(Baonghean) - Một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất về công tác dân số đó là thành lập các CLB không sinh con thứ 3 ở các bản, làng, khối, xóm. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hàng trăm CLB duy trì sinh hoạt, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ không sinh con thứ 3.

Tuy nhiên, để các CLB duy trì và hoạt động đều đặn, hiệu quả không phải địa phương nào cũng làm được, nhất là các huyện miền núi. Bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu những cách làm hay của các CLB vùng sâu, vùng xa - nơi phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số.

Điểm sáng Trung Lương

Từ Thị trấn Lạt về Tân Xuân, huyện Tân Kỳ, xã giáp ranh với huyện Quỳ Hợp mất gần 1 tiếng đồng hồ. Vào đến trung tâm xã còn phải đi gần 10 km đường đất nữa mới đến xóm Trung Lương, nơi có 100% dân số là dân tộc Thổ. Chúng tôi may mắn được cùng chị Trương Thị Lượng - cộng tác viên dân số và chị Vi Thị Lân – Chủ nhiệm câu lạc bộ không sinh con thứ 3 xóm Trung Lương, tham gia buổi tư vấn chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại gia đình anh Phan Văn Tùng và Nguyễn Thị An.

Anh Tùng là lái xe, thường xuyên chở mía cho bà con trong vùng, chị An làm nội trợ, hai vợ chồng mới cưới nhau được 2 năm có một cháu trai Phan Văn Đức Cường, năm nay vừa tròn 1 tuổi. Qua những phút e dè ban đầu, buổi tư vấn diễn ra như một buổi trò chuyện thân tình, bởi hai chị đều là  những người có kinh nghiệm gần 20 năm gắn bó với công tác dân số. Ngoài hướng dẫn gia đình kiến thức chăm trẻ nhỏ, các chị còn hướng dẫn vợ chồng anh Tùng sử dụng các biện pháp tránh thai, khuyên gia đình không sinh con dày, không sinh nhiều con và động viên chị An tham gia sinh hoạt câu lạc bộ không sinh con thứ 3 của xóm.

Chị Lân chia sẻ: Những năm trước, chỉ những người nghèo mới sinh đông con, nay thì xu hướng đó lại đang chuyển sang các gia đình trẻ, gia đình có điều kiện, như gia đình Tùng cũng là đối tượng cần tư vấn.  Đây cũng là vấn đề  khó khăn cho những người làm công tác dân số, nếu xử phạt một, hai triệu đồng đối với họ chẳng có ý nghĩa gì. Thế nên “đi trước đón đầu”, chúng tôi phải “đi tận ngõ, gõ tận nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động.

815327_small_105191.jpg

Chuyên trách dân số xã Giai Xuân - Tân Kỳ tuyên truyền về chính sách dân số
cho người dân. Ảnh: Mỹ Hà.

30 thành viên ở Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 xóm Trung Lương đều là những tuyên truyền viên tiêu biểu. Xác định công tác dân số là phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục mới hiệu quả, vì thế ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 2008) các chị đã xác định mục tiêu chính của câu lạc bộ đó là tập hợp những phụ nữ cam kết không sinh con thứ 3, hướng dẫn họ các kiến thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình. Trên cơ sở đó, xây dựng một đội ngũ cộng tác viên tâm huyết, có kiến thức, có uy tín, để họ vận động, tuyên truyền trong gia đình, dòng họ, tổ dân cư. Lợi thế của các chị là người trong một làng, cùng anh em dòng họ nên trong quá trình tuyên truyền dễ trao đổi, dễ thông cảm, và thực hiện được mọi lúc, mọi nơi.

Những năm 2008 trở về trước, Trung Lương là “điểm nóng” về gia tăng dân số của xã Tân Xuân, có những năm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm từ 18 – 20%. Để câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả, 5 năm qua, các chị không ngừng thay đổi hình thức sinh hoạt. Thường thì một tháng câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt một lần, và các chủ đề cũng linh hoạt theo từng nội dung mà Trung tâm Dân số huyện Tân Kỳ đề ra. Ví như vào dịp đầu năm, nội dung sinh hoạt chính là nói về chiến dịch dân số; vào năm học mới thì nói chuyện về sức khỏe sinh sản vị thành niên; ngày gia đình tuyên truyền về kiến thức chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, biết chị em dân tộc thiểu số thường thích ca hát, văn hóa văn nghệ nên buổi  sinh hoạt nào cũng lồng ghép với biểu diễn văn nghệ, thi hái hoa dân chủ, kể chuyện.

Một hoạt động khác được đông đảo hội viên trong câu lạc bộ ủng hộ, đó là góp quỹ, giúp hội viên phát triển kinh tế. Như 6 tháng đầu 2013, mặc dù quỹ của câu lạc bộ chưa đến 10 triệu đồng nhưng các chị cũng đã giúp được 4 thành viên trong câu lạc bộ vay vốn để chăn nuôi lợn. Nhận thức được “cái lợi” của CLB nên ngày càng nhiều người dân tham gia sinh hoạt.

