(Baonghean) - Thời gian qua, cùng với sự giúp đỡ của các dự án tài trợ, tỉnh Nghệ An đã tăng cường các biện pháp truyền thông vận động thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV, tăng cường tiếp cận, cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS… Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp khiến mục tiêu “không còn người nhiễm mới HIV” đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và toàn thể người dân.
 
images885263_a1.jpgĐồng chí Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo ngành Y tế tặng quà, động viên bệnh nhân HIV/AIDS.
So với các địa phương trong tỉnh, huyện Quế Phong có tỷ lệ người nhiễm HIV cao vào hàng thứ 2, với số người nhiễm được thống kê trong năm 2013 là 1.052 người. Toàn huyện có 14 xã, thị trấn thì có tới 13 xã có người nhiễm, số xã có người nhiễm nhiều nhất là Đồng Văn, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Thôn… Làm phép so sánh đơn thuần giữa số người nhiễm năm 2010 của huyện là 455 người và số người nhiễm hiện nay thì con số này thực sự đáng báo động. Song đi sâu vào tìm hiểu thực tế, phép so sánh này đã cho thấy một tín hiệu tích cực, đó là ngày càng nhiều người nhiễm được phát hiện và chăm sóc. 
 
Lý giải về việc tăng bất thường số người nhiễm, bác sỹ Mạc Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho hay: Thời gian qua, các chương trình phòng chống HIV/AIDS ngày càng được phủ rộng, lan tỏa đến tận vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS đã được huyện chú trọng bằng việc hàng tháng cử nhiều đợt cán bộ y tế sử dụng cả tiếng Kinh và ngôn ngữ địa phương về nói chuyện cho bà con tại các cuộc họp.
 
Kết quả, nhận thức của người dân về căn bệnh được nâng lên, sự kỳ thị người bệnh cũng như tâm lý e dè, mặc cảm, chờ chết dần được xóa bỏ. Điều này đã khiến ngày càng nhiều người dân tự nguyện đến với phòng khám và xét nghiệm để được phát hiện bệnh, được chăm sóc... Mặc dù đã có những thành quả nhất định trong việc phòng chống HIV/AIDS nhưng bác sỹ Lâm cũng rất lo lắng trong việc thực hiện mục tiêu không còn người nhiễm mới, bởi Quế Phong có địa bàn dân cư phân bố rộng, núi cao cách  trở, đời sống người dân nhiều khó khăn, dân trí thấp nên công tác tuyên truyền phổ biến về pháp luật, đặc biệt kiến thức về bệnh gặp nhiều trở ngại. Huyện vẫn là vùng trọng điểm về ma túy và tệ nạn xã hội, trong khi hệ thống giám sát đánh giá chưa xác đáng... 
 
Cùng chung ý kiến, một số cán bộ huyện cũng bày tỏ sự phân ưu: Mấy năm nay, công trình Thủy điện Hủa Na được xây dựng đã khiến nhiều bản làng ở Đồng Văn thêm sầm uất. Và ngược lại, các tệ nạn xã hội nơi đây lại gia tăng. Tình trạng tiêm chích, tình dục không an toàn đang là một nguy cơ lớn lây nhiễm HIV.
 
Tương tự như Quế Phong, huyện Tương Dương cũng đang là địa bàn có số người nhiễm cao với 837 người, đứng thứ 3 toàn tỉnh. Xác định rõ nguyên nhân chính dẫn đến việc lây nhiễm là do con đường tiêm chích, ngoài việc thực hiện nâng cao kiến thức cho người dân về HIV/AIDS và việc thực hành các hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV, huyện Tương Dương tập trung vào việc đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy. Bác sỹ Phạm Quốc Dương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho biết: Hiện nay, số người nghiện tiêm chích ma túy ở huyện là 1.400 người.
 
Các cấp, ngành, địa phương với lực lượng chủ đạo là công an, dân quân tổ chức các đợt ra quân truy quét, xóa bỏ các tụ điểm ma túy, điển hình ở các xã: Lượng Minh, Yên Na, Nga My. Trạm y tế các xã thực hiện việc cấp phát bao cao su, phát và thu gom bơm kim tiêm không vì mục tiêu kinh tế mà đi vào chiều sâu, phối hợp với các tổ chức chính quyền, công an rà soát các đối tượng nghiện trên địa bàn xã để quản lý, đưa các đối tượng ma túy vào trung tâm cai nghiện. Các đối tượng sau khi cai nghiện thành công thì huyện giao cho các tổ chức giáo dục như Trung tâm Lao động xã hội tiếp tục quản lý (hiện nay đang quản lý 130 – 150 người). Thực tế cho thấy, sau khi có biện pháp tích cực thì trật tự xã hội ổn định hơn…
 
Để làm giảm nguy cơ lây truyền HIV qua đường tiêm chích, từ tháng 9/2012, tỉnh ta đã thực hiện chương trình Methadone thay thế các chất ma tuý nhằm làm cho người nghiện không lệ thuộc vào việc dùng chất ma tuý bất hợp pháp. Cơ sở điều trị Methadone được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại ngay tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, có quy mô từ 250-300 bệnh nhân. Việc đưa vào sử dụng trụ sở, trang thiết bị mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sỹ làm việc cũng như bệnh nhân đến điều trị ở đây. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai chương trình cai nghiện bằng Methadone, tỷ lệ bệnh nhân dùng thuốc trên 6 tháng tuân thủ tốt các quy định của chương trình, đã có 329 người đăng ký, trong đó có 234 người điều trị.
 
