(Baonghean.vn) - Ngày 12/6/2017, Ban chỉ đạo xác nhận người có công tỉnh Nghệ An có Văn bản số 328/HD-BCĐXNNCC về hướng dẫn quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Nội dung như sau:

Thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công và Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 04/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh Nghệ 

Trên cơ sở đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại cuộc họp Ban chỉ đạo xác nhận người có công tỉnh vào ngày 05/6/2017;

Ban Chỉ đạo xác nhận người có công tỉnh hướng dẫn triển khai quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. Khái niệm, đối tượng và nguyên tắc thực hiện

1. Khái niệm: Hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công là hồ sơ đã lập trước ngày 01/7/2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã thiết lập đầy đủ nhưng thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

2. Đối tượng

a) Đối tượng áp dụng:

- Ngoài đối tượng liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh quy định tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 04/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.

- Ban Chỉ đạo xác nhận người có công tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tiến hành rà soát, xem xét giải quyết tất cả đối tượng đã lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ đối với người có công quy định tại Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công trên địa bàn tỉnh.

b) Đối tượng không áp dụng:

- Đào ngũ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi;

- Đang chấp hành án tù giam, tù chung thân hoặc bị kết án về một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia;

- Bị tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu công an nhân dân, danh hiệu dân quân tự vệ, bị buộc thôi việc;

-  Các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận người có công với cách mạng như: Người bị chết đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ hoặc đã được giải quyết chế độ tử sĩ, quân nhân từ trần, tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh; Người bị thương đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh hoặc đã được giải quyết chế độ tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh.

Ví dụ: Tất cả các trường hợp đã thiết lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định tại một số văn bản như Thông tư liên tịch số 18/1991/TTLB-BLĐTBXH-BQP ngày 31/12/1991, Thông tư số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/11/1998, Thông tư số 16/1999/TTLT-BLĐTBXH-TWĐTNCSHCM ngày 06/7/1999, Thông tư số 27/1999/TT-BLĐTBXH (hồ sơ kê khai theo dạng 02 người làm chứng) tuy đã được giới thiệu đi giám định y khoa và  Hội đồng giám định y khoa đã kết luận nhưng bị thanh tra, kiểm tra dừng thực hiện chế độ theo Chỉ thị số 14 năm 1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và theo kết luận không thực hiện chế độ của Cục người có công Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,…

3.  Nguyên tắc thực hiện:

a) Việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công phải được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện; về thủ tục cần xem xét, vận dụng cụ thể cho từng trường hợp, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, đồng thời tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin, mọi căn cứ có cơ sở phục vụ việc xác nhận người có công.

b) Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công phải được thực hiện ở địa phương nơi đối tượng tham gia cách mạng hoặc nơi cư trú trước khi tham gia cách mạng (trường hợp hoạt động thoát ly). Trường hợp người có công hoặc người lập hồ sơ đã chuyển tới nơi cư trú ở địa phương khác thì địa phương nơi lập hồ sơ trước đây có trách nhiệm xem xét giải quyết, không chuyển hồ sơ tới nơi cư trú mới để giải quyết tồn đọng.

c) Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cá nhân, tổ chức liên quan, đặc biệt là các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, đồng chí, đồng đội cùng hoạt động, ý kiến của cộng đồng nhân dân, đồng thời phát huy tốt vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong minh bạch kết quả giải quyết hồ sơ.

d) Đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Đặc biệt tại bước xét duyệt ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia giám sát.

II. Phân loại hồ sơ

Căn cứ vào số hồ sơ hiện có thuộc trách nhiệm của địa phương phải giải quyết, được phân loại như sau: Hồ sơ đủ điều kiện (hồ sơ đã hoàn thành); hồ sơ có thể hoàn thiện để xem xét giải quyết; hồ sơ không đủ điều kiện.

1. Hồ sơ đủ điều kiện: là các hồ sơ đã có đầy đủ giấy tờ, thủ tục theo đúng quy định của các văn bản pháp luật tại thời điểm thiết lập hồ sơ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được xác nhận giải quyết.