Với sự ủng hộ của nhân dân trong xóm nên từ khi Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 đi vào hoạt động, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở trong thôn có chuyển biến rõ rệt. Những năm trước, năm nào tỷ lệ sinh con thứ 3 của xóm cũng cao nhất xã, nhưng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Trung Lương chỉ còn 1 - 2%, có ba năm không có người sinh con thứ 3. Đặc biệt hơn, từ mô hình hiệu quả ở Trung Lương, xã Tân Xuân đã nhân rộng mô hình đến 6 xóm khác, trong đó riêng 3 xóm Vĩnh Đồng, Hoàng Dương, Hoàng Trang nhiều năm nay không có người sinh con thứ 3. Xã  Tân Xuân được xem là điển hình về làm tốt công tác dân số ở huyện Tân Kỳ.

Nói về bí quyết thành công, chị Vi Thị Lân – Chủ nhiệm câu lạc bộ cho rằng: “Điều quan trọng nhất phải là tập hợp được những người có tâm huyết, có trách nhiệm thực sự. Bên cạnh đó phải linh hoạt, năng động trong hình thức tổ chức. Phải xem đây là một sân chơi thực sự, mà những người tham gia chỉ có “được”, không có “mất”. Và để chính sách dân số đi vào cuộc sống, thu hút người dân đồng tình hưởng ứng, thì phải bằng những mô hình, những việc làm, điển hình cụ thể. Không những thế, để “nuôi” câu lạc bộ, cần có sự quan tâm tích cực của chính quyền địa phương, sự động viên kịp thời của các cấp, các ngành, sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể và sự đồng lòng, ủng hộ của chính những người dân.

Hiệu quả truyền thông ở Bãi Gạo

Bản Bãi Gạo -  xã biên giới Châu Khê (Con Cuông) có 89 hộ với 338 khẩu, 100% đồng bào dân tộc Thái... Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của bà con dân bản, đến nay Bãi Gạo có 80% số hộ có nhà sàn lợp ngói và nhà xây kiên cố, thu nhập bình quân đạt 750.000 đồng/người/tháng, hàng năm có trên 90% hộ đạt gia đình văn hoá. Đặc biệt, 16 năm liên tục, Bãi Gạo không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Nói về kinh nghiệm và hiệu quả công tác dân số, chị Lô Thị Tâm - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ kiêm cộng tác viên dân số bản Bãi Gạo  cho biết: Theo quy ước của Câu lạc bộ “Kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3” cứ 3 tháng 1 lần, các hội viên lại tập hợp tại Nhà văn hóa bản để cùng nhau trao đổi những kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kinh nghiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan… Tại những buổi sinh hoạt này, các thành viên được cán bộ dân số của huyện, xã đến hỗ trợ tuyên truyền, giới thiệu về pháp lệnh dân số, về giới tính, những tác động không tốt đến đời sống xã hội của việc sinh nhiều con… Qua đó, giúp các thành viên thấy rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong gia đình.

Chị Tâm chia sẻ: Muốn vận động được các cặp vợ chồng thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, trước hết, mình phải có cái tâm, tạo sự thân mật, gần gũi, sau đó mới vận động và áp dụng chiến thuật ''mưa dầm thấm lâu''. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên thời gian qua có 48 cặp vợ chồng trong CLB thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, trong đó có 18 cặp hội viên sinh con một bề là gái, nhưng đến nay không có trường hợp nào sinh thêm. Ngoài duy trì sinh hoạt, nâng cao nhận thức cho chị em, câu lạc bộ còn tổ chức ký cam kết hàng năm, đồng thời tuyên truyền, vận động chồng và gia đình từng bước xóa bỏ mặc cảm, quan niệm trọng nam khinh nữ, để cùng nhau thực hiện tốt công tác dân số.... Nhờ vậy, tỷ lệ người áp dụng các biện pháp tránh thai đã phát động trên 90%; tỷ lệ người chấp nhận biện pháp tránh thai trong bản đạt gần 80%; việc thực hiện chỉ tiêu hàng năm của huyện luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, mô hình bản không có người sinh con thứ 3 trở lên bền vững trong nhiều năm liền.

Đến thăm gia đình chị Lô Thị Túy - là một trong những gia đình có 2 con gái, hiện chị là thành viên tích cực của câu lạc bộ. Chị Túy cho biết: “Trước đây người Thái có nhiều hủ tục lạc hậu, sinh đẻ nhiều nên trẻ bị suy dinh dưỡng, bệnh tật. Được tuyên truyền, quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ” từ lâu đã không còn trong nếp suy nghĩ của người Thái bản Bãi Gạo. Gia đình tôi tuy sinh 2 con gái nhưng không nặng nề, bởi lẽ chúng tôi chỉ muốn nuôi con khỏe, ngoan, học giỏi  và tập trung phát triển kinh tế nâng cao đời sống...”.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng bản Bãi Gạo, bà Lộc Thị Hoàng tự hào cho biết: “Với thành tích 16 năm liên tục không có người sinh con thứ 3, bản Bãi Gạo là điểm sáng trong việc chấp hành chính sách, pháp lệnh dân số”. Năm 2000, Bãi Gạo là đơn vị đầu tiên của huyện miền núi Con Cuông được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Làng Văn hóa. Liên tục 13 năm qua, Chi bộ đảng Bãi Gạo đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu”.