Có thể khẳng định rằng, việc triển khai điều trị Methadone đã làm giảm nguy cơ lây nhiễm H và các bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B, C và một số bệnh xã hội ở Thành phố Vinh – địa bàn có số người nhiễm cao nhất tỉnh. Anh Lê Văn D, 28 tuổi, ở phường Hưng Dũng, có thâm niên 9 năm nghiện ngập đang được điều trị Methadone chia sẻ: “Tần suất sử dụng heroin của anh sau khi được điều trị giảm hẳn, sức khỏe bản thân khá hơn và đặc biệt nỗi lo mình lây nhiễm HIV cũng không còn khi không sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma tuý”.... Bác sỹ Nguyễn Văn Hướng - Trưởng cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Chương trình methadone đang được mở rộng dần ra các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Diễn Châu và Tương Dương. Chương trình này bước đầu đã thực sự có hiệu quả để người nghiện từ bỏ tiêm chích ma túy, giảm lây nhiễm HIV. Dự kiến đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 7 cơ sở Methadona với hơn 1700 bệnh nhân tham gia điều trị.
 
Bác sỹ Luyện Văn Trịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh khẳng định: Hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV, những năm gần đây, Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm đã được thành lập tại 3 cấp tỉnh, huyện/thành/thị, xã/phường/thị trấn. Việc can thiệp, giảm tác hại được đầu tư, chú trọng. Chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm được triển khai đều khắp. Cụ thể như:  Chương trình cấp phát miễn phí và trao đổi bơm kim tiêm được triển khai tại 8 huyện, thành thị, hàng năm phân phát khoảng 700 ngàn – 1 triệu bơm kim tiêm cho người nghiện chích ma túy. Chương trình phân phát bao cao su thực hiện tại 21/21 huyện, thành, thị, từ tháng 9/2012 bắt đầu chương trình thí điểm 100% bao cao su tại Thành phố Vinh và Thị xã Cửa Lò. Việc điều trị đang triển khai tại 9 phòng khám ngoại trú ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, huyện Diễn Châu, Hưng Nguyên, Tương Dương, Thị xã Thái Hòa, Thành phố Vinh, Trung tâm Giáo dục xã hội 1, xã hội 2. Tính đến đầu năm 2013, có gần 1.800 bệnh nhân đang được điều trị ARV tại 9 phòng khám này.
 
Cũng theo bác sỹ Trịnh, Nghệ An vẫn đang là 1 trong 6  tỉnh thành có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất trong cả nước. Để đạt tới mục tiêu không có người nhiễm HIV mới, trong thời gian tới, tỉnh ta đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi mà các dự án nước ngoài cắt giảm nguồn tài trợ, nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014 đã bị cắt giảm nhiều, theo dự kiến sẽ cắt chi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS giảm gần 60% so với năm 2013. Điều này sẽ dẫn tới, bộ máy cộng tác viên ở thôn bản hoạt động kém hiệu quả, bơm kim tiêm và bao cao su cũng ít theo. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với người bệnh, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế. Nhận thức về HIV/AIDS của người dân chưa tốt nên hoạt động truyền thông can thiệp giảm thiểu tác hại chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tuy có giảm nhưng ở nhiều địa phương còn khá nặng nề... Đây là những nguy cơ tiềm tàng có thể gây bùng nổ dịch nếu chúng ta chủ quan, mất cảnh giác”. 
 
Trong cuộc làm việc với Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế và chương trình PEPTAR Hoa Kỳ mới đây, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: Nghệ An dù đang là tỉnh nghèo song tỉnh cam kết phấn đấu duy trì kết quả và tiếp tục triển khai tốt công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới bằng việc ưu tiên hỗ trợ kinh phí sự nghiệp cho chương trình phòng chống HIV/AIDS... Thực tế cũng đang chỉ ra rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí, để thực hiện tốt mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV, rất cần sự vào cuộc tích cực, đầu tư nguồn lực mạnh mẽ hơn từ các cấp, các ngành ở nhiều địa phương và kể cả gia đình bệnh nhân. Xin mượn lời ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương thay cho lời kết: Phòng chống HIV/AIDS là cuộc chiến lâu dài. Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh cần có những biện pháp đồng bộ từ việc đấu tranh với tệ nạn xã hội đến việc phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cũng như làm tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Thời gian tới, công tác này cần phải tạo ra phong trào có quy mô và sâu rộng, phải có sự đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.
 
Bài, ảnh: Thành Chung - Thúy Hiền