Trước đó, vào ngày 17/4, tại gia đình ông Tô Duy Tòng ở xóm Quỳnh 2, xã Châu Bình có lợn ốm chết, kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Huyện Quỳ Châu đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn bị bệnh; đồng thời yêu cầu xã lập 3 chốt kiểm dịch ngay tại xóm Quỳnh 2 để kiểm soát lợn ra vào vùng dịch.
Trao đổi với P.V, ông Tòng cho biết: “Hiện chưa thể khẳng định được nguyên nhân bị dịch vì chúng tôi nuôi lợn khép kín, không thả rông hay ăn thức ăn ngoài. Tuy nhiên, tôi thường đi thu dọn rác tại các khu chợ, các điểm ô nhiễm trên địa bàn, việc này có thể là nguyên nhân lây dịch?".
Chiều 18/4, huyện Quỳ Châu đã có Quyết định số 894/QĐ-UBND công bố dịch tả lợn châu Phi tại xã Châu Bình, đồng thời công bố vùng uy hiếp dịch là xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu.
Bên cạnh đó, huyện Quỳ Châu đã có quyết định thành lập 1 chốt kiểm dịch cấp huyện tại tuyến Quốc lộ 48. Tại chốt có 12 thành viên trực thay phiên bao gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát kinh tế, thú y, chính quyền xã sở tại.
Trưa 19/4, P.V có mặt tại xóm Quỳnh 2, xã Châu Bình ghi nhận về việc lập chốt chặn tại vùng dịch. Theo quan sát, mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng công tác lập chốt kiểm dịch đảm bảo đúng tiến độ, đúng kỹ thuật. Các phương tiện đi qua điểm chốt đều được phun hóa chất đầy đủ.
Khó khăn đối với phòng chống dịch trên địa bàn Quỳ Châu là các hộ dân chủ yếu chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, manh mún. Toàn huyện có trên 25.000 con lợn, trong đó sốlượng lợn tại 2 trang trại và 30 gia trại chỉ chiếm một phần nhỏ.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng dẫn đến việc lượng hóa chất tại chốt sẽ phải cung cấp liên tục. Địa phương xảy ra dịch nằm trên tuyến Quốc lộ 48 nên lưu lượng phương tiện qua lại đông, các cán bộ trực luôn phải túc trực 24/24 giờ để kiểm soát động vật ra vào vùng dịch.
Mặc dù các địa phương đang có dịch đã có những giải pháp khống chế dịch trong diện hẹp, nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, nhảy từ địa bàn này sang địa bàn khác rất khó lường. Nguyên nhân có thể do công tác giám sát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn chưa được chặt chẽ, hơn nữa dịch có thể lây lan từ con đường giao lưu qua lại của con người.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Lập - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT khuyến cáo: Đối với địa phương đã công bố hết dịch, tiếp tục giám sát dịch, không được chủ quan. Đối với các địa phương đang có dịch, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh đã ban hành, không được lơ là thiếu trách nhiệm.
Đối với các địa phương chưa có dịch, chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác giám sát vận chuyển, giết mổ lợn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với người dân hiểu về dịch tả lợn châu Phi để có giải pháp phòng dịch hiệu quả.