(Baonghean) - Bình quân hàng năm, huyện Hưng Nguyên có từ 900 đến 1.100 người đi lao động ở nước ngoài. Hiện người lao động trên địa bàn huyện đang làm việc tại gần 20 nước khắp các châu lục...
Giải pháp sát thực
Hưng Tân là một trong những đơn vị có phong trào xuất khẩu lao động mạnh trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Bình quân mỗi năm xã có từ 60 - 70 lượt người đi xuất khẩu lao động sang các nước, riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã có 27 người đi làm việc ở nước ngoài. Thị trường tập trung chủ yếu là các nước như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Angieri…
Ông Nguyễn Ngọc Tâm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hưng Tân cho hay: Bên cạnh việc thành lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện đề án, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức: thông qua hệ thống loa truyền thanh, qua các chi hội đoàn thể, phối hợp trực tiếp với Phòng LĐ - TB&XH huyện và các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tư vấn tại chỗ; thành lập đội truyền thông tư vấn lưu động giúp người dân nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài, nắm rõ thông tin số doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ, tránh thiệt hại cho người dân.
Tính bình quân chung cho các loại thị trường, mỗi lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (bình quân 3 năm) sau khi trừ các chi phí cho mức thu nhập 500 USD/ tháng thì mỗi năm số tiền mà người lao động Hưng Tân (hiện đang làm việc ở nước ngoài) gửi về gần 42 tỷ đồng/năm.
Từ có người nhà đi XKLĐ qua con đường chính thống, nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá, giàu, góp phần làm tăng giá trị thu nhập trên địa bàn xã. Như gia đình bà Cao Thị Tứ - (xóm 9, Hưng Tân) có 2 con trai đi XKLĐ, cả hai đều đã học gò hàn ở Trường dạy nghề Việt - Đức nên có thu nhập khá. Trong đó, anh con trai thứ hai sau khi đi xuất khẩu ở Brunei 4 năm về xây được nhà cửa khang trang và mở xưởng cơ khí gò hàn cho thu nhập ổn định, còn cậu út hiện vẫn ở nước ngoài. Bà Tứ cho hay: “Thấy con đi XKLĐ vừa có vốn, vừa tích lũy được kinh nghiệm, về làm nghề đúng sở trường của mình, gia đình rất phấn khởi. Tôi nghĩ đây là một hướng đi đúng để những người nông dân thoát nghèo”... Gia đình ông Dương Văn Sỹ (xóm 3, xã Hưng Lĩnh) hiện có 4 người thân đi xuất khẩu lao động nước ngoài, trong đó có những người đã hết thời hạn trở về sau đó tiếp tục trở lại, thu nhập cao. Riêng anh Dương Văn Tuấn con trai ông Sỹ, không chỉ giúp đỡ được kinh tế gia đình, mà còn mở được công ty riêng.
Trao đổi của ông Nguyễn Văn Đô - Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đẩy mạnh xuất khẩu lao động của xã Hưng Lĩnh cho biết: XKLĐ hiện đang là mũi nhọn thoát nghèo ở địa phương với khoảng 70% số hộ có con em đi XKLĐ. Năm 2016, toàn xã có 107 người đi lao động ở nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2017 có 58 người đi lao động ở các thị trường Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan…
Hiện tại, trên địa bàn xã có khoảng 805 người đang đi XKLĐ. Các đơn vị XKLĐ khi về địa phương đều phải có giấy giới thiệu và qua kênh thẩm định của UBND huyện, phòng LĐTB xã hội huyện. Công tác vay vốn của người dân cũng thuận lợi hơn, bởi bên cạnh nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp, người dân có nhu cầu đi XKLĐ còn có thể vay từ Quỹ tín dụng trên địa bàn.
Để công tác xuất khẩu lao động của địa phương đi vào chiều sâu, thực sự có hiệu quả và bền vững, xã Hưng Lĩnh giao trách nhiệm cho các hội đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tổ chức khảo sát nhu cầu lao động trong độ tuổi từ 18-40 tuổi trên địa bàn có nhu cầu XKLĐ và phân loại lao động theo các nhóm (nước đi, thời gian đi, hoàn cảnh gia đình…) để tổ chức định hướng và tư vấn cụ thể cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Nhiều lao động sau khi hết hợp đồng về nước với kinh nghiệm và vốn tích lũy từ nước bạn vẫn tiếp tục theo nghề gò, hàn hoặc đầu tư kinh doanh, buôn bán lớn, tích cực đóng góp xây dựng quê hương.
Theo ông Phan Anh Nam - Phó trưởng phòng Phòng LĐ-TB&XH huyện Hưng Nguyên: Để thực hiện mục tiêu của Đề án đẩy mạnh XKLĐ, huyện đã đưa ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, đối với nhóm chính sách, mỗi người đi xuất khẩu lao động được huyện hỗ trợ 1 triệu đồng. Với những lao động có thời gian thực tế dưới 12 tháng trở về nước được hỗ trợ 3 triệu đồng. Mức vay cho người xuất khẩu lao động căn cứ vào nhu cầu của người vay để chi phí thực tế theo hợp đồng tuyển dụng, với mức 30 triệu đồng/người. Đối với đi lao động tại Hàn Quốc vay tối đa không quá 100 triệu đồng/lao động, người vay không phải thế chấp tài sản. Đối với các xã đi làm việc ở nước ngoài đối với xã, thị trấn dưới 5.000 dân phối hợp đưa 70 người trở lên đi làm việc được thưởng 3 triệu đồng. Xã trên 5.000 dân đưa 100 người trở lên được hỗ trợ 5 triệu đồng.
