(Baonghean) - Truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thay đổi nhận thức của cộng đồng về chăm sóc SKSS/KHHGĐ và từng bước nâng cao chất lượng dân số. Bởi vậy, trong thời gian qua, Trung tâm Dân số-KHHGĐ Hưng Nguyên đã chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông một cách sâu rộng dưới nhiều hình thức phong phú, mới mẻ.

Xóm 20 (Hưng Tân) liên tục 20 năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên. Ông Phan Đăng Vỹ - Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận xóm 20 phấn khởi khoe: “Liên tục nhiều năm liền, xóm được các cấp khen thưởng vì làm tốt công tác dân số. Đáng mừng là các hộ trong xóm chí thú làm ăn, số hộ giàu tăng dần và hộ nghèo giảm đáng kể, con em trong xóm học hành đến nơi, đến chốn, không có tình trạng bỏ học giữa chừng hay vi phạm tệ nạn xã hội…”. Để có được thành tích đó, ban cán sự xóm và những người làm công tác dân số đã luôn trăn trở, nỗ lực để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con.

Chị Hồ Thị Huế, cán bộ chuyên trách dân số xã chia sẻ kinh nghiệm: “Hiện nay, trình độ nhận thức người dân khá cao và đồng đều, do đó, nếu chỉ đơn thuần là tập trung dân ở hội trường, hội quán phổ biến các văn bản, chính sách thì sẽ rất nhàm chán và không thu hút được người nghe. Do đó, chúng tôi đã trăn trở tìm cách đưa các chủ trương, chính sách dân số đến gần với người dân bằng nhiều hình thức: sinh hoạt CLB, xây dựng các tiểu phẩm và đưa ra các tình huống cụ thể để người dân tham gia giải đáp… tạo sự sôi nổi, hấp dẫn trong các buổi sinh hoạt và nội dung tuyên truyền cứ thế “ngấm” vào mỗi người, lan tỏa rộng ra”.

Còn với xã Hưng Lam, nơi có đến 4/10 xóm sông nước, 1 xóm vạn chài, đặc thù của những xóm này là lênh đênh trên sông, thường xuyên nay đây mai đó nên việc tuyên truyền vận động các hộ dân vạn chài thực hiện chính sách dân số rất khó khăn. Chị Nguyễn Thị Vân, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: “Các cuộc họp thôn, xóm hay sinh hoạt CLB, các buổi truyền thông dân số ít khi họ có mặt. Cách duy nhất là lựa chọn thời điểm thích hợp và đến tận nhà, tận các thuyền, gặp gỡ các đối tượng để tư vấn, vận động.

Hình thức tư vấn tại nhà, tuyên truyền nhóm nhỏ được các cộng tác viên dân số lựa chọn. Ban đầu, nói để họ nghe, họ hiểu và thực hiện không phải là chuyện đơn giản, đòi hỏi phải kiên trì và khéo léo”. Biết cách đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù địa phương nên những năm qua, công tác dân số ở Hưng Lam có những bước chuyển đáng ghi nhận: tỷ lệ sinh con thứ ba giảm còn 20%; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt gần 80%.

815326_small_105190.jpg

Phát tờ rơi truyền thông dân số cho bà con xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). 
Ảnh: Thu Hương

Là huyện có tỷ lệ giáo dân đông, chiếm trên 70% dân số như Hưng Trung, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc… thì việc phổ biến các chính sách dân số lại phải có “cách riêng”. Chị Cao Thị Nhung, Trưởng ban tuyên truyền, Trung tâm Dân số huyện Hưng Nguyên cho biết: “Riêng với các xã vùng giáo, ngoài kẻ vẽ băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền trực quan, qua hệ thống loa phát thanh thì việc phối hợp với các chức sắc, chức việc, giáo lý viên lồng ghép nội dung dân số vào các buổi rao giảng, đi lễ là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, các hoạt động như: chiến dịch truyền thông dân số - CSSKSS, các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia về công tác dân số đều ưu tiên triển khai ở vùng giáo. Ưu tiên các dịch vụ thiết thực: khám phụ khoa, các biện pháp tránh thai lâm sàng, cấp phát các phương tiện tránh thai…”.

Xác định để người dân tiếp cận được chương trình chăm sóc SKSS/KHHGĐ thì hoạt động truyền thông được xem là giải pháp hàng đầu nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức dẫn đến chuyển đổi hành vi. Một trong những “kênh” truyền thông về Dân số-KHHGĐ phát huy hiệu quả cao là hoạt động của lực lượng CTV dân số ở khắp các khối, xóm. Bên cạnh đó, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện đã ký kết với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên phối hợp thực hiện công tác dân số bằng cách tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các câu lạc bộ truyền thông như “Phụ nữ không sinh con thứ ba”, “Vận động nam giới tham gia thực hiện KHHGĐ”, “Tiền hôn nhân” và mô hình tư vấn sức khỏe vị thành niên - thanh niên.

Hiện tại, toàn huyện đã thành lập được 98 CLB về thực hiện chính sách dân số; 6 tháng đầu năm 2013 đã thực hiện được 102 buổi tư vấn nhóm, hàng trăm buổi tư vấn trực tiếp tại gia đình; 23/23 xã hoàn thành chỉ tiêu mỗi xóm kẻ vẽ 5 câu khẩu hiệu về thực hiện chính sách dân số tại các bờ tường, bờ rào; tổ chức thành công đối thoại trực tiếp giữa cán bộ huyện, xã với cán bộ chuyên trách, CTV dân số, người dân về vấn đề dân số: tỷ lệ sinh con thứ ba, vấn đề đảng viên vi phạm chính sách dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh…

Gần đây, công tác truyền thông dân số cũng được đưa vào hoạt động ngoại khóa ở các trường phổ thông nhằm giáo dục giới tính, SKSS cho học sinh thông qua hình thức tư vấn trực tiếp; hội thi và mô hình CLB. Hiện nay, đã triển khai được ở Trường THPT Thái Lão và Trường THCS Hưng Thịnh. Mô hình phát thanh dân số; mô hình gương điển hình về công tác dân số được xây dựng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện tại  toàn huyện xây dựng được 35 gương điển hình tiêu biểu là các cá nhân và tập thể làm tốt công tác Dân số - KHHGĐ, xây dựng 47 gia đình thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ.

Phương thức tư vấn cộng đồng bằng máy chiếu với những hình ảnh trực quan sinh động kết hợp xen kẽ các tiết mục văn nghệ như thơ ca, hát, múa, tiểu phẩm  có nội dung về DS/CSSKSS/KHHGĐ đã tạo nên thành công cho mô hình truyền thông tư vấn cộng đồng. Nhờ vậy đến nay tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Hưng Nguyên là 17,7% (giảm 1% so với năm 2005), tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 107,9%...


Duy Nam