2. Hồ sơ có thể hoàn thiện để xem xét, giải quyết: là hồ sơ thiếu một số giấy tờ, thủ tục theo quy định nhưng có thể hoàn thiện bổ sung để được công nhận. Đối với hồ sơ loại này phải làm rõ cần bổ sung những loại giấy tờ nào, do cơ quan nào cấp hoặc cần xác minh những điểm gì hồ sơ để có thể kết luận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện xác nhận giải quyết.

3. Hồ sơ không đủ điều kiện: là các giấy tờ, thủ tục trong hồ sơ không đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện xác nhận đối tượng người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật.

III. Quy trình xét duyệt

1. Đối với người đề nghị xác nhận người có công

- Nếu hồ sơ đã hoàn thiện gửi về Hội đồng xác nhận người có công cấp xã.

- Nếu hồ sơ chưa hoàn thiện thì đối tượng cần bổ sung một trong các loại giấy tờ, căn cứ pháp lý chứng minh được thời gian tham gia cách mạng, kháng chiến, bị thương, hy sinh,…; Có bản cam kết của người kê khai đề nghị xác nhận người có công được UBND cấp xã xác nhận.

Ví dụ: Người tham gia kháng chiến là dân công hỏa tuyến đã thiết lập hồ sơ trước ngày 01/7/2013 nhưng hồ sơ thiếu một số giấy tờ, thủ tục có thể hoàn thiện theo đúng quy định của các văn bản pháp luật tại thời điểm thiết lập hồ sơ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được xác nhận thì tiến hành bổ sung một trong các giấy tờ: Quyết định, danh sách của UBND cấp xã, cấp huyện, tài liệu liên quan khác, lý lịch Đảng, lý lịch cán bộ của bản thân người tham gia kháng chiến hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con (con đẻ, con nuôi hợp pháp) của người tham gia kháng chiến khai trước ngày 01/01/1995  thể hiện việc điều động đi dân công hỏa tuyến. Nếu các giấy tờ, tài liệu liên quan có ghi bị thương nhưng không ghi cụ thể vết thương thực thể thì UBND huyện chỉ đạo cơ quan y tế cấp huyện kiểm tra, lập biên bản về vết thương thực thể; nếu còn mảnh kim khí trong cơ thể thì thực hiện theo Khoản 2, Điều 6 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 giữa Bộ Lao động - TBXH và Bộ Quốc phòng về hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ.

2. Tổ chức xét duyệt tại cấp xã:

Bước 1: Tổ chức họp nhân dân tại khối, xóm, bản để lấy ý kiến nhân dân đối với từng hồ sơ bằng hình thức bỏ phiếu kín; lập biên bản họp kèm theo danh sách các hồ sơ được nhân dân đồng thuận, không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại hoặc tố cáo (theo mẫu số 1- Biên bản họp lấy ý kiến nhân dân).

Bước 2: Tổ chức niêm yết công khai danh sách tại trụ sở UBND xã và tại khối, xóm, bản; đồng thời thông báo trên phương tiện phát thanh của địa phương trong thời gian tối thiểu 15 ngày. Lập biên bản niêm yết công khai kèm theo danh sách các hồ sơ không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại hoặc tố cáo (theo mẫu số 2 - Biên bản tổng hợp kết quả niêm yết công khai của UBND cấp xã).

Bước 3: Tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã; mời đại diện Ban chỉ đạo xác nhận người có công cấp huyện dự họp.

Tại cuộc họp các thành viên dự họp phải được nghe báo cáo đầy đủ từng hồ sơ, tham gia ý kiến và biểu quyết từng trường hợp. Lập biên bản, ghi rõ từng ý kiến tham gia, kèm danh sách các trường hợp được nhất trí thông qua (theo mẫu số 3-Biên bản họp Hội đồng xác nhận người có công diện tồn đọng cấp xã).

Bước 4: Căn cứ kết quả xét duyệt của Hội đồng đối với các hồ sơ đủ điều kiện và phải được sự đồng thuận thống nhất cao; Ủy ban nhân cấp xã có văn bản báo cáo và kèm theo toàn bộ hồ sơ gửi về Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua phòng Lao động Thương binh và Xã hội).

