dự họp ở trung tâm huyện.
Sau đó, xã triệu tập cán bộ xóm, bản truyền đạt lại, từ đó cán bộ thôn, bản lại triển khai tiếp xuống các cụm dân cư và người dân. Nhưng nay, các cuộc họp ở xã và bản đã được cắt giảm nhờ hội nghị giao ban trực tuyến UBND huyện triển khai đến các xã, thành phần tham dự ngoài cán bộ xã còn có Bí thư, Trưởng bản kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận của 8 bản trên địa bàn. Cán bộ cấp thôn bản được trực tiếp lắng nghe các nội dung triển khai của lãnh đạo huyện, được trực tiếp trao đổi, thảo luận và phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, tình hình công tác ở cơ sở. Nhờ vậy, những băn khoăn, thắc mắc từ cơ sở được lãnh đạo huyện lắng nghe và trao đổi trực tiếp. Điều này đã đem lại cho đội ngũ cán bộ xã, bản động lực để làm việc khi các ý kiến chuyển đến lãnh đạo huyện được cấp trên lắng nghe, quan tâm kịp thời. Vừa giảm áp lực họp hành cho cán bộ cơ sở, vừa tăng hiệu quả công tác”.
Lãnh đạo các xã khác như Mường Nọc, thị trấn Kim Sơn, xã Tiền Phong... đều bày tỏ ghi nhận tính ưu việt của việc áp dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian hội họp. Ông Sầm Tú - Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong còn cho biết thêm, ngoài triển khai giao ban trực tiếp 1 quý 1 lần giữa huyện và các xã, cán bộ thôn, bản thì khi trên địa bàn có những sự việc cần triển khai gấp thông qua “kênh” trực tuyến. Ví như đợt xảy ra dịch tả lợn châu Phi năm 2019, sau đó bùng phát trở lại đầu năm 2020, hoặc các đợt phòng chống thiên tai, bão lũ năm 2020, UBND huyện đã khẩn trương triệu tập các cuộc giao ban trực tuyến tới đội ngũ cán bộ xã và thôn, bản. Nhờ vậy, hệ thống công tác phòng, chống được thực hiện kịp thời, giúp người dân giảm thiểu những thiệt hại. “Không những vậy, nhờ hệ thống giao ban trực tuyến, lần đầu tiên đội ngũ cán bộ xã, xóm, bản chúng tôi được cùng dự họp với cả lãnh đạo Trung ương khi được UBND huyện kết nối với cuộc họp trực tuyến của Chính phủ về triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào đầu năm 2020”, ông Sầm Tú cho biết.
Tập trung công tác cải cách hành chính
Ngoài phát huy hiệu quả tích cực của hệ thống giao ban trực tuyến, tại các địa phương có thực hiện sáp nhập, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nội vụ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn chính quyền, cán bộ chuyên môn sắp xếp, cải tiến các thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu của người dân, nhất là các thủ tục về giấy tờ cá nhân, hộ khẩu, hộ tịch. Tại xã Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Sầm Tú cho hay, sau khi hoàn thành việc sáp nhập các xóm bản, xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về cải cách hành chính, trong đó có nhiều kế hoạch về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng quy chế làm việc tại bộ phận một cửa, kiện toàn các vị trí làm việc tại đây một cách phù hợp. Bên cạnh đó, đầu tư trang thiết bị đồng bộ, lắp camera giám sát các hoạt động và an ninh an toàn tại cơ quan UBND xã.
Còn tại các xóm, bản của xã Tiền Phong, những yêu cầu về công tác cải cách hành chính luôn được tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân thông qua các cuộc họp ở cả 12 thôn, bản. Nhờ vậy, người dân đã nắm được lịch làm việc cũng như các quy định về thủ tục hành chính của UBND xã, giúp giảm hẳn tình trạng người dân thắc mắc về các thủ tục và giảm bớt thời gian đi lại cho người dân.
Thực hiện Công văn 1363/UBND-NV ngày 16/9/2020, các phòng chuyên môn UBND huyện tiếp tục rà soát, thực hiện cắt giảm thêm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đối với 51/276 TTHC (đạt 18,48%), nâng tổng số TTHC thuộc thẩm quyền của UBND huyện đang thực hiện, giảm thời gian giải quyết so với quy định lên 141/276 TTHC (tính đến thời điểm ngày 03/11/2020 (đạt 51,09%). Đồng thời, kết hợp sửa đổi quy trình ISO tại các phòng, ban chuyên môn UBND huyện, và có 2 thủ tục kiến nghị đơn giản hóa thành phần hồ sơ ở lĩnh vực giao thông vận tải. Đối với cấp xã, sau rà soát đã có 143 TTHC các xã thực hiện giảm thời gian giải quyết so với quy định.
Xác định công tác cải cách hành chính phải đi trước một bước, các cấp ngành ở Quế Phong đã tập trung cho công tác này và có kế hoạch chỉ đạo, triển khai ngay từ đầu năm, nhất là tại các xã sau sáp nhập. Ông Nguyễn Quốc Lâm cho biết: “Năm 2020, ngoài ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính cho các đơn vị sau sáp nhập, huyện còn đẩy mạnh thực hiện việc hiện đại hóa nền hành chính công. Cụ thể là khai thác, sử dụng hệ thống Văn phòng điện tử đồng bộ, đồng thời đưa vào vận hành hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến từ huyện đến xã, phát huy hiệu quả tích cực, giảm thiểu đáng kể thời gian đi lại, chi phí cho việc tổ chức hội họp, đảm bảo việc trao đổi thông tin được nhanh chóng hơn so với trước đây”.