Để tạo thuận lợi cho người dân, huyện và xã sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và các quỹ tín dụng khi cần. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, nhằm chuẩn bị tốt tay nghề cho người lao động, đáp ứng thị trường lao động ngoài nước, nhất là thị trường có thu nhập cao. Gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp XKLĐ với người lao động, yêu cầu thực hiện đầy đủ điều kiện, quy định tại hợp đồng đào tạo nghề ở địa phương.
Hàng năm cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch có mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và đưa nội dung xklđ vào chương trình công tác thường xuyên của địa phương. Chú trọng trang bị kiến thức cần thiết để người lao động có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình khi làm việc ở nước ngoài.
Riêng trong năm 2016, huyện tổ chức được 56 cuộc tuyên truyền, các xã bình quân mỗi đơn vị tổ chức từ 2-3 cuộc. Nhiều phường xã, thị trấn đã hình thành được tổ liên gia gồm những gia đình có người đi XKLĐ để thường xuyên nắm bắt thông tin, giáo dục, động viên người lao động chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, các điều khoản đã ký trong hợp đồng lao động, về nước đúng thời hạn, không vi phạm luật pháp nước sở tại, bỏ trốn ra ngoài làm bất hợp pháp; trả nợ ngân hàng đúng kỳ hạn. Đối với các doanh nghiệp XKLĐ hàng năm, huyện chú trọng chọn những doanh nghiệp có nguồn lực, uy tín cao, có sự kết nối thường xuyên với người lao động và chính quyền địa phương. Nhờ vậy, bình quân hàng năm, huyện có từ 900 đến 1.100 người đi lao động ở nước ngoài. Hiện người lao động Hưng Nguyên đang làm việc tại gần 20 nước khắp các châu lục với nhiều công việc khác nhau…
Mục tiêu đề án đẩy mạnh XKLĐ trên địa bàn huyện Hưng Nguyên giai đoạn 2016- 2020 là: phấn đấu mỗi năm đưa khoảng 1.000 - 1.300 lao động có thời hạn ở nước ngoài, đến năm 2020 có khoảng 5.800 người lao động đi xuất khẩu lao động; trong đó khoảng 50% lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo; 65% lao động qua đào tạo nghề; góp phần hàng năm giảm nghèo 2-3%...
Tập trung nâng cao tay nghề cho ngươi lao động
Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng hiện nay công tác XKLĐ trên địa bàn huyện Hưng Nguyên vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là lao động phổ thông vẫn chiếm tỷ lệ cao, lao động có tay nghề vững trước khi xuất khẩu lao động ra nước ngoài chưa nhiều. Năng lực hoạt động của một số đơn vị XKLĐ yếu. Một số đơn vị đến địa bàn để tuyển dụng lao động nhưng chỉ cử cán bộ liên hệ công tác rồi trông chờ, ỷ lại, phó mặc vào sự vận động của xã nên kết quả không cao.
Một số đơn vị có nhiều người lao động dự tuyển đủ điều kiện, được tổ chức học nghề, giáo dục định hướng nhưng chậm đưa đi làm việc ở nước ngoài, gây ảnh hưởng và tạo tâm lý chán nản đối với người lao động…Một số ban, ngành địa phương khi phối hợp, liên kết với các đơn vị XKLĐ để tuyển lao động trên địa bàn huyện chưa tuân thủ quy định của UBND tỉnh là phải có thẩm định, giới thiệu của Sở LĐ-TB&XH và có văn bản giới thiệu của UBND huyện, phòng LĐ-TB&XH huyện. Thậm chí, một số xã không phát hiện được hoặc không có biện pháp ngăn chặn những hoạt động XKLĐ không lành mạnh của một số cá nhân trên địa bàn quản lý làm phát sinh nguy cơ rủi ro ảnh hưởng đến quyền lợi cho người lao động. Công tác tuyên truyền của một số địa phương có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa thường xuyên nên người lao động chưa tiếp cận được với nguồn thông tin đầy đủ đến hoạt động XKLĐ.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Ngọc Tâm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hưng Tân: “Tâm lý người lao động thường thích đi theo mối của người thân, tự tìm hiểu thông tin thông qua những người quen biết; không ít trường hợp phải nhờ “ cò mồi” qua trung gian nên phải mất chênh lệch chi phí cao hơn (khoảng vài, ba chục triệu đồng) so với đi qua kênh giới thiệu từ huyện, từ xã. Trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện Hưng Nguyên có 529 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng chỉ có 170 người đi qua kênh huyện giới thiệu…”.
Qua khảo sát hàng năm, Hưng Nguyên có 7.410 thiếu niên bước vào độ tuổi thanh niên bổ sung lực lượng cho lao động trẻ; huyện phải giải quyết việc làm mới cho 2.700-3.200 lao động. Do vậy, trong thời gian tới, huyện chú trọng nâng cao chất lượng lao động học nghề, ngoại ngữ và chuyển nghề theo hướng đa dạng hóa, tập trung vào các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người lao động thuộc các ngành nghề may mặc, điện, điện tử, xây dựng, cơ khí công nghệ ô tô, kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp, gò hàn... để đưa người lao động đi làm việc có thời hạn tại các thị trường có thu nhập cao. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm thông qua vốn vay từ quỹ quốc gia về việc làm - ông Phan Anh Nam - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Hưng Nguyên cho biết thêm./.
Gia Huy