Đối với các hồ sơ chưa đủ điều kiện còn có những vướng mắc, chưa có sự đồng thuận cao thì tiếp tục xác minh làm rõ, củng cố thêm chứng cứ; trường hợp qua xác minh không thu thập được các chứng cứ, không đủ cơ sở, điều kiện để xác nhận thì Chủ tịch UBND xã có thông báo kết luận rõ lý do từng hồ sơ không đủ điều kiện xác nhận cho thân nhân, đối tượng biết và kết thúc xác lập hồ sơ.

3. Tổ chức xét duyệt tại cấp huyện:

Bước 1: Trước khi tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo cấp huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, phân loại hồ sơ:

- Hồ sơ đủ căn cứ trình.

- Hồ sơ phải xác minh thêm như: giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ có điểm mâu thuẫn; người làm chứng không có giấy tờ phản ánh quá trình hoạt động hoặc giấy tờ không rõ ràng,…

- Hồ sơ không đủ điều kiện trình.

Đối với hồ sơ phải xác minh thêm: tổ chức xác minh hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền, cơ quan cấp giấy tờ, tài liệu có mâu thuẫn tiến hành xác minh.

Bước 2: Họp Ban chỉ đạo xác nhận người có công để xét duyệt từng hồ sơ, lập biên bản xét duyệt (theo mẫu số 4- Biên bản họp Ban chỉ đạo xác nhận người có công diện tồn đọng). Tất cả các thành viên phải được nghe báo cáo đầy đủ các nội dung của từng hồ sơ, thảo luận và biểu quyết từng trường hợp một. Đồng thời cho ý kiến về các trường hợp phải xác minh thêm.

Bước 3: Căn cứ biên bản xét duyệt của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận bị thương, giấy báo tử đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền (nếu hồ sơ chưa có giấy báo tử hoặc giấy chứng nhận bị thương) theo quy định tại điểm đ khoản 2, Điều 18 và điểm đ, Khoản 2, Điều 28 Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Đối với hồ sơ đề nghị công nhận người hưởng chính sách như thương binh, trong đó có ghi vết thương thực thể thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo cơ quan y tế cấp huyện kiểm tra vết thương thực thể và lập biên bản kiểm tra (theo mẫu số 5 - Biên bản kiểm tra vết thương thực thể) trước khi cấp giấy chứng nhận bị thương. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương, giấy báo tử của Chủ tịch UBND huyện là các đối tượng quản lý, bao gồm: Dân công hỏa tuyến, dân quân du kích, tự vệ địa phương, xã viên hợp tác xã được điều động trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu,...

Bước 4: Trường hợp hồ sơ không thuộc thẩm quyền cấp giấy báo tử, giấy chứng nhận bị thương của cấp huyện thì có văn bản chuyển toàn bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, Điều 18 và Khoản 2, Điều 28 Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

- Đối với trường hợp xét duyệt đề nghị xác nhận là đối tượng Thanh niên xung phong, nếu thuộc Bộ Giao thông - Vận tải quản lý thì Ban Chỉ đạo xác nhận người có công cấp huyện tiếp nhận, tổng hợp chuyển hồ sơ đến Bộ Giao thông - Vận tải để cấp giấy chứng nhận bị thương, giấy báo tử; nếu thuộc các cơ quan đơn vị khác quản lý thì chuyển đến Sở Nội vụ để trình Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận bị thương, giấy báo tử.

- Đối với các hồ sơ thuộc trách nhiệm xem xét của ngành Quân đội, Công an thì chuyển hồ sơ về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh để tiến hành các bước tiếp theo. Sau khi hoàn thiện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chuyển hồ sơ về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (qua Sở Lao động - TB và XH).

Bước 5: Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử, giấy chứng nhận bị thương chuyển hồ sơ đã hoàn thiện tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (qua phòng Người có công).

Đối với các hồ sơ chưa đủ điều kiện còn có những vướng mắc, chưa có sự đồng thuận cao thì tiếp tục xác minh làm rõ, củng cố thêm chứng cứ; trường hợp qua xác minh không thu thập được các chứng cứ, không đủ cơ sở, điều kiện để xác nhận thì Chủ tịch UBND cấp huyện có thông báo kết luận rõ lý do từng hồ sơ không đủ điều kiện xác nhận cho thân nhân, đối tượng biết và kết thúc xác lập hồ sơ.