Kinh nghiệm từ Hồng Yên

Vợ chồng anh Nguyễn Xuân Hiếu và chị Hồ Thị Thanh (xóm Hồng Yên, xã Nghĩa Hồng - Nghĩa Đàn) có 2 cô con gái, cháu đầu sinh năm 1993, nay đang học đại học năm thứ 2; cháu sau sinh năm 1998, chuẩn bị bước vào lớp 10. Hai cháu đều học giỏi, chăm ngoan, được người dân xóm Hồng Yên tấm tắc khen ngợi. Sinh con một bề, đều là gái, đã nhiều lần bạn bè khuyến khích “thêm đứa nữa”, nhưng anh Nguyễn Xuân Hiếu cùng vợ nhất quyết dừng lại ở hai con để tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng con trưởng thành. Vợ chồng anh càng vững tâm khi chính người cha của anh khuyên không nên sinh thêm nữa. Rót nước mời khách, cụ Nguyễn Xuân Yên (bố anh Hiếu) tâm sự: “Chúng tôi trước đây sinh nhiều, lo cái ăn, cái mặc đã mệt chứ chưa nói đến những chuyện khác. Thời chúng tôi đã thấy hết những vất vả vì đông con. Chính vì vậy, tôi luôn khuyên các con đẻ hai con là vừa, để tập trung sức phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt hơn…”.

Chị Nguyễn Thị Tâm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ và là cộng tác viên dân số xóm Hồng Yên đã có trên 18 năm gắn bó với công việc. Điều mà chị cảm nhận rõ nhất là sự đồng lòng thực hiện của các tầng lớp nhân dân, nhất là các gia đình trẻ. Vì vậy, kết quả 16 năm liền xóm không có gia đình sinh con thứ ba chính là nỗ lực của các cặp vợ chồng trẻ và sự góp công tích cực của những người già. Cả xóm hiện có 90 hộ, trong đó có 22 hộ sinh con một bề, 12 cặp vợ chồng sinh hai con gái.

Để góp phần cùng cán bộ dân số và ban cán sự làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, 4 năm qua, ở Hồng Yên đã hình thành và tổ chức hoạt động định kỳ “Câu lạc bộ Gia đình trẻ”. Thông qua câu lạc bộ, công tác truyền thông dân số được lồng ghép với các nội dung phổ biến, trao đổi kiến thức, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi. Hoặc thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong dịp lễ Tết, các nội dung về kế hoạch hóa gia đình được chú trọng tuyên truyền. Hoạt động hiệu quả của câu lạc bộ không chỉ lôi cuốn các cặp vợ chồng trẻ, mà còn thu hút nhiều cặp vợ chồng trung niên và cả những bậc ông bà tham gia.

Đặc biệt, các đảng viên lâu năm và Chi hội Người cao tuổi tăng cường tiếp xúc, vận động các bậc ông bà “có tiếng nói”, khuyên dạy con em không sinh con thứ ba. Điển hình trong xóm, có gia đình bà Nghiêm Thị Châu, chồng bà mất sớm, một mình vất vả nuôi 5 người con trai ăn học. Khi các con lập gia đình, lần lượt 4 anh con trai đầu đều sinh con một bề - hai gái. Nhưng bà luôn khuyên nhủ các con không sinh con thứ 3. Hiện nay, các con của bà người thì làm công chức, công nhân ở xa, người thì làm nông ở quê nhà, nhưng tất cả đều khá giả và thấy tự hào khi thực hiện nghiêm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Thành công của 16 năm liền không có gia đình sinh con thứ ba ở xóm Hồng Yên là cả quá trình hoạt động liên tục, hiệu quả của các tổ chức đoàn thể và có phần đóng góp quan trọng của các cụ cao tuổi. “Chính các cụ, có vai trò quyết định rất lớn, họ không gây sức ép với con cái khi sinh con một bề mà còn khuyên dạy con em mình thực hiện tốt chính sách dân số, dừng ở hai con để nuôi dạy thật tốt…”, Bí thư chi bộ, ông Viên Hữu Chinh tâm sự.

Những cách làm như Trung Lương (Tân Kỳ), Bãi Gạo (Con Cuông), Hồng Yên (Nghĩa Đàn) cần được nhân rộng, bởi hiện nay, công tác dân số vùng cao đang là bài toán khó rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành liên quan.


Mỹ Hà - Phạm Ngân - Nguyên Sơn