Hút thuốc và mang thai - sự kết hợp nguy hiểm nhất: Điều quan trọng nhất khi phụ nữ chuẩn bị mang thai cần lưu ý là những hóa chất độc hại có trong thuốc lá gây hại cho thai nhi và người mẹ, vì những chất này được truyền từ mẹ sang con theo đường máu làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này, thậm chí có thể gây ra các dị tật bẩm sinh.

hutthuoc5548154_25112018.jpg
Hút thuốc lá trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng sinh non, sinh con yếu ớt, nhẹ cân, vỡ ối sớm, nhau tiền đạo, sẩy thai, thai chết lưu. Trẻ em có mẹ hút thuốc lá khi mang thai sẽ có cùng hàm lượng nicotin trong máu cao như người lớn hút thuốc. Ngoài ra, hút thuốc lá (kể cả thụ động) có thể gây vô sinh ở phụ nữ. Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra, sự sụt giảm đáng kể trong phản ứng rụng trứng và thụ tinh ở những người hút thuốc lá. Nhiều hóa chất độc hại đã được tìm thấy có thể gây ra sự biến đổi gene dẫn đến tình trạng thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, ung thư và nhiều mối lo ngại cho sức khỏe của trẻ trong tương lai.
Hút thuốc lá và liệu pháp hormone - một cái chết được báo trước:Bắt đầu thời kỳ mãn kinh, nhiều phụ nữ dùng liệu pháp thay thế estrogen cung cấp và bổ sung cho làn da và hệ xương khớp. Tuy nhiên, điều này lại càng nguy hiểm hơn đối với phụ nữ hút thuốc có thể phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng của bệnh tim mạch, đột quỵ và nguy cơ tử vong khi sử dụng liệu pháp estrogen. Hàng năm có khoảng 34.000 phụ nữ tử vong do bệnh tim và thiếu máu cục bộ với nguyên nhân là hút thuốc lá trong một thời gian dài. Mặc dù, đa số các trường hợp tử vong xảy ra đối với phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh, nhưng nguy cơ mắc bệnh tim mạch liên quan đến hút thuốc ở người trẻ lại cao hơn. 


Hút thuốc lá - tăng sự tàn phá hệ xương khớp:Trong một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Creighton (Mỹ) đã chỉ ra những tổn hại mà thuốc lá gây ra đối với hệ thống xương khớp. Theo đó, khói thuốc làm kích thích cơ thể sản sinh ra 2 loại protein cung cấp các tế bào phá hủy xương hơn mức bình thường, nó có thể vừa phá hủy xương cũ đồng thời hạn chế hình thành tế bào xương mới. Do đó, với những người nghiện thuốc lá trên 10 năm sẽ có nguy cơ loãng xương cao hơn người bình thường hoặc sự tái tạo tế bào xương và điều trị khi gặp vấn đề về xương khớp cũng khó khăn hơn.

Tăng nguy cơ và biến chứng của bệnh vẩy nến: Thường xuyên hút thuốc lá, không chỉ khiến nguy cơ phát triển bệnh vẩy nến cao hơn, mà các chuyên gia còn cho rằng, hút thuốc lá có thể chỉ là một dấu hiệu khởi phát và làm cho bệnh ngày càng nặng hơn. Đặc biệt, nguy hiểm hơn đối với người nghiện thuốc lá là phụ nữ do họ có sức đề kháng kém nên bệnh sẽ trở nên trầm trọng hơn, có thể bệnh sẽ không chỉ biểu hiện ở da mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác, thậm chí cả cơ quan nội tạng. Cần lưu ý, số năm hút thuốc có liên quan đến mức độ nặng thêm của bệnh vẩy nến.

Do đó, kiểm soát thực trạng hút thuốc lá ở nữ giới là một phần rất quan trọng của bất kỳ chiến lược kiểm soát thuốc lá nào trên thế giới.