4. Tổ chức triển khai xét duyệt thuộc trách nhiệm cấp tỉnh

Bước 1: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi tiếp nhận hồ sơ do cấp huyện và các cơ quan có thẩm quyền chuyển đến có trách nhiệm phân loại hồ sơ: Hồ sơ đủ điều kiện; Hồ sơ phải cần xác minh thêm; Hồ sơ không đủ điều kiện; nghiên cứu thẩm tra và lập trích ngang theo từng loại hồ sơ.

Tổ xác minh tiến hành xác minh, làm rõ thêm những nội dung mà trong hồ sơ thể hiện chưa rõ, mâu thuẫn, thông qua: xác minh giữa lời trình bày trực tiếp của người làm chứng với nội dung trong hồ sơ, hoặc bổ sung thêm thông tin, các chứng cứ tra cứu tàng thư lưu trữ, phục vụ cho việc xem xét đề nghị tại cuộc họp Ban chỉ đạo tỉnh lần thứ nhất.

Bước 2: Tại cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ nhất sau khi nghe báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các thành viên tham gia xem xét cho ý kiến cụ thể  từng trường hợp.

- Đối với hồ sơ đã hoàn thiện thì xác định cụ thể trường hợp nào đồng thuận đề nghị công nhận và trường hợp không đồng thuận.

- Đối với hồ sơ vẫn còn vướng mắc nội dung chưa rõ hoặc mâu thuẫn cần làm rõ thêm, thì giao trách nhiệm cho Tổ xác minh hoặc cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm xác minh.

- Đối với hồ sơ chưa hoàn thiện: Cụ thể nội dung cần xác minh, thời gian hoàn thành để cho cơ quan quản lý chịu trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện.

- Đối với hồ sơ không đủ điều kiện: Có kết luận rõ lý do từng trường hợp và giao cho cơ quan có thẩm quyền trả lời.

Bước 3: Các cơ quan được phân công hoàn thiện hồ sơ hoặc tổ xác minh triển khai thực hiện; sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì chuyển hồ sơ về cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu thẩm tra và báo cáo Ban chỉ đạo để tổ chức cuộc họp lần thứ hai.

Bước 4: Công khai và thu thập thông tin

- Đối với các trường hợp đã được Ban chỉ đạo cấp tỉnh thống nhất đề nghị xác nhận người có công với cách mạng, tổ chức đăng tải trên trang thông tin điện tử và trên Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, ít nhất 3 kỳ trong thời gian 15 ngày để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi, tiếp tục tham gia ý kiến (theo mẫu số 6 - Nội dung đăng tải công khai trên trang Web của tỉnh; Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh).

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm tiếp nhận và tổng hợp các thông tin phản hồi của cán bộ, đảng viên và nhân dân báo cáo Ban chỉ đạo (theo mẫu số 7 - Bảng tổng hợp kết quả thu thập ý kiến trên phương tiện truyền thông).

Bước 5: Căn cứ kết quả công khai đối với các hồ sơ không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại hoặc tố cáo, thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo UBND tỉnh có văn bản đề nghị xác nhận người có công với cách mạng, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Người có công).

Đối với các hồ sơ thuộc thẩm quyền xác nhận của Quân đội, Công an thì thực hiện các bước tiếp theo quy định của Ngành Quân đội và Công an.

Bước 6: Đối với các hồ sơ chưa đủ điều kiện còn có những vướng mắc, chưa có sự đồng thuận cao thì tiếp tục xác minh làm rõ, củng cố thêm chứng cứ; trường hợp qua xác minh không thu thập được các chứng cứ, không đủ cơ sở, điều kiện để xác nhận thì Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh có thông báo kết luận rõ lý do từng hồ sơ không đủ điều kiện xác nhận cho thân nhân, đối tượng biết và kết thúc xác lập hồ sơ.

* Lưu ý: Ban chỉ đạo, Hội đồng xác nhận người có công các cấp họp công khai, biên bản cuộc họp chỉ có giá trị khi có ít nhất 80% thành viên dự họp và ký biên bản thống nhất đề nghị xác nhận, các thành viên vắng mặt được lấy ý kiến bằng văn bản.

