Thực trạng
Ngày 17/10/2019, đang ở trong nhà, ông Đinh Văn Mão (ở xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương) giật bắn người vì tiếng lở ầm ầm phía bờ sông. Chạy ra khỏi nhà, ông bàng hoàng nhìn thấy cả đoạn kè bê tông cốt sắt mới xây dựng xong vài tháng đang lao thẳng xuống dòng sông Lam. “Bờ kè bị hư hỏng khiến bờ sông bị sạt lở, chúng tôi phải đóng cọc tre, gỗ, hy vọng giữ được bờ” - ông Mão cho biết. 
Sống ngay sát bờ sông, từ gần 1 năm nay, bà Nguyễn Thị Luận không dám ngủ trong gian nhà phía sau sát bờ sông nữa. “Từ khi kè trôi xuống sông, bờ sông ngày càng lấn vào nhà, tường chuồng trâu, bò cũng đã bị nứt rồi, nhà chính chỉ còn cách sông vài mét” - bà Luận lo lắng, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần, bà không thể đoán được ngôi nhà mình sẽ có thể bị sạt theo vào lúc nào.
 
bna_a17207157_1482020.jpgNgười dân xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) đóng cọc tre để bờ sông đỡ sạt lở. Ảnh: Phú Hương

Công trình kè chống sạt lở bờ sông Lam đoạn 2, xã Thanh Lĩnh có tổng mức đầu tư 4 tỷ đồng, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng ngày 28/12/2018. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 1 năm, trong đợt mưa từ ngày 14 - 17/10/2019, đoạn kè khoảng 80m đã sạt lở.

Theo ông Trần Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý đê điều - Chi cục Thủy lợi tỉnh, kè sập do nhiều nguyên nhân. Phản ánh của người dân địa phương cho biết, một số phương tiện tàu thuyền lợi dụng đêm tối thường tiếp cận, khai thác trái phép cát, sỏi tại những vị trí gần chân kè, gây sụt lún lòng sông. Cộng thêm sau khi kè xây dựng xong, một số hộ dân đã lấn chiếm, đắp mở rộng vườn, xây dựng móng nhà, bờ rào trên thềm bãi dọc đỉnh kè, đổ chất thải lên đỉnh kè.

“Những yếu tố đó tổ hợp lại, gặp đợt mưa lớn trong 4 ngày hình thành dòng chảy có lưu lượng và lưu tốc lớn đổ thẳng xuống thân kè, đã làm mất ổn định đáy sông và các kết cấu của kè, gây ra cung trượt sâu, kè và bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng” - ông Toản nói.

“Trước đây do biến đổi dòng chảy, bờ sông Lam đi qua địa bàn xã đã nhiều lần sạt lở, có khi cuốn trôi cả bờ tre chắn sóng. Tuyến kè được nhà nước đầu tư xây dựng, người dân chưa kịp yên tâm thì đã sập. Thời gian qua chúng tôi đã tập trung nhiều giải pháp, phối hợp đẩy đuổi nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, các đối tượng chủ yếu hoạt động về đêm khuya nên rất khó xử lý”.

Ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh

Các vết nứt đã xuất hiện trên tường chuồng trại chăn nuôi của các hộ dân sống sát bờ sông có kè bị sập tại xã Thanh Lĩnh. Ảnh: Phú Hương

Bờ kè dọc phía Tả Lam đoạn đi qua xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên cũng được đầu tư xây dựng với mục đích chống sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, hiện trên suốt chiều dài gần 1 km kè ở đây đã bị hư hỏng, nhiều đoạn hư hỏng nghiêm trọng.

Ông Trương Cường - một người dân sống ngay gần bờ sông cho biết: Tình trạng hút cát, sỏi diễn ra khá phổ biến, không kể ngày đêm. Ngay khi chúng tôi đến, vẫn thấy có tàu hút cát đang hoạt động. “Họ hút cát liên tục làm rỗng, hỏng chân kè, nếu mà không ngăn chặn thì có làm kè như thế nào cũng hỏng. Sống gần sát sông nên chúng tôi rất lo lắng, người dân cũng đã từng đẩy đuổi nhưng không được” - ông Cường bức xúc. Mấy năm nay, sông ngày càng lấn vào làng, nhiều diện tích hoa màu ven sông của bà con đã thành sông. 

Cần xử lý dứt điểm
Những năm qua, từ nguồn vốn Nhà nước, Nghệ An đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các tuyến kè dọc bờ các con sông lớn nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho người dân; trong đó có cả kè chống sạt lở bờ sông, chống mất đất sản xuất và kè bảo vệ từ xã cho các con đê, chủ yếu trên dọc sông Lam và sông Hiếu. 
Tuy nhiên, đến nay nhiều đoạn kè đã hư hỏng nặng, như ở địa bàn Nhân Khánh, Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên); thậm chí kè trôi hẳn xuống sông chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng như kè Thanh Lĩnh. Kè Nhân Khánh thì đã phải sửa đi, sửa lại nhiều lần; kè Nam Trung (Nam Đàn) cách đây 3 - 4 năm đã bị sụt, đoạn kè dài gần 2 km, bảo vệ khu dân cư và đất sản xuất của xã Nam Trung, giờ chỉ còn trơ cái khung bê tông, chân và mái đã bị sụt gần hết.
Khai thác cát ở huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu Văn Trường

Khó khăn trong bảo vệ các đoạn kè hiện nay, đó là thường các mỏ cát đẹp lại nằm gần bờ và kè, các phương tiện thò vòi vào sát chân kè để hút cát gây hư hỏng nặng. Ngoài ra, một số tuyến kè khác tuy chưa hư hỏng nặng nhưng kết cấu của kè đã bị ảnh hưởng, nếu lâu dài tình trạng hút cát sát chân kè không được ngăn chặn kịp thời, sẽ gây nguy hiểm công trình, nhất là các tuyến kè bảo vệ bờ. 

Trước tình trạng nạn khai thác cát trái phép làm hư hỏng nhiều tuyến kè thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã nhiều lần gửi công văn đến các địa phương, ngành công an, môi trường đề nghị phối hợp xử lý; nhiều đoàn kiểm tra đã được thành lập, đẩy đuổi và xử phạt vi phạm. Vài năm nay tình trạng này đã giảm, không còn ngang nhiên như trước, nhưng vẫn chưa thực sự có chuyển biến mạnh.

“Nếu vẫn để tiếp diễn lâu dài, nạn khai thác cát trái phép tại những điểm không được phép khai thác sẽ làm kè bị hư hỏng. Mấy năm qua Nghệ An không có lũ lớn, hệ thống này vẫn đang duy trì, vớt vát tác dụng, nhưng nếu gặp lũ lớn, khả năng kè sập sẽ cực kỳ lớn, tác dụng bảo vệ bờ sông và các tuyến đê sẽ không còn, thậm chí có khả năng nguy hiểm cho an toàn tài sản và tính mạng người dân”

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An