IV. Số lượng và thủ tục lập hồ sơ

1. Số lượng: 02 bộ hồ sơ/đối tượng.

2. Thủ tục lập hồ sơ:

- Ngoài các biểu mẫu được thống nhất quy định tại tại hướng dẫn này, được sử dụng các biểu mẫu quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, bao gồm: Giấy báo tử (Mẫu LS 1); Phiếu xác minh (LS 2); Bản khai tình hình thân nhân liệt sĩ (Mẫu LS 4); Giấy chứng nhận bị thương (Mẫu TB 1).

- Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế của từng hồ sơ được sử dụng thêm các Biên bản khác theo yêu cầu của công tác xác minh, điều tra, thu thập thông tin, củng cố các chứng cứ gồm có:

+ Biên bản xác minh.

+ Bản trích lục tàng thư lưu trữ.

+ Các biên bản chứng cứ khác....

V. Thời gian thực hiện

Tất cả hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh phải được xem xét, hoàn thiện để giải quyết trong năm 2017. Cụ thể:

- Cấp xã: Hoàn thành việc rà soát, phân loại, xét duyệt, hoàn thiện hồ sơ và có văn bản báo cáo kết quả gửi kèm toàn bộ hồ sơ về Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị trước ngày 30/8/2017.

- Cấp huyện: Hoàn thành việc tiếp nhận, phân loại, kiểm tra xác minh, xét duyệt, hoàn thiện hồ sơ và có văn bản báo cáo kết quả gửi kèm toàn bộ hồ sơ về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - TB và XH) trước ngày 15/10/2017.

- Cấp tỉnh: Hoàn thành việc tiếp nhận, phân loại, kiểm tra xác minh, công khai thu thập thông tin hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ và có văn bản đề nghị Bộ Lao động - TB và XH xem xét, giải quyết theo quy định trước ngày 30/12/2017.

* Lưu ý: Thời gian thực hiện tại các cấp theo tiến độ quy định tại hướng dẫn này. Kéo dài hơn so với Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 04/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh Nghệ An, do mở rộng đối tượng giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Ban chỉ đạo xác nhận người có công cấp tỉnh

Ban chỉ đạo xác nhận người có công cấp tỉnh thực hiện theo nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 1779/QĐ-UBND ngày 04/5/2017 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thành lập Ban chỉ đạo xác nhận người có công tỉnh Nghệ An và Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 04/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Tổ chức tuyên truyền, triển khai nội dung Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công; Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 04/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh Nghệ An và hướng dẫn này trên phương tiện thông tin đại chúng, quán triệt qua các lớp tập huấn, cuộc họp, hội nghị đến các ban ngành, đoàn thể cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn.

- Căn cứ nội dung Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 04/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh Nghệ An và hướng dẫn này, UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, rà soát, giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn để triển khai thực hiện nghiêm túc.

- Kiện toàn Ban chỉ đạo xác nhận người có công cấp huyện và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành củng cố kiện toàn Hội đồng xác nhận người có công cấp xã theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 04/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Chỉ đạo, tổ chức rà soát, tiếp nhận, phân loại hồ sơ và tổ chức xét duyệt theo quy định tại hướng dẫn này, đảm bảo sự minh bạch, công khai.

3. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

- Tổ chức tuyên truyền, thông tin trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; tổ chức, sinh hoạt quán triệt trong các cơ quan, ban ngành, mặt trận đoàn thể và toàn thể nhân dân trên địa bàn về chủ trương, quan điểm, phương pháp triển khai việc xem xét giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng ở địa phương để người dân được biết, đồng thời giám sát việc thực hiện ngay từ cơ sở.

- Củng cố kiện toàn Hội đồng xác nhận người có công cấp xã theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 04/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tổ chức rà soát, tiếp nhận, phân loại, xác minh hồ sơ, tổ chức xét duyệt và hoàn thiện hồ sơ người có công tồn đọng trên địa bàn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định tại hướng dẫn này đảm bảo sự minh bạch, công khai.

Trên đây là hướng dẫn triển khai và quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh. Căn cứ hướng dẫn này, các ngành thành viên Ban chỉ đạo xác nhận người có công tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) theo quy định./.

TM. BAN CHỈ ĐẠO

TRƯỞNG BAN

 (Đã ký)

Lê Minh Thông

Phó Chủ tịch UBND tỉnh

TIN LIÊN QUAN